Những phản ứng mạnh từ cả trong và ngoài nước đã buộc chính quyền Biden phải điều chỉnh nhiều thứ. Đã có những lo ngại về việc nếu cứ để những tranh cãi đi xa thì cái giá phải trả là sự mất niềm tin giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ lớn đến mức khó lấp đầy.
Tính toán sai của ông Biden
Sau chiếc khinh khí cầu mà Trung Quốc thừa nhận là của nước này bị bắn rơi ngoài khơi bang South Carolina vào ngày 5-2, Mỹ đã bắn hạ liên tiếp ba vật thể bay.
Việc bắn hạ chúng (vốn chưa xác định được nguồn gốc) những tưởng sẽ giúp ông vượt qua được các chỉ trích từ cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ khi thể hiện hình ảnh một nước Mỹ mạnh mẽ.
Nhưng không, hiệu ứng từ các động thái này lại hoàn toàn ngược lại.
Ngay cả người dân Mỹ cũng không thể tiếp thu được thông điệp "nước Mỹ không khoan nhượng với các vụ xâm phạm không phận".
Đã có những ý kiến cho rằng chính quyền đang phản ứng thái quá để gỡ gạc danh dự bị tổn hại sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc.
Một số báo cũng hưởng ứng theo khi dẫn các nguồn tin trong cộng đồng tình báo cho thấy ba vật thể lạ hoàn toàn vô hại với Mỹ, ngoại trừ cho hàng không dân sự.
Đồi Capitol, nơi đặt trụ sở Quốc hội Mỹ, vẫn ầm ĩ mấy ngày qua vì những chỉ trích và tranh cãi.
Trong khi phe Cộng hòa mô tả Tổng thống Biden là một nhà lãnh đạo yếu đuối, các nghị sĩ Dân chủ cũng tìm kiếm câu trả lời xác đáng từ chính quyền vị tổng thống cùng đảng.
Các báo cáo mật về khinh khí cầu Trung Quốc và ba vật thể bị bắn rơi không làm thỏa mãn các nhà lập pháp. Họ cần nhiều lời giải thích hợp lý hơn để nói với cử tri ở những khu vực mà họ đại diện, để thuyết phục vì sao cử tri bỏ phiếu cho các ứng viên Dân chủ trong cuộc bầu cử năm sau.
Tại Trung Quốc, phản ứng của chính quyền Biden trở thành chất liệu cho truyền thông Trung Quốc. Một bài xã luận trên Nhân Dân Nhật Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc mô tả một nước Mỹ đang suy yếu và chia rẽ ngày càng sâu sắc.
Người Trung Quốc lập luận rằng tại sao một cường quốc lại sợ hãi trước một chiếc khinh khí cầu mỏng manh? Chỉ có một câu trả lời, đó là một loạt các vấn đề nội bộ như xã hội bị chia rẽ sâu sắc và xung đột đảng phái khó giải quyết đã khiến Tổng thống Biden phải hành động cứng rắn với Bắc Kinh.
Điện đàm để hóa giải
Trong bài phát biểu tối 16-2 (giờ Mỹ), Tổng thống Biden tiếp tục bảo vệ quyết định chậm bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc. Ông cũng cho biết đã ra lệnh cho cấp dưới xây dựng "các quy tắc sắc bén hơn" để đối phó với các hành vi xâm phạm không phận Mỹ trong tương lai.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thừa nhận chưa biết chính xác ba vật thể bị bắn rơi gần đây là gì, nhưng với thông tin hiện có, chúng không liên quan đến chương trình do thám bằng khinh khí cầu của Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác.
Trong bối cảnh căng thẳng ở Washington, ông Biden tỏ ra kiên quyết không làm leo thang thêm căng thẳng với Trung Quốc. "Tôi mong đợi được nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình", ông bày tỏ nhưng không nói rõ thời gian khi nào.
Và Trung Quốc đã phản hồi không lâu sau đó với tuyên bố của Bộ Ngoại giao rằng Mỹ không nên yêu cầu điện đàm trong lúc lại leo thang tình hình.
Với Mỹ, đề nghị điện đàm của Tổng thống Biden sẽ được diễn giải như một cử chỉ thiện chí mong muốn giải quyết vấn đề. Nó cũng được xem như một hành động đá bóng sang sân Trung Quốc.
Với Bắc Kinh, lời đề nghị sẽ được xem như một sự xuống nước của Washington sau các phản ứng "thái quá" ban đầu.
Theo giới quan sát, đây cũng được xem như một nỗ lực tạo bầu không khí thuận lợi trước cuộc gặp dự kiến giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chủ nhiệm Ủy ban Công tác ngoại sự trung ương Trung Quốc Vương Nghị.
Cả hai đều cùng tham dự một hội nghị ở Munich (Đức) vào cuối tuần này. Cuộc gặp, nếu diễn ra, chắc chắn sẽ bao gồm việc thảo luận về một cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Biden.
Phần lớn giới chuyên gia ban đầu đều tin rằng hai bên sẽ giải quyết êm thấm vụ việc. Nhưng các diễn biến tiếp theo đã khiến một số người suy nghĩ lại.
Cuộc khủng hoảng khinh khí cầu lần này cũng phơi bày một số sự thật thú vị trong quan hệ nước lớn. Chẳng hạn, Bắc Kinh tố Washington đã triển khai khinh khí cầu do thám nước này đến 10 lần từ năm ngoái nhưng đến nay mới lên tiếng.
Điều này cho thấy các nước đều rõ việc đang bị do thám, chấp nhận thực tế đó và việc có lên tiếng hay không còn tùy thuộc vào thời điểm, bối cảnh.
Tiết lộ mới về khinh khí cầu
Báo New York Times mới đây dẫn một số nguồn tin trong cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá chiếc khinh khí cầu Trung Quốc có thể đã được dùng để do thám các căn cứ Mỹ ở Guam hay Hawaii, sau đó bị gió thổi bay đến Bắc Mỹ vào ngày 28-1.
Chức năng tự hủy trên khinh khí cầu đã không hoạt động, có thể người điều khiển đã cố tình để như vậy hoặc thử kích hoạt nhưng thất bại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận