16/08/2020 10:22 GMT+7

Khi người Đà Nẵng sẻ chia

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Giữa khó khăn bủa vây (hơn 300 ca nhiễm và hàng chục nghìn người cách ly), Đà Nẵng cũng bước vào giai đoạn cách ly xã hội thứ hai nhưng thành phố này vẫn sẵn sàng sẻ chia với các tỉnh có dịch, với miền Trung ruột thịt.

Khi người Đà Nẵng sẻ chia - Ảnh 1.

Những chuyến hàng từ tâm dịch Đà Nẵng tiến về chi viện Quảng Trị chống dịch - Ảnh: NHẬT MAI

"Khi dịch bệnh, công việc ai cũng ảnh hưởng, muốn nhanh hết dịch thì thiết thực nhất là chung tay với cộng đồng để sớm đẩy lùi dịch bệnh, ổn định cuộc sống. Miền Trung cũng là anh em máu thịt, nên khi gặp khó thì chúng tôi những người con Đà Nẵng sẵn sàng chia lửa" - anh Nguyễn Văn Sơn, chủ nhiệm câu lạc bộ xe bán tải Đà Nẵng (PDC), chia sẻ.

Những đoàn xe tỏa đi từ tâm dịch

Dịch bùng phát, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị gửi đi lá thư "cầu viện" vì những thiếu thốn vật lực không kịp trở tay. Ngay lập tức, những người hoạt động thiện nguyện ở Đà Nẵng - đang là tâm dịch của cả nước - đã gấp rút lên kế hoạch chi viện.

Trên các hội nhóm thiện nguyện, họ gửi đi lời kêu gọi như khẳng định chắc nịch: "Khi Đà Nẵng dịch, cả nước chung tay. Sự chia sẻ lan tỏa đến Quảng Nam. Nay Quảng Trị đang gặp khó khăn, chúng ta cũng sẽ giúp hết sức mình chứ?".

Ngay trong đêm 13-8, từng đoàn xe đã nối nhau tỏa đi từ Đà Nẵng mang theo hàng trăm thùng đồ bảo hộ y tế, nhu yếu phẩm chi viện cho Quảng Trị.

Dẫn đầu là đội xe của anh Hồ Ngọc Thanh (35 tuổi), một "thủ lĩnh" tình nguyện của Đà Nẵng và các cộng sự chuyển hàng chục thùng khẩu trang chuyên dụng, đồ bảo hộ, mặt nạ chống giọt bắn cùng nước sát khuẩn... chạy liên tục gần 4 giờ đồng hồ đến Quảng Trị để trao tặng cho các y bác sĩ.

Đội xe trở về Đà Nẵng lúc 2h sáng cũng là lúc hơn chục chiếc xe đầy ắp hàng của PDC lại vượt gần 200km ra Quảng Trị. Anh Trần Đăng Vinh - người điều phối đoàn xe bán tải chở vật tư y tế, nhu yếu phẩm ra Quảng Trị - cho biết đa số sự hỗ trợ là từ người dân Đà Nẵng và một phần từ các nơi gửi về chi viện cho thành phố.

Các tình nguyện viên của PDC đã đảm nhận vận chuyển hàng chi viện sau khi cân đối tính toán kỹ việc hỗ trợ chống dịch ở Đà Nẵng.

"Chúng tôi muốn xuất phát nhanh nhất để có sự hỗ trợ kịp thời đến các y bác sĩ về cả vật chất lẫn tinh thần nên quyết định di chuyển ngay trong đêm. Chỉ một chuyến có thể đảm bảo cho Quảng Trị đủ vật tư y tế cơ bản trong một thời gian.

Sau khi đến nơi, nhận thấy địa phương đã khó khăn nay khó khăn hơn vì dịch nên chúng tôi tiếp tục lên phương án mua thêm lương thực tiếp tế các vùng sâu vùng xa, huyện miền núi Quảng Trị" - anh Vinh nói.

Những ngày trước đó, các chuyến xe chở vật tư y tế, lương thực, thực phẩm từ Đà Nẵng cũng liên tục về với những vùng khó Quảng Nam - nơi đang có gần trăm ca mắc COVID-19.

PDC với gần 50 xe bán tải phản ứng nhanh túc trực chuyên chở hàng hóa đến các điểm nóng. Anh cho biết các tài xế vừa kiêm việc vận chuyển, bốc vác đều là những người làm kinh doanh ở Đà Nẵng.

Khi dịch bệnh bùng phát, công việc phải dừng lại, gạt bỏ những khó khăn cá nhân, họ túc trực hỗ trợ 24/24 giờ chuyển hàng ngàn chuyến hàng đến các điểm nóng của thành phố và tỏa đi các tỉnh miền Trung.

Hiện đội xe đang mở rộng đến các vùng quê nghèo Điện Bàn, Duy Xuyên... của Quảng Nam, lên tận vùng Khe Sanh, Hướng Hóa... của Quảng Trị. Anh Sơn bảo rằng những chuyến xe đi gấp rút trong đêm là chuyện thường của anh em mùa dịch.

Khi người Đà Nẵng sẻ chia - Ảnh 2.

Người Đà Nẵng đưa những chuyến xe 0 đồng chuyển bệnh nhân từ các bệnh viện dỡ phong tỏa về quê - Ảnh: HOÀNG LONG

Giúp người ngoại tỉnh kẹt lại vì dịch

Sau 14 ngày cách ly, khi Bệnh viện C và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng dỡ phong tỏa, đã có hàng trăm bệnh nhân xuất viện về cách ly tại nhà.

Người Đà Nẵng một lần nữa chìa cánh tay đang gồng sức chống dịch để sẻ chia với những bệnh nhân trở về nhà, khắp các tỉnh miền Trung.

Hàng trăm chuyến xe 0 đồng với hàng chục tình nguyện viên không ngại ngần hỗ trợ chuyển bệnh. Các chuyến xe nối nhau tỏa về các thôn xóm nghèo của Quảng Nam, Quảng Ngãi, ra tận Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh...

Những ngày Đà Nẵng cách ly trong "bão dịch", người ta vẫn thấy trên đường những chuyến xe của người dân, của các doanh nghiệp, những nhóm thiện nguyện chở hàng hóa, lương thực đến từng nhà trọ sinh viên, người lao động khó khăn đang kẹt lại nơi này.

Hôm nhận tin thành phố bước vào đợt cách ly mới, nhóm của bạn Đoàn Thị Năm (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) lên danh sách tính toán chương trình hỗ trợ người lao động khó khăn.

Số quỹ mà nhóm của Năm có được là nhờ vào sự tích cóp từ những ngày các bạn dãi nắng dầm mưa bán hoa tươi các kỳ lễ. Từ số tiền quỹ của nhóm, Năm lên kế hoạch mua mỗi suất quà gồm gạo, mì gói, mắm muối, cá khô... rồi chở đến từng phòng trọ công nhân.

Nhìn những hình ảnh ấm lòng ấy, nhiều người quen biết đã gửi kinh phí nhờ nhóm mua thêm các suất quà hỗ trợ người khó. Có những tài xế đang mất việc vì dịch cũng nhận bốc vác, chở hàng giúp. Cứ như thế, hàng trăm suất quà đã len lỏi đến tận các kiệt, hẻm gửi cho những người tứ xứ tha phương, những công nhân mất việc vì dịch không về quê được...

Năm bảo rằng chính các thành viên trong nhóm hôm qua còn đón nhận những suất quà ấm tình từ trường ĐH hỗ trợ. Khi thấy mình tạm ổn, các bạn muốn dành chút đóng góp chia sẻ với người lao động xa quê.

"Sinh viên tụi mình đến đây học tập, sinh sống, là công dân của thành phố này. Những ngày dịch bệnh ập đến sinh viên được nhận hỗ trợ từ nhiều nơi. Nay thấy nhiều lao động xa quê gặp khó, giúp được chút gì thì giúp nhau cho qua mùa dịch" - Năm chia sẻ.

Trong những người nhận sự giúp đỡ ấy có Hồ Thị Vưng (17 tuổi, xã Lìa, Hướng Hóa, Quảng Trị). Vưng là người đồng bào Pa Cô ở miền núi, nhẹ dạ nên mang bầu. Cha Vưng mất sớm, mẹ già yếu, gia cảnh túng thiếu. Học xong lớp 10 em phải đi làm thuê phụ mẹ nuôi hai em gái ăn học.

Nghèo khó, em gái cũng tranh thủ ngày hè rồi cùng Vưng vào Đà Nẵng kiếm việc làm thêm phụ giúp mẹ cũng là để em gái có tiền trang trải cho năm học tới. Nhưng vào Đà Nẵng làm công cho công ty thủy sản chưa đến một tuần thì dịch bùng phát, Đà Nẵng bị phong tỏa. Vưng chuyển dạ sinh con khi hai chị em không người thân thích, không tiền bạc giữa thành phố xa lạ.

Các nhóm thiện nguyện ở Đà Nẵng tích cực kêu gọi giúp Vưng. Biết tin, nhiều mạnh thường quân hỗ trợ đường, sữa, nước, nhu yếu phẩm... cho mẹ con Vưng. Vưng cho biết đến nay đã nhận được hơn 50 triệu đồng tiền hỗ trợ.

Vưng nói mong hết dịch em sẽ về với bản làng, người mẹ Pa Cô đang mong chờ. Tình người Đà Nẵng hôm nay với những cánh tay chìa ra sẽ là một ký ức theo Vưng đến hết đời không thể nào quên được.

Tính chia lửa tâm dịch, nhận sự chi viện ngược

Ông Đỗ Văn Hùng - giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị - cho biết những ngày Đà Nẵng đang là tâm dịch của cả nước, Sở Y tế tỉnh vừa tính phương án đưa một đội ngũ y bác sĩ giỏi nhất chi viện cho các đồng nghiệp ở đây. Chưa kịp tiến hành thì Quảng Trị bùng dịch.

Ông Hùng nói Quảng Trị vốn đã khó khăn, nay dịch bùng phát lại càng khó khăn bội phần. Điều kiện y tế thiếu thốn, việc tiếp quản điều trị một số lượng bệnh nhân lớn trong thời gian gấp rút dù đã cố gắng nhưng vẫn rất khó khăn về trang thiết bị, phương tiện phòng hộ y tế.

"Chúng tôi vô cùng xúc động và trân quý khi nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ nhiều nơi, đặc biệt là từ tâm dịch Đà Nẵng. Họ đi xuyên đêm để chuyển những món quà đầy ý nghĩa đến tận các cơ sở y tế cho kịp thời" - ông Hùng bày tỏ.

Tình người trong chống dịch

img_0847 1(read-only)

Đoàn Thị Năm (trái) cùng các bạn của mình chuẩn bị lương thực hỗ trợ lao động mất việc đang kẹt tại thành phố - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Với những người tứ xứ đang ở tâm dịch Đà Nẵng lúc này, tình nghĩa đồng bào là "liều thuốc tinh thần" quan trọng giúp họ có thêm động lực, "sức đề kháng" tốt để vượt qua khó khăn. Người Đà Nẵng đã lập nên một trang Facebook có tên "Đà Nẵng tình người - chống dịch COVID-19".

Ở đó các hội nhóm thiện nguyện chia sẻ với nhau thông tin người ngoại tỉnh gặp khó vì dịch cần hỗ trợ. Những sự giúp đỡ kịp thời được lan tỏa đầy yêu thương với lời hiệu triệu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hôm trước vừa nhận tin một nhóm 20 công nhân phụ hồ đang bị kẹt lại trong phòng trọ, không có đồng nào dính túi cũng chẳng thể về quê; liền hôm sau, một chiếc xe bán tải chở theo 20 bình nước uống, chục thùng mì tôm, gạo, thực phẩm đổ trước cửa phòng. Nhóm công nhân nhìn nhau ngơ ngác chưa hiểu sự giúp đỡ đến từ đâu.

Theo xe các nhóm thiện nguyện những ngày này, chúng tôi đã chứng kiến cảnh anh Nguyễn Văn Tùng (28 tuổi, quê Quảng Nam) rưng rưng nước mắt khi nhận món quà thiện nguyện có trứng, cá hộp cho con trai 6 tuổi ăn đỡ ngán thay rau.

Anh Tùng ra Đà Nẵng phụ hồ, vợ anh rửa chén thuê ở quán nhậu. Từ tết đến nay tổng ngày công hai vợ chồng chưa đầy một tháng. Dịch ập đến, mất việc.

Ngày vợ chuyển dạ đứa con thứ 2 được một người hàng xóm đưa đi sinh. Xui rủi trúng lúc bệnh viện cách ly khoa bệnh nặng. Đã mấy ngày từ khi con anh chào đời, anh vẫn chưa được vào bệnh viện nhìn mặt con.

Anh Tùng rưng rưng: "Những lúc khó khăn túng quẫn như thế này, lao động nghèo như chúng tôi mới thấm thía tấm lòng của người dân Đà Nẵng. Sự giúp đỡ dù ít dù nhiều cũng khiến gia đình tôi rất biết ơn".

Hỗ trợ cho công nhân

Trước đó ngày 13-8, UBND TP Đà Nẵng có thông báo yêu cầu Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan hỗ trợ công nhân ở các công trình xây dựng về điều kiện ăn ở hoặc hỗ trợ đưa về quê nếu có nhu cầu.

Theo đó, Sở Xây dựng phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, UBND các quận, huyện và các cơ quan liên quan làm việc với tất cả các nhà thầu, chủ đầu tư, chủ sử dụng lao động các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố đang dừng thi công để phòng chống dịch có trách nhiệm hỗ trợ điều kiện ăn, ở;

Đưa người lao động về quê nếu có nhu cầu; không để tình trạng người lao động ở lại các công trình, lán trại, không đảm bảo an toàn phòng chống dịch, dễ lây lan dịch bệnh.

Công nhân xây dựng tại Đà Nẵng nếu khó khăn liên hệ ngay chính quyền Công nhân xây dựng tại Đà Nẵng nếu khó khăn liên hệ ngay chính quyền

TTO - Người lao động tại các công trình xây dựng tại Đà Nẵng có khó khăn về ăn ở hoặc có nhu cầu về quê có thể liên hệ Sở Xây dựng TP Đà Nẵng hoặc UBND các quận huyện để được hướng dẫn.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên