11/01/2023 09:33 GMT+7

Khi nào con hết khổ vì học?

Cha mẹ là người đau đáu với câu hỏi "Khi nào con hết khổ vì học?". Nhưng cũng chính cha mẹ là lời giải quan trọng nhất cho câu hỏi đó.

Vì con đi học khổ hay sướng trước hết là do cha mẹ, do thái độ, nhận thức của cha mẹ, do đích đến của giáo dục mà cha mẹ hướng cho con mình là gì.

Lâu nay, khi nói đến nguyên nhân dẫn đến gánh nặng học hành của con trẻ, đối tượng đầu tiên thường được nhắc đến là ngành giáo dục, là nhà trường. Người ta đổ thừa là chương trình nặng, áp lực thi cử lớn, con không ráng học thì không có học bạ đẹp, khó có cửa để du học hoặc lọt vào trường tốp trên ở bậc học cao hơn...

Rồi "xã hội giờ vầy, con nhà người ta đều học vầy, con mình không học không được"; "không học thêm không theo được bạn bè, con sẽ nản, tội con"...

Và rồi, sau mỗi giờ tan lớp, thay vì hỏi con: "Hôm nay con học sao?", "Ở lớp thầy cô, bạn bè có chuyện gì hay không, con kể ba mẹ nghe nhé?", "Con đi học vui chứ?"..., các bậc làm cha làm mẹ lại đổ lên đầu con những áp lực: "Hôm nay con làm bài tốt không, được mấy điểm?", "Con vẫn để thua bạn A. à?", "Học kỳ này phải vô được top 5, không thì liệu hồn"...

Những câu hỏi khác nhau sẽ cho ra thái độ với sự học khác nhau và cuối cùng là những đứa trẻ khác nhau. Cùng học chung một trường, một lớp, một chương trình nhưng sẽ có đứa trẻ hào hứng, thích thú với sự học, tìm thấy niềm vui trong học tập, "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Nhưng cũng có những đứa trẻ mệt mỏi, uể oải, thậm chí trầm cảm với gánh nặng học hành.

Thay vì đồng hành, lắng nghe con, giúp con tìm ra được sở trường, sở đoản, sở thích, mối quan tâm để hướng cho con phát triển thì nhiều cha mẹ lại bắt con phải giỏi toàn diện. Con lỡ yếu môn toán thì bắt con học thêm toán, yếu môn hóa thì học thêm hóa, văn điểm chưa cao thì học thêm văn... Trong khi ai cũng biết mỗi đứa trẻ là khác nhau, có những thiên hướng, sở thích, tính trội khác nhau.

Chính kiểu suy nghĩ "con nhà người ta" đang hại những đứa trẻ. Giáo dục tiến bộ không đặt mục tiêu tạo ra người tốt, người giỏi mà hướng tới "tốt hơn", "giỏi hơn". Vì "tốt", "giỏi" khó lắm, chưa chắc đã làm được. Còn "tốt hơn", "giỏi hơn" thì hoàn toàn có thể nếu như mỗi ngày ta cố gắng, nỗ lực cải thiện, phát triển chính mình. Cần lưu ý, "tốt hơn", "giỏi hơn" là so với chính mình, chứ không phải so với người khác.

Với lại, nếu đích đến là "tốt" hoặc "giỏi" thì khi đạt được rồi đồng nghĩa với hết mục tiêu, hết nỗ lực. Điều này trái với triết lý học tập suốt đời.

Đó là lý do nhiều nền giáo dục trên thế giới đánh giá học sinh không chỉ qua điểm số khô khan vô hồn. Họ cũng không công khai kết quả học tập, thứ hạng các học sinh trong lớp, mà tất cả thông tin đó được gửi riêng cho từng học sinh, từng gia đình.

Tất nhiên, để học sinh không còn khổ vì học, chỉ có cha mẹ thay đổi thôi sẽ không đủ mà các "chân kiềng" khác trong tổ hợp "Nhà trường - Gia đình - Xã hội" cũng phải thay đổi. Đặc biệt, nhà trường nói riêng và ngành giáo dục nói chung phải tiếp tục tinh giản chương trình; chuyển từ dạy học theo kiểu truyền đạt kiến thức sang phát triển kỹ năng, như triết lý của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra; hướng tới phương châm dạy tức là giúp người học học, dạy cho học sinh biết học, thay vì biết nhiều...

Có như vậy niềm vui mới trở lại với con trẻ trong những ngày tới trường, sự học mới đồng hành với mỗi người trong cả cuộc đời. Và thông qua sự học đầy hứng khởi và hiệu quả đó, mỗi người mới có thể "làm ra chính mình", vốn là đích đến của giáo dục khai phóng.

Diễn đàn "Để không còn khổ vì học": Giao bài tập kiểu... TếtDiễn đàn 'Để không còn khổ vì học': Giao bài tập kiểu... Tết

Tết Quý Mão 2023 sắp đến gần. Theo thông báo của các sở GD-ĐT, số ngày nghỉ Tết của học sinh có khác nhau, nghỉ ít nhất là 8 ngày (Hà Nội) và nhiều nhất là 14 ngày (Đồng Nai).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên