2/3 thanh niên ở thủ đô Dublin sống với cha mẹ
Trước khi mặt trời mọc mỗi ngày, Aoife Diver, giáo viên 25 tuổi ở Dublin, đã lên xe và lái suốt 90 phút từ nhà chú cô ở ngoại ô phía bắc đến phía nam thủ đô Ireland. Sau giờ dạy, cô lại lên xe để đi ngược lại.
Aoife từng sống chung nhà với 5 người bạn ở gần trường tại phía nam Dublin, nơi cô đang dạy học. Nhưng khi hóa đơn tiền thuê nhà lên tới gần một nửa số tiền lương hằng tháng vào năm 2023, cô biết mình phải chuyển về sống với gia đình.
“Ở Dublin có rất ít nhà ở và những gì có sẵn đều nằm ngoài tầm với của tôi. Có lẽ tôi phải chuyển công tác đi nơi khác, vì sẽ không bao giờ có thể mua nổi một căn nhà hay một căn hộ ở Dublin”, cô nói.
Cuộc khủng hoảng đã khiến giáo viên và công nhân viên chức bị đẩy ra khỏi cộng đồng mà họ phục vụ.
Các cuộc bạo loạn bài ngoại gần đây ở thủ đô Dublin thể hiện sự bất bình do người dân đang phải vật lộn để trang trải chi phí nhà ở, đã phơi bày cho thế giới thấy những rạn nứt sâu sắc mà cuộc khủng hoảng nhà ở đã tạo ra.
Dù là vấn đề lớn trên khắp Ireland, nhưng tình trạng thiếu nhà ở được cảm nhận sâu sắc nhất ở khu vực thủ đô Dublin - nơi sinh sống của khoảng 1/4 dân số trong một đất nước chỉ có hơn 5 triệu người.
Hiện 2/3 người Ireland từ 18 - 34 tuổi sống với cha mẹ, và đây là tỉ lệ cao nhất ở châu Âu.
Hậu quả khi giao phó việc phát triển nhà ở bình dân cho thị trường
Theo số liệu chính thức, giá thuê nhà trung bình hằng tháng ở Dublin hiện 2.102 euro (2.200 USD), gấp đôi so với thập kỷ trước. Với mức lương trung bình năm 2023 vào khoảng 3.285 euro/tháng, việc này nằm ngoài tầm với của nhiều người.
Ông Rory Hearne, phó giáo sư về chính sách xã hội tại Đại học Maynooth, phía tây Dublin, cho biết: “Chính sách đã tạo ra cuộc khủng hoảng này".
“Việc từ chối hoàn toàn vấn đề phát triển nhà ở công cộng và xây dựng nhà ở giá rẻ đã nảy sinh vấn đề khủng hoảng xã hội”, ông nói thêm.
Trước đây, chính quyền Ireland trực tiếp xây dựng và quản lý nhà ở xã hội. Tuy nhiên nhiều năm qua, chính quyền đã để mặc việc xây dựng nhà ở cho các nhà phát triển bất động sản tư nhân điều hành theo quan điểm "thuận mua vừa bán".
Điều này ảnh hưởng đến một bộ phận dân cư trẻ, hộ gia nghèo.
Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân lớn nhất là do các chính phủ kế nhiệm liên tiếp không đầu tư vào nhà ở xã hội, trong khi các nhà phát triển bất động sản lại chỉ quan tâm vào việc cho thuê nhà ngắn hạn hoặc các tòa nhà sang trọng.
Tiến sĩ Hearne nói khi nhà ở xã hội ngày càng giảm dần, lớp trẻ càng bị đẩy sang thị trường cho thuê tư nhân. Và những người trẻ tuổi ngày nay đã "mắc kẹt" trong những căn nhà cho thuê giá cao hoặc buộc phải bám víu, sống với cha mẹ.
Họ không nhìn thấy tương lai và viễn cảnh có thể trở thành chủ sở hữu một ngôi nhà.
"Tôi nghĩ khế ước xã hội đã hoàn toàn bị phá vỡ với thế hệ trẻ”, tiến sĩ Hearne nói. “Trước đây, khi đến tuổi trưởng thành, mọi người sẽ bắt đầu cuộc sống tự lập, kết hôn và sinh con. Nhưng giờ đây, họ đã 'mắc kẹt' trong ngôi nhà thời thơ ấu.
Khi người trẻ trưởng thành có chính kiến riêng phải ở chung nhà với cha mẹ già và anh em, lại dễ xảy ra xung đột quan điểm”.
John-Mark McCafferty, giám đốc của Threshold - một tổ chức từ thiện hỗ trợ những người thuê nhà tư nhân, cho biết Ireland đã “mộng du khi chỉ phát triển khu vực cho thuê nhà tư nhân mà thiếu đầu tư vào nhà ở xã hội trong nhiều thập kỷ".
Ông nói thêm 20 năm trước, những người vô gia cư đến với Threshold thường là những người đàn ông độc thân có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc nghiện ngập. Nhưng thay vào đó, những năm gần đây là các gia đình trẻ, hộ lao động thường xuyên gặp rủi ro.
Người phát ngôn của bộ trưởng Nhà ở Ireland cho biết chính phủ sắp hoàn thành việc đánh giá khu vực cho thuê nhà tư nhân và “sẽ báo cáo cách cải thiện hệ thống nhà ở của chính phủ, nhằm cung cấp một chính sách nhà ở với giá cả phải chăng, đảm bảo cho cả chủ nhà và người thuê nhà”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận