13/02/2018 17:46 GMT+7

Kéo điện lên đỉnh Ngọc Linh

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Ngày cuối năm, những ngôi làng cao chót vót nằm trên đỉnh Ngọc Linh mưa nhầy nhụa trong bùn đặc. Thế nhưng, những người thợ điện vẫn dầm mình trong mưa rét cần mẫn kéo từng mét dây để kịp đưa điện về chiếu sáng phục vụ tết cho người

Kéo điện lên đỉnh Ngọc Linh - Ảnh 1.

Dùng xe tải đặc chủng để đưa trang thiết bị điện vào các buôn làng vùng xa tại xã Trà Vân - Ảnh: B.D

Cận kề tết, Vũ Minh Tuấn vẫn đứng trơ trọi trên gò đất cao tại điểm trụ bê tông tại xã Trà Vân (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) để cùng anh em trong đội hoàn thành những cột đỡ dây dẫn cuối cùng. 

Bàn tay bầm tím, da chai cứng và rươm rướm máu vì nhiều ngày dầm trong lạnh, Tuấn bấm từng đốt rồi ngước mặt nhìn lên lẩm nhẩm: "Hôm nay đã là 20 âm lịch rồi, còn 2,5km đường chim bay nữa cột mới nối tới nhà dân. Anh em đang phấn đấu đẩy nhanh tốc độ để chiều 28 có thể đón xe về quê ăn tết".

"Bà con có điện, mình mới có tết"

Tuấn là công nhân thi công hạng mục trụ bê tông trong tốp công nhân của Công ty bê tông Nha Trang điểm công trình tại xã Trà Vân, huyện Nam Trà My. 

Từ sau bão số 12-2017 đến nay, xã Trà Vân được sự quan tâm của người miền xuôi và cũng là nơi được dành mọi nguồn lực để giúp người dân các ngôi làng chịu thiệt hại nặng nề trong lũ sớm ổn định cuộc sống. 

Cuối năm, mưa trên lưng chừng núi dày và thấm ướt cả ngày lẫn đêm. Nhiệt độ có thời điểm xuống dưới 10 độ C nhưng không một giờ phút nào trên tuyến đường điện cao thế đang được vẽ lên thiếu bóng những công nhân thi công hệ thống điện vào các buôn làng.

Kéo điện lên đỉnh Ngọc Linh - Ảnh 2.

Công nhân thi công hạng mục cấp điện cho Khe Chữ dầm mình trong mưa rét để hoàn thành tiến độ - Ảnh: B.D

Tuấn cho biết tổ có 5 anh em, tất cả đều ở các vùng quê nghèo đi xin việc rồi được điều động lên vùng cao thi công công trình. 

Nơi Tuấn và anh em làm mưa dầm dề suốt mấy tháng nay nhưng áp lực công trình phải hoàn thành phục vụ dân đón Tết Nguyên đán nên cả nhóm gần như không được một phút nghỉ ngơi vào ban ngày. 

"Tụi em phải dựng lều giữa lưng chừng núi, tự nấu cơm ăn rồi ăn nghỉ tại chỗ, sáng mang cuốc xẻng leo núi ra hiện trường tới tối mịt mới về" - Tuấn nói và kế có nhiều người mới lên, do độ cao và chênh lệch áp suất nên ngã nước phải nhập viện chuyền nước.

Nhiều hộ gia đình có nương rẫy nằm trên đường điện dù đã được xã vận động nhưng vẫn kiên quyết canh đất, không chấp nhận phương án đền bù. Anh em bộ phận đền bù phải tỉ tê cả tuần, đêm nào cũng tới nhà uống rượu để nói chuyện nhưng họ vẫn không vừa cái bụng. Khi anh em biết ý, tặng quà thì mới xong việc

Anh HUỲNH NGUYÊN VƯƠNG

Men theo đường truyền tải điện dẫn từ xã Trà Vân vắt vẻo qua các ngôi làng, giữa những cánh rừng ẩm ướt để tới điểm đấu nối cuối cùng là các hộ dân, đâu đâu cũng thấy cảnh công nhân trẻ dầm mình trong mưa rét để đào hố, đổ bê tông. 

Thật khó tưởng tượng, tại những điểm mốc nằm cao chót vót trên đỉnh núi nhưng từng cột bêtông nặng hàng tấn vẫn được công nhân kéo bền bỉ để lên chôn xuống mặt đất. Có những điểm cột mà người đi bộ lên khảo sát cũng đã khó chứ chưa nói việc đưa một khối vật dụng khổng lồ trườn lên. 

"Các điểm cột như vậy thường phải mất hai ba ngày mới hoàn thành, tụi em phải dùng xe tời đứng cố định tại đường, vòng dây cáp định vị chắc chắn tại một gốc cây trên đỉnh núi rồi sức người cùng sức máy kéo miệt mài. Mệt không kể hết nhưng lạnh thì thấu xương" - một công nhân trong tốp thợ của Tuấn kể.

Kéo điện lên đỉnh Ngọc Linh - Ảnh 4.

Một túp lều của công nhân thi công điện lực được dựng lên làm chỗ ở trên cheo leo núi mờ sương - Ảnh: B.D

Sẩm tối, mưa trút xuống các cánh rừng trên lưng chừng đỉnh Ngọc Linh như thêm dày khiến nhóm công nhân lưng ướt sũng. Trời chuyển tối nhanh và trong chốc lát đã dày như một màn nhung. 

Những chuyến xe cẩu bò từ tờ mờ sáng mới lên được các điểm tập kết trụ bê tông. Những công nhân thi công điện lại phải run run đứng trong lạnh để chuyển cột xuống, đỡ từng cuộn dây về vị trí tập kết để chuẩn bị cho công đoạn kỹ thuật. 

"Anh em đặt mục tiêu cấp điện cho bà con toàn bộ các làng trước 28 tết. Chừng nào điện về tới nhà bà con thì mình mới được rời vị trí về đón tết cùng vợ con" - Huỳnh Nguyên Vương, chỉ huy trưởng công trình cấp điện Khe Chữ (huyện Nam Trà My), nói.

Quà bạn đọc Tuổi Trẻ đến với bà con vùng sạt lở Nam Trà My Quà bạn đọc Tuổi Trẻ đến với bà con vùng sạt lở Nam Trà My Tìm thấy thi thể cuối cùng trong vụ sạt lở ở Nam Trà My Tìm thấy thi thể cuối cùng trong vụ sạt lở ở Nam Trà My 5 người chết, mất tích ở Nam Trà My do sạt lở đất 5 người chết, mất tích ở Nam Trà My do sạt lở đất

Dồn sức vì "Khe Chữ"

Trong gần chục điểm kéo điện cho các thôn buôn kịp đón Tết Mậu Tuất mà các công nhân điện lực đang miệt mài trên các đỉnh núi, Khe Chữ được xem là "điểm nóng". Nhiều tháng nay việc ưu tiên cấp điện đang được đặt quyết tâm cao nhất. 

"Bằng mọi giá chúng tôi phải đưa điện được về cho bà con đón tết trước 28 âm lịch bởi đây là ngôi làng mang một câu chuyện đặc biệt" - giám đốc Điện lực Trà My Châu Phước Sinh nói.

Kéo điện lên đỉnh Ngọc Linh - Ảnh 6.

Kéo điện vào Khe Chữ - Ảnh: B.D

Khe Chữ là một ngôi làng mới với 144 hộ dân mới chân ướt chân ráo di chuyển về để tránh lở núi từ sau bão số 12-2017. 

Những ngày cuối năm 2017, trong khoảnh khắc ngắn ngủi, hơn 144 hộ dân buộc phải rời nhà cửa, nơi sinh sống nhiều thế hệ trước nguy cơ lở núi. Mưa lũ cũng đã vùi lấp 4 con người trong đợt bão này. 

Chưa bao giờ người dân Ca Dong nơi đây phải đối diện với nỗi sợ hãi và những khó khăn khi phải rời làng ra đi trong tức tưởi. 

Điểm làng mới của hơn 700 con người là một thung lũng nhỏ nằm lọt giữa các dãy núi, những bãi đất vốn làm ruộng rẫy nay được máy ủi dọn ra, mưa xuống bùn lầy ngập ngang ống chân lại trở thành nơi ở cho các hộ gia đình. 

Từ sau lũ đến nay, Khe Chữ là điểm cầu đặc biệt, từ chính quyền, quân đội cho tới các thầy cô giáo đang dốc hết nguồn lực để hỗ trợ người dân dựng nhà, tái thiết cuộc sống.

Kéo điện lên đỉnh Ngọc Linh - Ảnh 7.

Căn lều tạm bợ của người dân Khe Chữ - Ảnh: B.D

Ông Châu Phước Sinh cho biết theo kế hoạch cấp điện Tết Mậu Tuất 2018, Khe Chữ không có trong danh sách của ngành điện. Tuy nhiên mọi việc thay đổi hoàn toàn và dành sự tập trung cao nhất khi bão số 12 đi qua. 

Ngay khi dân làng dọn về, UBND tỉnh Quảng Nam, Tổng công ty Điện lực Miền trung đã đặt hàng và yêu cầu Công ty Điện lực Quảng Nam phải dành ưu tiên tối đa cấp điện cho dân Khe Chữ. 

60 công nhân, cán bộ được tức tốc lên đường. Họ vào dựng lều, che lán ở trên các lưng chừng núi theo từng tốp dẫn từ trung tâm xã Trà Vân (huyện Nam Trà My) vào tới Khe Chữ.

Kéo điện lên đỉnh Ngọc Linh - Ảnh 8.

Công nhân điện lực Nam Trà My sống tại llán trại ở công trường Khe Chữ để đẩy nhanh tiến độ thi công - Ảnh: B.D

Những ngày cuối năm, khi chúng tôi có mặt ở Khe Chữ, ngôi làng mới vẫn còn là mớ ngổn ngang. 

Người làng và cán bộ, dân quân, bộ đội vẫn dầm trong mưa lạnh đi cõng từng thanh nứa, cây gỗ, tấm tôn về dựng nhà. Một túp lều mỏng nằm giữa nhão nhoẹt bùn đất cũng được tốp công nhân điện lực Quảng Nam dựng lên làm lán chỉ huy, ăn ở công trường.

"Nhiều tháng nay đường ra trung tâm xã bị tê liệt, thức ăn anh em phải gửi theo xe "zin ba cầu" của Quân khu 5 bò vào hàng tiếng đồng hồ. Mưa gió gần như chúng tôi không được nghỉ mà phải tập trung thúc tiến độ để kịp cho bà con đón tết. Anh em ở đây đã thảm mà nhìn bà con tới chỗ ngủ cũng nằm trong bùn lại càng thương hơn" - anh Huỳnh Nguyên Vương nói.

Hàng chục ngôi làng sẽ có điện đón tết

Dự án cấp điện các thôn buôn huyện Nam Trà My, Quảng Nam phục vụ Tết Mậu Tuất 2018 do Tổng công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư. Đây là dự án an sinh xã hội cấp điện cho người dân ở vùng sâu vùng xa, góp phần thay đổi đời sống các thôn buôn vùng đặc biệt khó khăn.

Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án 60 tỉ đồng, gồm 43km đường dây trung áp, 31km đường dây hạ áp, 29 TBA dung lượng 854kVA, cấp điện cho hơn 1.293 hộ dân thuộc 10 xã như Trà Vân, Trà Vinh, Trà Don, Trà Leng…

Theo kế hoạch, tới những ngày cận kề tết, hàng chục ngôi làng trên dãy núi Ngọc Linh sẽ có điện đón tết.

                                                                                               

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên