Quà bạn đọc Tuổi Trẻ trao cho người dân xã Trà Vân. Ảnh: LÊ TRUNG
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Nam và Hội chữ thập đỏ huyện Nam Trà My tổ chức.
Xã Trà Vân, nơi đây có 6 ngôi nhà bị sạt lở núi chiều 6-11 chôn vùi khiến 4 người chết, hơn chục người bị thương, hàng chục ngôi nhà, nương rẫy của người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở và mưa lũ.
Núi nổ đùng đùng
Ngồi ở sảnh trụ sợ ủy ban xã Trà Vân, đôi mắt của anh Nguyễn Thái Ngọc (35 tuổi, nóc ông Tuân, thôn 2, xã Trà Vân) đỏ hoe, khuôn mặt tái mét vẫn chưa hết hoảng sợ bởi trận sạt lở đất núi kinh hoàng chiều 6-11. Từ đó anh đã mất đi đứa con trai yêu quý của mình.
Anh Ngọc kể, khoảng 14h30 chiều 6-11, khi hai vợ chồng anh cùng hai đứa con nhỏ ở trong nhà thì nghe tiếng đất núi nổ ầm ầm. Nhà cửa rung chuyển, anh thấy đất đổ vùi xuống trước nhà. Lúc này con trai cả của ảnh là cháu Nguyễn Quang Ngữ (9 tuổi) đang chơi bắn bi ngoài sân.
"Núi nổ đùng đùng rung chuyển cả nhà cửa. Một phần quả núi đổ xuống nhiều ngôi nhà ở nóc. Mọi người cuốn cuồng chạy ra ngoài thoát thân", anh Ngọc nhớ lại.
"Tôi chạy ra ngoài thì thấy đất đá vùi lấp con trai mình rồi. Không tin vào mắt mình, tôi cố gắng cào bới đất nhưng vô vọng bởi lượng đất quá lớn. Phải mất hai ngày sau con tôi mới được lực lượng chức năng tìm thấy", anh Ngọc nghẹn ngào.
Chị Hồ Thị Ngang (24 tuổi) đến giờ vẫn thất thần, ôm chặt đứa con 10 tháng tuổi của mình trong tay. "May mà mình thoát chết, chứ không con mình biết làm sao", chị Ngang xúc động.
Chị Ngang kể chiều ngày 6-11 chị qua nhà chị Lan (là chị dâu của chị Ngang) chơi. Lúc này trong nhà có bốn người, chị thấy nhà rùng rùng mạnh rồi đất đá ập xuống.
"Tôi tỉnh dậy thấy mình nằm dưới lớp đất đá, bò người dậy thì thấy chị mình cùng hai đứa cháu nằm dưới đất. Tôi cố gắng gào lên cho hàng xóm đến cứu. Khi mọi người đứa ba mẹ con chị tôi đi viện thì chị và cháu lớn đã chết trên đường, cháu nhỏ bị thương", chị Ngang nhớ lại.
Nhà chẳng còn chi
Nhiều người dân xã Trà Vân kể rằng làng xóm của họ bị sạt lở nặng, nương rẫy bị sạt đất cộng với nước lũ đã gây hư hại hoàn toàn. Đến giờ trong nhà chẳng còn chi.
Nhiều người lo sạt quá phải bỏ nhà, di tản đến một nơi khác an toàn hơn để dựng lều sống tạm chứ nhất quyết không ở chỗ cũ nữa.
Chị Hồ Thị Liên (thôn 1, xã Trà Vân) kể mấy ngày nay đường từ trung tâm xã vào thôn bị sạt lở, người dân không thể đi mua thức ăn được. Trong nhà còn chi ăn nấy, nhiều nhiều ăn cơm với muối hoặc kiếm rau rừng ăn tạm.
"Nương rẫy trông lúa, ngô cũng bị sạt lở đất hết rồi không biết sắp tới lấy gì mà ăn đây", chị Liên nói.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho biết mưa lũ đã gây thiệt hại cho huyện này tổng cộng 97 tỉ động và khiến bảy người chết. Sáu trong tổng số bảy người dân thiệt mạng là do đất đá từ các khối núi vùi lấp.
"Trước mắt ổn định cuộc sống người dân vùng sạt lở. Huyện đã có phương án di dời hơn trăm hộ dân trung vùng sạt lở rồi", ông Bửu nói.
Trước cảnh màn trời chiếu đất của người dân vùng sạt lở, trong ngày 14-11 chuyến hàng cứu trợ thứ 4 của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã tới xã Trà Vân, huyện Nam Trà My để hỗ trợ bước đầu cho người dân.
200 suất quà gồm gạo, nước mắm, cá khô, chăn đắp đã được trao tận tay các hộ gia đình để người dân vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống.
200 suất quà của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã đến với người dân vùng sạt lở, khốn khó huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: LÊ TRUNG
Nhà cửa ở nóc ông Tuân bị sạt lở núi vùi lấp. Ảnh: LÊ TRUNG
Anh Ngọc nhớ lại vụ sạt lở đất khiến con trai mình bị tử vong. Ảnh: LÊ TRUNG
Chị Ngang, nhân chứng sống sót trong vụ sạt lở đất kinh hoàng. Ảnh: LÊ TRUNG
Ông Đinh Văn Thu, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trao quà báo Tuổi Trẻ cho người dân. Ảnh: LÊ TRUNG
Người dân nhận quà đem về. Ảnh: LÊ TRUNG
Bà con đến nhận quà. Ảnh: LÊ TRUNG
Gùi quà đi bộ về nhà. Ảnh: LÊ TRUNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận