Công ty bảo hiểm ký thác liên bang Mỹ (FDIC) cho biết JPMorgan Chase sẽ tiếp nhận toàn bộ số tiền gửi 103,9 tỉ USD và mua lại phần lớn tài sản trị giá 229,1 tỉ USD của FRB.
Theo thỏa thuận, FDIC sẽ chia sẻ khoản lỗ với ngân hàng, ước tính quỹ bảo hiểm của cơ quan này sẽ thiệt hại 13 tỉ USD trong thương vụ này.
Ông Jamie Dimon, giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, cho biết Chính phủ Mỹ đã kêu gọi các ông lớn trong ngành vào cuộc.
Trước đó, FDIC đã liên hệ với tổ chức tài chính lớn bao gồm: JPMorgan Chase, PNC Financial Service và Bank of America, tìm kiếm giá thầu cho FRB.
Ông Dimon cho biết cuộc giao dịch này của JPMorgan nhằm "giảm thiểu chi phí cho FDIC".
Theo báo New York Times, cuối ngày 1-5, 84 chi nhánh của FRB ở tám tiểu bang sẽ mở cửa trở lại với tư cách là chi nhánh của JPMorgan Chase.
FRB đã sụp đổ dù đã nhận được khoản cứu trợ trị giá 30 tỉ USD từ 11 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ trong tháng 3.
Cổ phiếu của ngân hàng này đã mất gần như toàn bộ giá trị sau một loạt các đợt sụt giảm mạnh.
FRB tiết lộ hôm thứ hai tuần trước rằng các khách hàng đã rút hơn 102 tỉ USD tiền gửi trong ba tháng đầu năm - hơn một nửa so với con số 176 tỉ USD mà họ nắm giữ vào cuối năm 2022.
Ngoài ra, FRB cũng cho biết đã vay 92 tỉ USD từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các nhóm cho vay được chính phủ hậu thuẫn.
Đây là ngân hàng lớn thứ 14 của nước Mỹ nhưng nó sẽ đi vào lịch sử với tư cách là ngân hàng có tài sản lớn thứ hai của Mỹ sụp đổ, sau Washington Mutual - ngân hàng đã thất bại trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Chính phủ Mỹ đã tiếp quản và bán FRB, bảy tuần chỉ sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (Silicon Valley Bank) và Ngân hàng Signature (Signature Bank).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng khó khăn của FRB chỉ là "phản ứng chậm trễ" với tình trạng kinh tế hỗn loạn hồi tháng 3 vừa qua, chứ không phải một giai đoạn mới của cuộc khủng hoảng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận