28/04/2023 07:55 GMT+7

Thêm một ngân hàng ở Mỹ bên bờ vực phá sản

Hiệu ứng domino của cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ vẫn chưa dừng khi First Republic Bank trở thành ngân hàng thứ ba có nguy cơ sụp đổ bất chấp các nỗ lực giải cứu trị giá hàng chục tỉ USD trước đó.

First Republic Bank là ngân hàng mới nhất của Mỹ đứng bên bờ vực sụp đổ - Ảnh: AFP

First Republic Bank là ngân hàng mới nhất của Mỹ đứng bên bờ vực sụp đổ - Ảnh: AFP

Lần đầu tiên giá trị thị trường của First Republic Bank (FRB) giảm xuống dưới 1 tỉ USD vào ngày 26-4 sau khi cổ phiếu của FRB lao dốc đến 30% sau khi đã giảm 49% một ngày trước đó.

Ngân hàng này đang vùng vẫy tìm phao cứu sinh trong khi Chính phủ Mỹ dường như sẽ không can thiệp khiến tình hình càng thêm xấu.

FRB sắp "toang"

Ngân hàng lớn thứ 14 của Mỹ có trụ sở tại TP San Francisco này đã trượt dốc trong những ngày qua và đến đỉnh điểm đầu tuần này thì thừa nhận khách hàng đã rút 100 tỉ USD kể từ đầu tháng 3 năm nay.

Trong vài tuần, cổ phiếu FRB đã giảm 95% khiến giá trị của ngân hàng này từ mức cao nhất 40 tỉ USD vào tháng 11-2021 lao xuống còn 886 triệu USD vào ngày 26-4. Trước đó, FRB báo cáo mức giảm 41% tiền gửi trong quý 1-2023.

Được thành lập tại San Francisco vào năm 1985, FRB nổi tiếng có mảng kinh doanh cho vay thế chấp lớn và lượng khách hàng giàu có ổn định, nhưng cũng dễ lâm vào tình trạng rút tiền ồ ạt.

Ngân hàng này chịu sức ép lớn từ việc tăng lãi suất cho vay của Chính phủ Mỹ thời gian qua trong khi thu nhập giảm do lãi suất từ các khoản vay mua nhà thấp hơn. Từ một tên tuổi đáng tin cậy, FRB giờ đang như quả bom sắp nổ.

Tháng trước FRB đã nhận gói giải cứu trị giá 30 tỉ USD từ một số ngân hàng lớn nhất của Mỹ nhằm củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và dường như đã giảm bớt nỗi lo. Tuy nhiên, quy mô đợt rút tiền được tiết lộ trong tuần này thậm chí còn tồi tệ hơn những gì các nhà đầu tư dự kiến.

Giới phân tích chẩn đoán ngân hàng này khó qua khỏi cơn nguy kịch. "Ngày càng chắc chắn là FRB sắp "toang. Câu hỏi duy nhất là liệu FDIC (Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ) có hành động trong tuần này không", Đài CNN dẫn lời chuyên gia Don Bilson của Tổ chức tư vấn Gordon Haskett nhận định.

Trong thông báo mới nhất, FRB cho biết đang xem xét các lựa chọn chiến lược, một thông điệp được hiểu ở Phố Wall rằng họ đang tìm người giải cứu. Theo FRB, họ đang có "các hành động để củng cố hoạt động kinh doanh và cơ cấu lại bảng cân đối kế toán".

Tìm cứu tinh

Giới phân tích đưa ra một số kịch bản mà FRB có thể lựa chọn nhưng phương án nào cũng sẽ đau đớn. CEO Michael Roffler của ngân hàng này vẫn nói họ có đủ nguồn lực tài chính để chờ cơn bão qua đi.

Hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin cho hay FRB có thể bán tài sản hoặc thành lập một "ngân hàng xấu", một phương pháp xử lý khủng hoảng nhằm cô lập các khoản tài chính có vấn đề. Thông tin truyền tai ở Phố Wall cho biết FRB đang mời các ngân hàng lớn mua lại tài sản và có thể bán lại đến 100 tỉ USD tài sản.

Theo báo New York Times, ngân hàng có nhiều khả năng sẽ bị đưa vào vòng kiểm soát của FDIC. Việc này cũng sẽ gây ra những hệ quả lớn đối với khách hàng, cổ đông và nhân viên, cũng như đối với hệ thống tài chính Mỹ. Các cổ đông sẽ chịu thiệt hại lớn nhất bởi họ sẽ mất sạch tiền nếu xảy ra kịch bản này.

"Các lựa chọn rất khó khăn và có thể trả giá rất đắt, nhất là với các cổ đông. Ai sẽ gánh chịu tổn thất?", chuyên gia Christopher Wolfe của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nhận định trên Reuters.

Tuy nhiên Đài CNBC đưa tin cơ quan Chính phủ Mỹ hiện chưa sẵn sàng can thiệp vào quá trình giải cứu FRB. Tệ hơn, theo Bloomberg, FDIC đang cân nhắc hạ cấp tình trạng của FRB, động thái có thể ngăn ngân hàng này tiếp cận công cụ cho vay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Tháng trước, khi Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ và hai ngày sau đó là Ngân hàng Signature đóng cửa, chính quyền Mỹ đã vào cuộc để bảo đảm các khoản tiền gửi để tránh rút tiền ồ ạt. Việc này đã khiến FDIC tiêu tốn khoảng 20 tỉ USD nhưng đến nay dường như vẫn chưa ngăn được hiệu ứng domino của cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Các nhà phân tích Phố Wall dự đoán thách thức sẽ kéo dài trong năm sau bởi các vụ sụp đổ ngân hàng đã làm cuộc khủng hoảng thanh khoản thêm nghiêm trọng đối với một loạt ngân hàng tại Mỹ.

"Vấn đề ở chỗ đây là rủi ro của riêng FRB hay nó sẽ còn dẫn đến những lo ngại lớn hơn khác", Công ty Jones Trading nêu vấn đề.

Fed lại tăng lãi suất?

Dự kiến tuần tới Fed có thể công bố đợt tăng lãi suất mới để đối phó với lạm phát, bất chấp viễn cảnh kinh tế xấu như hiện nay và lo ngại về ngành ngân hàng.

Theo khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,25% trước khi tạm ngưng đến hết năm và bắt đầu giảm lãi suất vào đầu năm sau. Nhưng "nếu thị trường lao động vẫn ổn định và lạm phát vẫn tiếp tục cao thì Fed có thể sẽ tăng lãi suất không chỉ trong tháng 5 mà còn tăng nữa vào tháng 6 và tháng 7", ông Andrew Hollenhorst, nhà kinh tế của Công ty Citi, cảnh báo.

Ngân hàng Mỹ thứ 3 có nguy cơ sụp đổ sau khi cổ phiếu lao dốcNgân hàng Mỹ thứ 3 có nguy cơ sụp đổ sau khi cổ phiếu lao dốc

Sau vụ sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley và Signature, một ngân hàng thứ ba của Mỹ đang trong tình trạng nguy hiểm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên