Người phát ngôn Cơ Năng lượng nguyên tử của Iran (AEOI), Behrouz Kamalvandi - Ảnh: AFP
Tròn một năm từ lúc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Tehran đã có động thái công khai đáp lại. Chuyện gì đến phải đến. Đúng theo kế hoạch hạn chót 60 ngày, Iran ngày 7-7 tuyên bố về việc phá vỡ giới hạn làm giàu uranium.
Đây là tín hiệu Tehran phát đi để đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay có tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015. Tham gia thỏa thuận này là nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức).
Viết lại luật chơi
Vào thời điểm JCPOA được vinh danh như một thỏa thuận "lịch sử", Iran cam kết khống chế mức làm giàu uranium ở 3,67% trong vòng 15 năm, đổi lại là được cởi bỏ cấm vận để phát triển kinh tế hơn. Đối với các bên ký kết, đây là mốc đủ để đảm bảo Tehran không chế tạo bom nguyên tử. Đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thì không.
Sau khi rút khỏi JCPOA, Nhà Trắng nhiều lần cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân. Vì vậy các lệnh cấm vận quay trở lại, không chỉ siết chặt Iran mà còn ảnh hưởng tới kế hoạch làm ăn của các tập đoàn năng lượng lớn tại châu Âu - vốn dĩ đã "trót" ký kết giao kèo với Iran.
Tại cuộc họp báo ngày 7-7, người phát ngôn Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi tiết lộ các khâu chuẩn bị về mặt kỹ thuật cho việc nâng mức làm giàu uranium sẽ được hoàn tất "trong vài tiếng đồng hồ", đồng thời nhấn mạnh "mức độ làm giàu uranium trên 3,67% sẽ khởi động".
Iran không nêu thêm chi tiết sẽ tăng lên bao nhiêu nhưng Abbas Araqchi, thứ trưởng ngoại giao Iran phụ trách quan hệ chính trị, lại vừa đấm vừa xoa. Ông Araqchi khẳng định Iran sẽ ra thời hạn 60 ngày khác để đàm phán, nếu không sẽ tiếp tục có động thái mới - nhiều khả năng là tiếp tục nâng mức giới hạn làm giàu uranium hoặc không ngưng hoạt động với lò phản ứng hạt nhân nước nặng.
Abbas Araqchi nói: "Điều này nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân, không phải để vô hiệu hóa nó. Đây là thời cơ để đàm phán. Và nếu các đối tác của chúng tôi không thể tận dụng, họ đừng nghi ngờ gì về ý định rời khỏi thỏa thuận của chúng tôi".
Tehran đến nay đã bác bỏ mọi khả năng đàm phán chỉnh sửa các điều khoản JCPOA đã ký, và cũng không chấp nhận mô hình P5+1 như trước. Theo đó, Mỹ có thể tham gia đàm phán thêm nhưng điều kiện tiên quyết là phải tháo gỡ mọi lệnh cấm vận lên Iran.
"Nghiêm túc chứ?"
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif dùng độc một chữ "Seriously?" để đáp lại phát biểu của Nhà Trắng cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân.
Chiến thuật gây sức ép
Vào lúc này, các nước châu Âu dường như là những người khó xử nhất khi căng thẳng Mỹ - Iran leo thang. Và trên thực tế, châu Âu đang triển khai những nỗ lực cuối cùng để ngăn Iran phá vỡ thỏa thuận hạt nhân.
Tehran biết điều đó, và những tuyên bố vừa qua là cách họ gây áp lực lên các nước đã tham gia ký kết nhằm giữ vị thế, Hãng tin AFP nhận xét. Hoặc nói như chính tuyên bố của Iran, nước này lâu nay đã thể hiện "sự kiên nhẫn chiến lược".
Điện Élysée thông báo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Hai bên thống nhất sẽ chọn ngày 15-7 để xem xét các điều kiện khôi phục đàm phán giữa các nước.
Liên minh châu Âu (EU) cũng thống nhất tìm cách cứu thỏa thuận này. Báo Guardian hồi tháng 6 cho biết các nước châu Âu sẽ tuyên bố một giải pháp tạo thuận lợi cho giao thương giữa EU và Iran. Đây là con bài xoa dịu nỗi đau kinh tế của Iran sau khi Mỹ tiến hành cấm vận quốc gia Hồi giáo này.
Kế hoạch của châu Âu có tên gọi INSTEX, là một hệ thống trao đổi do Pháp, Đức và Anh tạo ra. Theo đó, khi bất kỳ giao dịch nào được thực hiện, tiền sẽ được trả về tài khoản của nước sở tại và nó không đi ra khỏi biên giới Iran. Ngoài ra nó cũng có một văn phòng đặt tại Tehran.
Ý tưởng này là cách EU tạo cơ chế giúp Iran không bị phong tỏa tài sản nước ngoài do lệnh cấm vận. Tuy nhiên vừa qua, Iran xem đây chưa phải là giải pháp khiến họ hài lòng, vì nó không giúp Iran bán được dầu.
Iran đã ngửa bài với mọi yêu cầu cần thiết trong cuộc họp báo ngày 7-7. Và một tuần tiếp theo sẽ rất dài với những nhà đàm phán...
Ẩn số từ London
Trong một diễn biến khác tưởng chừng không liên quan, nước Anh có thể là một ẩn số trong câu chuyện thỏa thuận hạt nhân Iran.
Hôm 6-7, tờ Daily Mail công bố những thông tin mật trích từ những bức điện tín và ghi chép của ngài Kim Darroch, đại sứ Anh tại Mỹ, gửi về Chính phủ Anh từ năm 2017 tới nay. Trong số rất nhiều nhận xét chê bai mà ngài Darroch dành cho cá nhân Tổng thống Mỹ Trump và chính quyền sở tại, cũng có nội dung phê phán chính sách của Nhà Trắng trong vấn đề Iran.
Anh cùng Pháp và Đức đã rất muốn cứu vãn thỏa thuận này, vì vậy thoạt nhìn nhận xét của ngài Darroch không lạ. Tuy nhiên gần đây, Anh là trung tâm chú ý sau vụ bắt giữ tàu chở dầu Iran ở Gibraltar. Tehran gọi đó là hành động "cướp biển" và cáo buộc Anh đang hùa theo chính sách thù địch của Washington.
Nếu biết rằng Anh đang cố xác lập lại vị trí của mình trên bản đồ chính trị thế giới, như một phần của các kế hoạch sau khi rời EU, những động thái gần đây cho thấy London có thể là ẩn số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận