Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi trở nên đặc biệt cởi mở với truyền thông quốc tế thay vì để các nhân viên cấp dưới làm điều này như trước - Ảnh: AFP
Ngày mai (10-11) đánh dấu 180 ngày gã khổng lồ trong ngành viễn thông Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen thương mại của Mỹ. Đây không phải là một thời gian dài nhưng đã khiến nhiều người bất ngờ, bởi họ tin rằng Huawei sẽ nhanh chóng gục ngã trước sức ép từ Mỹ vì sự phụ thuộc về phần mềm, chất bán dẫn.
Trong báo cáo tổng doanh thu quý III được công bố hồi tháng trước, Huawei cho biết trong vòng 9 tháng của năm 2019 đã kiếm về 610,8 tỉ nhân dân tệ (khoảng 86,8 tỉ USD), với hơn 60 hợp đồng cung cấp mạng 5G trên toàn thế giới.
"Những kết quả ấn tượng trong quý III cho thấy chúng tôi vẫn có được sự tin tưởng và ủng hộ của khách hàng", Huawei nhấn mạnh trong báo cáo và khẳng định cho dù còn nhiều thách thức, tập đoàn này vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Trong cuộc lội ngược dòng, đi ngược gió của Huawei, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi được ví như người đi đầu. Cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc đã gõ cửa tất cả các cơ quan truyền thông quốc tế và liên tục gởi đi một thông điệp nhất quán: Huawei không phải là gián điệp của chính quyền Bắc Kinh và sẽ không bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc đã cứu Huawei, với doanh số tăng 66% trong quý III năm 2019 - Ảnh: REUTERS
Năm quan chức cấp cao giấu tên của Huawei đã hé lộ với báo South China Morning Post (SCMP) cách tập đoàn này xử lý khủng hoảng và thuyết phục khách hàng như thế nào.
"Chỉ vài ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ thông báo Huawei đang nằm trong danh sách đen, một nhóm các chuyên gia, nhân viên tiếp thị sản phẩm, nhân viên bán hàng toàn cầu, chuỗi cung ứng, hỗ trợ kỹ thuật,…được Huawei tập hợp.
Nhiệm vụ của họ là trả lời ngay lập tức tất cả các câu hỏi từ các đối tác và khách hàng của Huawei tại hơn 170 nước vào bất kỳ lúc nào trong ngày, xuyên suốt 7 ngày trong tuần", một nguồn tin của báo SCMP tiết lộ.
Trong lúc đó, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi chủ động từ bỏ bức màn bí ẩn tự dựng lên trong hàng chục năm. Ông biến mình trở thành mũi giáo đi đầu, cố gắng truyền tải hình ảnh một Huawei "minh bạch và cởi mở" ra thế giới thông qua các mối quan hệ truyền thông quen biết.
Trước khi bà Mạnh Vãn Chu, con gái ông Nhậm đồng thời là giám đốc tài chính toàn cầu Huawei, bị bắt ở Canada vào tháng 12 năm ngoái theo yêu cầu của Mỹ, Nhậm chưa bao giờ xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Giờ thì ông ta xuất hiện ở khắp nơi, trên truyền hình, báo giấy lẫn báo mạng.
Đội ngũ quan hệ công chúng của Huawei được mở rộng, với hàng loạt sáng kiến được đưa ra để thuyết phục khách hàng, đặc biệt ở châu Âu, rằng mọi thứ tại Huawei vẫn ổn, chẳng hạn như chương trình Cà phê cùng Nhậm Chính Phi" và những tour tham qua thực tế tổng hành dinh ở Trung Quốc cho các đoàn khách quốc tế.
Ở tuổi 75, Nhậm Chính Phi đang đối mặt với khó khăn lớn nhất cuộc đời: giữ được đế chế hơn 190.000 nhân viên toàn cầu - Ảnh: AFP
Nhưng một lá thư khiếu nại nội bộ Huawei bị phát tán lên mạng gần đây cho thấy bức tranh rất khác bên trong công ty này.
Các nhân viên thoạt đầu được khuyến khích trước khi bị ép làm thêm giờ. Các trưởng bộ phận được yêu cầu giám sát và sa thải bất kỳ nhân viên nào dám phàn nàn về những phúc lợi bị cắt giảm, chẳng hạn chất lượng dịch vụ xe buýt và xe đưa rước.
Những khiếu nại được cho là đã đến tai Nhậm và cách mà ông giải quyết chúng là kêu gọi giữ bí mật những chuyện này trong lúc các giải pháp đang được tranh luận.
Nhưng cuối cùng, như bình luận của tờ SCMP, trong khi Huawei cố gắng tồn tại và tránh vướng vào chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, số phận cuối cùng của nó đã được quyết định từ trước, rằng nó sẽ không thể tách rời khỏi các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận