26/04/2018 12:08 GMT+7

Hơn một nửa giáo viên 'hoang mang' khi công tác ngành sư phạm

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Nhiều giáo viên thừa nhận họ thấy hoang mang khi công tác trong ngành, trong khi sinh viên sư phạm tâm sự 'không dám tự giới thiệu là đang học trường sư phạm'.

Hơn một nửa giáo viên hoang mang khi công tác ngành sư phạm - Ảnh 1.

Các thầy cô, chuyên gia giáo dục và phụ huynh cùng tham luận về "Giải pháp nào cho giáo dục" sáng 26-4 - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

Đó là kết quả khảo sát 200 sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và 53 giáo viên, nhân viên phổ thông của TS Nguyễn Thị Bích Hồng, ThS Đào Thị Duy Duyên và ThS Đinh Thảo Quyên thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

'Không bất ngờ với tiêu cực trong ngành"

Kết quả đáng suy ngẫm này đã được báo cáo trong buổi tham luận về những giải pháp cần thực hiện trước những vấn đề bất cập trong ngành giáo dục gần đây tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) sáng 26-4.

Trong báo cáo, có 11% sinh viên cảm thấy mất tự tin, xấu hổ khi đang học ngành sư phạm và có khoảng 46,5% sinh viên cảm thấy lo lắng, hoang mang về sự an toàn trong công việc tương lai.

Trong khi đó tỉ lệ giáo viên, nhân viên cảm thấy lo lắng, hoang mang khi công tác trong ngành giáo dục là 54,72%.

"Các sinh viên và giáo viên này cho biết họ lo sợ vì gần đây xảy ra khá nhiều vụ việc bạo lực như phụ huynh đánh giáo viên, học trò đâm thầy, hoặc học trò ghi âm lại những lời nói bất cẩn của thầy cô và phát tán trên mạng xã hội", TS Nguyễn Thị Bích Hồng giải thích.

Điều đáng quan tâm là có tới 26,5% sinh viên sư phạm cảm thấy bình thường trước những sự việc tiêu cực trong ngành giáo dục gần đây.

Những sinh viên này giải thích rằng trước đây bản thân họ từng bị giáo viên cư xử tệ và hiện nay các em của họ vẫn tiếp tục chịu đựng thái độ không đúng mực của thầy cô trường phổ thông. Vì vậy, những thông tin vừa qua không làm cho cho họ bất ngờ nữa.

Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, "suy nghĩ này thực sự đáng ngại, phản ánh sự thất vọng của chính bộ phận sinh viên sư phạm về tư cách, tác phong người thầy".

Giáo viên thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử

Tại buổi tham luận, cô Nguyễn Thị Hoa Hồng - giáo viên vật lý Trường THPT Nguyễn Du, cho rằng thầy cô hiện nay thiếu kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử.

Một số thầy cô vẫn còn quan niệm thầy cô phải là số 1. Thầy cô luôn đúng vì thầy là người lớn. Người thầy còn áp đặt, đe nẹt học sinh, khi học sinh có sự phản biện hoặc không đồng ý với quan điểm của thầy thì thầy coi như đó là sự hỗn láo.

"Có một số giáo viên thiếu sự tôn trọng, sự đồng cảm với các em. Chính quan điểm đó dẫn đến việc một số thầy cô thiếu sự kiềm chế, sự điềm tĩnh cần thiết trong quá trình giảng dạy nên đã có những hành xử không đúng mực", cô Hồng nói.

Cô Hồng cũng chia sẻ thêm: "Mỗi em học sinh có cá tính riêng của mình, không thể có một giáo án chung cho cả lớp. Nếu giáo viên không nắm được tâm lý của lứa tuổi thì rất khó giao tiếp với các em, rất khó để các em gần gũi, tin tưởng trao đổi những vấn đề của các em".

Theo cô Hồng, hiện nay giáo viên chưa thay đổi phương pháp dạy học, vẫn luôn là áp đặt kiến thức. Trong khi các em học sinh ngày nay tiếp cận với nhiều thông tin bên ngoài, có tốt, có xấu.

"Việc chúng ta chỉ đơn thuần giảng dạy kiến thức thì chưa đủ, cần phải thay đổi phương pháp giảng dạy trên lớp, phải có tương tác giữa thầy và trò như vậy hai bên mới hiểu nhau. Trò mới có thể phát huy hết sở trường của các em, đừng đánh đồng các em như nhau".

Đồng tình với cô Hồng, thầy Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, chia sẻ: "Thầy cô phải là người truyền cảm hứng cho học trò. Và phải nắm bắt được dòng chảy của thời đại để có những phương pháp giáo dục thích hợp".

Cần Cần 'hội nghị Diên Hồng' về giáo dục

TTO - Những vụ việc không thể tưởng tượng được xảy ra trong ngành giáo dục khiến dư luận bất bình, bức xúc. Thế nên hiện nay rất cần một hội nghị Diên Hồng về giáo dục.

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên