Sau khi PGS.TS Đinh Phương Duy - phó giám đốc Học viện Cán bộ, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM - cho rằng cần "hội nghị Diên Hồng" trong giáo dục, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình.
Phải thiết kế lại chương trình
TS Nguyễn Kim Dung (phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng: qua quá nhiều vụ việc xảy ra trong ngành giáo dục, chúng ta nên đi thẳng vào bản chất hơn là phương pháp kỷ luật.
Trước hết, tôi nghĩ quan trọng nhất phải rà soát lại, khảo sát thực tế, xem lại tất cả hiện tượng. Xem hiện tượng nào nhỏ lẻ mà báo động và mang tính chất quốc gia; hiện tượng nào nhiều lần nhưng như giọt nước tràn ly để có cái nhìn tổng thể.
Bất cứ nền giáo dục nào, thường xuyên rà soát lại những trường hợp đạo đức, chất lượng, thái độ người học là cần thiết.
Thứ hai, khi đã rà soát thì rà soát từng cấp, từ mầm non đến phổ thông để ngành giáo dục thấy và nghe được nhiều tiếng nói ở mỗi cấp học. Từ đó giảm bớt lượng kiến thức, tăng cường kỹ năng thái độ cho người học. Đây là điều cần thiết nhất ở Việt Nam.
Trẻ ở nhiều trường quốc tế hoặc ở nước ngoài được giảm lượng kiến thức, tăng cường kỹ năng thái độ để tạo tiền đề khi vào đại học. Do đó, tôi thấy ngành giáo dục phải thiết kế lại chương trình.
Thứ ba, để có "hội nghị Diên Hồng" trong ngành giáo dục một cách trọn vẹn cũng cần sự chung tay giữa gia đình, xã hội với nhà trường.
Phần lớn trong cuộc sống hiện đại phụ huynh quan tâm con cái nhiều hơn, nên thường kết hợp nhà trường ở phương diện bổ sung cơ sở vật chất. Nhưng đóng góp để tăng sự phong phú về nội dung giáo dục còn thiếu vắng và bỏ ngỏ.
Kiến thức không phải mục tiêu duy nhất
Theo cô Tô Thụy Diễm Quyên (được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu), thầy cô giáo phải luôn cập nhật phương pháp giáo dục, trang bị cho bản thân kỹ năng giải quyết vấn đề. Hiện nay, kiến thức không phải mục tiêu duy nhất. Kỹ năng giải quyết vấn đề mới là quan trọng nhất.
Một ông thầy giỏi kiến thức mà không có kỹ năng giải quyết vấn đề thì không thể ứng xử tốt với học sinh, gặp sự cố loay hoay không biết xử lý sao và người thầy đó sẽ lại rèn ra những con người giống mình.
Đồng thời, người thầy cũng phải cập nhật tâm lý học theo từng thế hệ. Tâm sinh lý của một học sinh sinh năm 1992 khác hoàn toàn tâm sinh lý của một học sinh sinh năm 2002. Nắm được tâm sinh lý học trò, người thầy mới chọn lựa được phương pháp giáo dục thích hợp.
Phụ huynh cần xác định mục tiêu học tập của con em không phải để lấy điểm số. Cái con em mình cần là hình thành kỹ năng, cách tư duy vấn đề. Phụ huynh cũng cần biết và hiểu năng lực của con mình như thế nào. Căn cứ vào năng lực của con để hướng tới những mục tiêu phù hợp.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ giáo dục học Võ Văn Nam (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nói chương trình giáo dục hiện nay quá tải, chưa thực dụng. Cái học sinh cần thì chưa được nhà trường trang bị. Cái nhà trường trang bị quá tải thì cuộc sống không cần.
"Học để chi? Học để thi, thi xong là hết. Vậy để thay đổi và cho học sinh thấy nhẹ nhõm như chính ý nghĩa câu "Mỗi ngày đến trường là một niềm vui", cần thay đổi sát sườn thì cải cách mới thực dụng mang lại hữu dụng trong đời sống thực tế", ông Nam nói.
Là học sinh, em Phạm Hoàng Ân (lớp 12 Trường THPT Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM) đề nghị cho học sinh đánh giá giáo viên.
"Em nghĩ nên có một bảng đánh giá giáo viên dành cho học sinh. Khi học sinh góp ý và nhận thấy được sự thay đổi của giáo viên, học sinh cũng sẽ thay đổi cách học, ứng xử cũng như thể hiện quan điểm trong lớp học.
Giáo dục là cách thức để học sinh nhận ra khuyết điểm. Khi học sinh có sai sót gì thì ban giám hiệu, giáo viên hãy cho học sinh cơ hội giải thích, đừng áp đặt chúng em", Ân nói.
Thầy Nguyễn Tấn Huy (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi):
Chú trọng dạy chữ hơn dạy người
Giáo dục là tổng hợp quá trình lâu dài gồm nhiều yếu tố. Do đó, khó chỉ ra các hiện tượng không lành mạnh trong giáo dục là do đâu. Có điều đáng nói là lâu nay chúng ta chú trọng dạy chữ hơn dạy người. Tôi nói đơn cử như môn giáo dục công dân vẫn bị xem là môn phụ.
Mặc dù được đưa vào thi THPT quốc gia nhưng thực tế không nhiều học sinh để tâm tới môn học này. Những bài giáo dục công dân còn nặng tính giáo huấn, chưa thực sự là những bài học rút ra từ thực tế đời sống của chính các em. Phải làm sao để học sinh giật mình tự soi lại mình, chứ không phải thuộc lòng các bài giáo lý nhằm mục đích thi cử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận