Huấn luyện hơn 15.000 tân binh
Ngày 17-2, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) tổ chức đón nhận huấn luyện hơn 15.000 công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (chiến sĩ mới) thuộc công an các địa phương của 61/63 tỉnh, thành phố.
Trong đó có gần 12.000 chiến sĩ thuộc công an các đơn vị địa phương và hơn 3.000 chiến sĩ thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động giao 10 trung đoàn và hai trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức tiếp nhận, huấn luyện tại 16 địa điểm trên cả nước.
Theo Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, chiến sĩ mới được tuyển năm nay cao hơn về số lượng và chất lượng cũng cao hơn, nhiều chiến sĩ đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp các trường ngoài ngành Công an nhân dân.
Thiếu tướng Lê Ngọc Châu - tư lệnh Cảnh sát cơ động - khẳng định sau thời gian ba tháng huấn luyện, tân binh sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về quân sự, võ thuật, kỹ chiến thuật.
Ngoài ra, các tân binh còn được huấn luyện kỹ năng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, biết sử dụng thành thạo một số loại vũ khí, trang thiết bị...
Đồng thời, có nền tảng thể lực tốt, ý thức chấp hành điều lệnh nội vụ của đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, đủ khả năng nhận và hoàn thành nhiệm vụ.
Phát biểu chỉ đạo, thiếu tướng Nguyễn Văn Long - thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác huấn luyện chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, yêu cầu Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động cần xác định nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của công tác huấn luyện.
Chàng thạc sĩ từ bỏ lương tháng 15 triệu theo đuổi đam mê cảnh sát
Gần một tuần tham gia vào môi trường quân ngũ, tân binh Đỗ Đại Dương (27 tuổi, quê Lào Cai) cho biết trước khi nhập ngũ, Dương từng tốt nghiệp Trường đại học Giao thông vận tải, bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và đi làm với mức lương 15 triệu đồng/tháng.
Từ bé, Dương đã ước mơ được khoác lên mình bộ cảnh phục công an, truy bắt tội phạm, bảo vệ bình yên cho nhân dân. Tuy nhiên, thời điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, do sức khỏe yếu nên chàng trai đành gác lại đam mê.
"Năm nay, khi được Tổ quốc gọi tên, tôi sẵn sàng gác lại mọi công việc để nhập ngũ. Tôi hiểu rằng đây chính là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân. Qua một thời gian ngắn học tập, huấn luyện, tôi thấy đây là môi trường rất tốt để rèn luyện sức khỏe, ý chí, nghiệp vụ để phục vụ bản thân và xây dựng đất nước", tân binh Dương nói và cho hay đây cũng là cơ hội để anh phấn đấu trở thành một chiến sĩ công an chuyên nghiệp.
Còn tân binh Lại Ngọc Thanh (22 tuổi) cho biết anh vừa rời ghế nhà trường thì bước vào môi trường quân ngũ. Những ngày đầu mới vào trung tâm huấn luyện, chàng trai còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng thấy hạnh phúc vì được phục vụ tại ngũ trong lực lượng Công an nhân dân.
"Các cán bộ huấn luyện của Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ rất gần gũi, ân cần dạy bảo từ tác phong, lời nói, xưng hô, giao tiếp chuẩn mực. Tôi được hướng dẫn cách sắp xếp chăn vuông, chiếu thẳng, nơi ăn, chỗ ngủ gọn gàng, sạch sẽ", tân binh Thanh cho hay.
Cũng theo Thanh, đây là môi trường đào tạo, rèn luyện kỷ luật, khoa học và nghiêm túc để giúp anh và đồng đội phấn đấu trở thành người chiến sĩ phục vụ tại ngũ và sau này có cơ hội đóng góp vào việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Trồng 6.000 cây "Vì một Việt Nam xanh"
Hưởng ứng chương trình trồng 1 tỉ cây xanh "Vì một Việt Nam xanh" do Thủ tướng Chính phủ phát động, đồng thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng ủy Công an trung ương và lãnh đạo Bộ Công an phấn đấu mỗi cán bộ chiến sĩ trồng từ một đến ba cây xanh; Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động xây dựng kế hoạch trồng 150.000 cây xanh trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Trước mắt trồng 50.000 cây trong năm 2023.
Cũng tại buổi lễ hôm nay, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động trồng gần 6.000 cây trên tổng diện tích gần 32 ha tại ba địa điểm: Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ 1, Trung đoàn cảnh sát cơ động Đông Bắc tại Quảng Ninh và Tiểu đoàn cảnh sát cơ động 3-E24 tại Yên Bái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận