Học sinh lớp 9 Trường Marie Curie (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đeo khẩu trang ngồi học trong lớp được bật máy lạnh - Ảnh: MAI THƯƠNG
"Tôi vừa nhận được thông báo của nhà trường rằng các học sinh không học bán trú mà chỉ học 1 buổi/ngày. Như vậy thì rất khó khăn cho học sinh và phụ huynh". Đó là tâm sự của chị Trần Thị Ngọc Liên, phụ huynh ở Q.1, TP.HCM.
Trường hợp của chị Liên không phải là ngoại lệ,
Nếu phải đảm bảo giãn cách, tôi sẽ yêu cầu các nhà trường trong quận cân nhắc áp dụng phương án cho học sinh đi học cách nhật theo 2 nhóm. Nhóm học thứ hai, tư, sáu và nhóm học thứ ba, năm, bảy . Những ngày nào học sinh đi học thì ngày đó tổ chức bán trú và học 2 buổi/ngày.
Ông LÊ HỒNG VŨ (trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội)
TP.HCM: không bán trú vì sợ dịch
Chị Liên kể: "Nhà tôi có ba đứa con hiện đang học lớp 1, lớp 2 và lớp 5. Theo lịch đi học lại của nhà trường thì hai bé lớp 1 và lớp 5 sẽ học buổi sáng, bé lớp 2 sẽ học buổi chiều. Như vậy, làm sao tôi có thể đưa đón con khi bé lớp 1 ra về khác giờ với bé lớp 5.
Chưa kể, nhà tôi lại ở xa, đón được hai bé học buổi sáng về nhà thì lại tiếp tục đưa bé học buổi chiều đến trường. Như vậy, phụ huynh khỏi đi làm mà chỉ ở nhà đưa đón con đi học cũng đủ bở hơi tai".
Một phụ huynh khác, chị Nguyễn Thị Thu Hà (Q.Thủ Đức, TP.HCM) phân tích: "Học sinh tiểu học còn nhỏ, sức đề kháng của các con không được như người lớn. Nhà tôi ở ngoại thành nhưng con tôi lại đi học ở nội thành, gần cơ quan của bố mẹ.
Chúng tôi đều là viên chức, đi làm trong giờ hành chính thì không thể đưa đón con khi con chỉ học 1 buổi/ngày.
Nếu chương trình của bậc tiểu học đã được tinh giản, các con không vướng bận nhiều chuyện thi cử, chuyển cấp thì có nhất thiết phải cho học sinh đến trường trong thời kỳ này không? Vì đi học 1 buổi/ngày trong thời tiết nắng nóng như thế này, lớp học lại không được mở máy lạnh là một cách tra tấn cả phụ huynh và học sinh.
Buổi trưa nắng chang chang mà để học sinh về nhà thì các cháu rất dễ nhức đầu, sổ mũi, cảm nắng".
Trong khi đó, một lãnh đạo trường tiểu học ở TP.HCM tâm sự: "Tôi thực sự rất khó xử vì mấy hôm nay phụ huynh gọi điện liên tục, đề nghị tổ chức bán trú. Mà nếu tổ chức thì lo ngại dịch bệnh".
Hà Nội: tùy các trường
Chiều 6-5, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng họp với các quận huyện về phương án tổ chức cho học sinh mầm non, tiểu học đi học trở lại. Trong đó, vấn đề làm thế nào để giãn cách với sĩ số quá đông và có hay không tổ chức bán trú là câu chuyện nhiều trường quan tâm.
"Sở GD-ĐT sẽ không cấm các trường tiểu học, mầm non tổ chức bán trú. Vì đặc thù của lứa tuổi này, nếu không có bán trú mà chỉ học 1 buổi thì phụ huynh sẽ vất vả, trẻ cũng không đảm bảo sức khỏe.
Vì thế, phương án tổ chức đi học trở lại thế nào sẽ tùy thuộc điều kiện cụ thể của từng trường, trên cơ sở tuân thủ những yêu cầu chung về phòng dịch" - ông Phạm Xuân Tiến, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nói.
Tuy nhiên, ở một số quận như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân (Hà Nội), sĩ số học sinh tiểu học ở nhiều trường công lập ở mức trên dưới 60 học sinh/lớp. Để đảm bảo giãn cách, không phải chỉ chia đôi mà còn chia ba. Nhưng giáo viên không có đủ, phòng học cũng thiếu. Tình huống này càng khiến các trường gặp khó khăn nếu phải tổ chức bán trú.
"Sẽ không đủ chỗ để học 2 buổi/ngày và bán trú theo cách chia nhỏ lớp, nếu như học sinh học đủ 5 buổi/tuần" - một hiệu trưởng quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết.
Theo ông Lê Hồng Vũ - trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội, học sinh mầm non, tiểu học nếu đã đi học trở lại thì phải tính đến phương án tổ chức bán trú. Vì học sinh ở lứa tuổi nhỏ, cần có sự quản lý, chăm sóc khác với lứa tuổi trung học. Nếu học 1 buổi/ngày sẽ khó khăn cho các phụ huynh phải đưa đón, quản lý tại nhà, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngược lại với những băn khoăn, lúng túng của khối trường công lập, một số trường tư cấp tiểu học ở Hà Nội đã có hướng tổ chức bán trú, trong đó có Trường Marie Curie, Hà Nội. "Học sinh được chia theo từng khối lớp vào phòng ăn lệch giờ nhau để tránh tập trung đông" - thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng trường này, cho biết.
Không bắt buộc đeo khẩu trang, tấm chắn
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 ngày 6-5, nhiều chuyên gia cho rằng các biện pháp phòng, chống dịch của một số trường là không cần thiết mà còn có hại cho sức khỏe các cháu học sinh.
Theo đó, một số trường có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cứng nhắc, máy móc, thậm chí cực đoan như yêu cầu học sinh vừa đeo khẩu trang, vừa đeo mặt nạ chống giọt bắn, lớp học không được bật máy lạnh...
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không khuyến nghị học sinh trong lớp học phải bắt buộc đeo khẩu trang. Tuy nhiên, cần khuyến nghị các cháu phải giữ vệ sinh cá nhân, chịu khó rửa tay, giờ ra chơi phải đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc với các bạn lớp khác để tránh xác suất lây nhiễm, dù rất nhỏ.
Đặc biệt, không bắt buộc cực đoan việc cấm bật máy lạnh, các phòng học có thể bật nhưng định kỳ mở cửa sổ, cửa chính để thông thoáng khí.
N.AN
Giáo viên lớp 9, 12 khổ vì giãn cách
Ở Hà Nội và TP.HCM, học sinh trung học đã đi học trở lại được gần một tuần trong tình huống phải áp dụng nhiều biện pháp để đảm bảo giãn cách học sinh. Đa phần các nhà trường đều thực hiện việc chia đôi lớp học, dạy chéo ca.
Về yêu cầu giãn cách, các trường đang cố gắng duy trì, nhưng bất ổn lại tiềm ẩn từ phía giáo viên khi nhiều người bị tăng tiết quá nhiều.
Việc chia nhỏ lớp học khiến giáo viên từ nhóm này phải chạy sang nhóm kia, vừa ở lớp dạy trực tiếp lại chạy về dạy trực tuyến. Trong khi điều kiện lao động áp lực thì chế độ đãi ngộ cho giáo viên cũng không được điều chỉnh.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM trong giờ học sau kỳ nghỉ dài tránh COVID-19 - Ảnh: NHƯ HÙNG
"Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn về quy đổi giờ lao động của giáo viên trong thời gian các trường phải thực hiện linh hoạt dạy học để chống dịch. Quy định về chính sách cho giáo viên thì có, nhưng các nhà trường vẫn không thực hiện được vì không có tiền.
Kinh phí chi thường xuyên vốn eo hẹp còn bị cắt bớt 5%, trong khi hiện có những trường, giờ dạy tăng gấp đôi" - ông Lê Hồng Vũ trao đổi.
Theo ông Vũ, với việc chia đôi lớp học, nếu giáo viên các môn đặc thù như nhạc, họa phải dạy trực tiếp hoàn toàn thì một giáo viên có thể phải dạy đến trên 40 tiết/tuần. Giáo viên không chịu nổi mà trường cũng không có tiền để trả cho họ.
"Tôi chỉ đạo các trường phải cân đối, với những môn học có quá ít giáo viên thì phải kết hợp dạy trực tuyến và trực tiếp chứ không thể căng ra dạy hết tại trường theo ca" - ông Vũ cho biết.
Tương tự, nhiều giáo viên ở TP.HCM cũng đang than trời: "Tôi không biết mình có thể kham nổi kiểu dạy học này trong bao lâu. Trước đây, tôi dạy 19 tiết/tuần thì bây giờ số tiết tăng lên 38, dạy liên tục cả sáng lẫn chiều trong điều kiện nắng nóng mà không có máy lạnh lại còn giảng bài qua chiếc khẩu trang.
Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên hiệu trưởng nhà trường nhưng chính nhà trường cũng rối" - một giáo viên ở Q.1, TP.HCM bức xúc.
Tâm sự với Tuổi Trẻ, hiệu trưởng một trường THPT ở quận 1 (TP.HCM) cho biết: "Nhìn giáo viên, tôi thấy thương lắm. Ban giám hiệu nhà trường bây giờ chỉ biết động viên các giáo viên cố gắng chịu vất vả trong 2 tuần đầu. Sau đó thì hi vọng dịch bệnh sẽ hết và mọi thứ trở về như cũ.
Chứ như hiện tại, không tách lớp thì không yên tâm trong việc phòng tránh dịch bệnh, mà tách thì khổ cho giáo viên quá. Nếu kéo dài tình hình như thế này thì giáo viên đổ bệnh hết".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận