![Học sinh diễn kịch, múa rối để học ngữ văn - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/15/base64-17395942949711914376319.jpeg)
Tiết mục múa rối nước 'Phương thuốc thần kỳ' do học sinh lớp 10C17 thể hiện - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thông qua buổi báo cáo dự án, học sinh được tham gia diễn kịch, đóng phim, múa rối cạn và múa rối nước để tìm hiểu văn hóa, lịch sử nước nhà.
Học sinh diễn kịch, đóng phim, múa rối
Những cô cậu học trò đã diễn kịch Mãi mãi tuổi hai mươi kể về câu chuyện liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - tác giả cuốn nhật ký Chuyện đời - theo phong cách hào hùng, trữ tình. Các bạn còn làm phim Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, giúp học sinh tiếp cận nội dung một cách trực quan, sinh động, hiểu sâu hơn về tác phẩm.
Các cô cậu học trò đã tận dụng bìa cứng, thanh tre, que gỗ, ống nước, chai nhựa, vải vụn để dựng sân khấu và thiết kế nhân vật múa rối.
Những tràng vỗ tay, những tiếng reo hò của "khán giả" khuấy động một góc trường. Nhiều học sinh chia sẻ mình "cảm" được nhiều điều qua buổi học đặc biệt này.
"Trước giờ mọi người nghĩ học ngữ văn chán và chỉ biết học thuộc. Nhưng hiện nay với sự sáng tạo, thay đổi cách học văn bằng sân khấu hóa, kịch hóa, giúp tụi em thực hành nhiều hơn lý thuyết. Thông qua đó, chúng em rèn luyện kỹ năng học hỏi, trí sáng tạo và hiểu thêm về di sản văn hóa Việt Nam", em Thu Trang chia sẻ.
Em Nguyễn Thành Lâm cho biết thông qua hoạt động này, em có thêm kỹ năng sống, được tiếp cận với văn hóa và lịch sử một cách chân thật, gần gũi.
"Học thông qua nhạc, phim… giúp ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Em mong có thêm nhiều buổi học như thế này để các học sinh trường khác biết đến để cùng học tập tốt hơn", Lâm nói.
![Học sinh diễn kịch, múa rối để học ngữ văn - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/15/base64-17395942871032075669946.jpeg)
Tiết mục múa rối cạn do học sinh lớp 10A8 chuyển thể từ tác phẩm 'Số đỏ' của nhà văn Vũ Trọng Phụng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Phát huy sáng tạo, định hướng nghề nghiệp
Cô Lê Thị Ngọc Dung - tổ trưởng chuyên môn tổ ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh - đánh giá phương pháp học mới giúp học sinh phát huy năng lực, tư duy, sự sáng tạo và giúp các em thêm yêu văn học, đất nước và quê hương.
"Với mong muốn giúp học sinh biết trân trọng, gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc, bảo tồn di sản văn hóa, cô và trò đã dành thời gian hai tháng để chuẩn bị cho chủ đề hôm nay. Học văn theo cách này các em rất thích thú, phát huy kỹ năng làm việc nhóm, nghiên cứu, sáng tạo. Các em thay đổi suy nghĩ về môn văn và thêm yêu văn học", cô Dung nói.
Cô Dung cũng cho biết tham gia dự án này, học sinh tự làm tập san, poster... Những việc này góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Chẳng hạn có bạn phát hiện ra mình hợp làm MC, tổ chức sự kiện hoặc các ngành truyền thông đa phương tiện.
![Học sinh diễn kịch, múa rối để học ngữ văn - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/15/base64-1739594132705552735722.jpeg)
Học sinh diễn kịch tái hiện lịch sử - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
![Học sinh thích thú học ngữ văn qua dự án - Ảnh 4.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/15/base64-17395942789041067204439.jpeg)
Các em học sinh thích thú với cách học mới lạ này - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận