05/04/2021 10:36 GMT+7

Đạo diễn Việt Linh dạy kịch cho học sinh phổ thông

HỒ NGỌC
HỒ NGỌC

TTO - "Tiểu phẩm này con tự viết hay lấy trên mạng?", "Con tự viết", "Con thích đóng vai nào trong câu chuyện này?", "Con thích đóng Gấu".

Đạo diễn Việt Linh dạy kịch cho học sinh phổ thông - Ảnh 1.

Các em học sinh tập kịch

Đó là đoạn đối thoại giữa đạo diễn Việt Linh - cố vấn môn drama và cô Võ Cẩm Tiên với bạn V., học sinh lớp 6 ở một trường trung/tiểu học quốc tế tại TP.HCM.

Để chuẩn bị báo cáo cuối khóa của môn drama dành cho khối lớp 6/7, cô Việt Linh và cô Võ Cẩm Tiên yêu cầu các em nộp những câu chuyện nhỏ, do các em tự nghĩ ra hoặc lấy trong sách, trên mạng…; và hình dung có thể dựng thành tiểu phẩm trên sân khấu. Đặc biệt, các em phải nói rút ra bài học gì qua các câu chuyện mình tuyển chọn.

Với hơn 90 học sinh của năm lớp, có khá nhiều câu chuyện trùng lắp, do các em cùng tập trung truy tìm trong nguồn sách "Người tốt việc tốt", "Hạnh phúc làm người tử tế", "Lòng vị tha", chỉ nặng về tư tưởng, thông điệp; ít kịch tính, hình ảnh.

Cô Cẩm Tiên hơi nao núng, nhưng cô Linh vui, cho rằng qua bài tập này các em có dịp tiếp cận tự nguyện, thoải mái nhiều câu chuyện mang ý nghĩa tích cực, có dịp tự vấn về tình cảm gia đình, tình bạn; nhận ra nhiều giá trị nhân văn. Với mục tiêu giáo dục khai phóng của trường, đó là kết quả lớn.

Đạo diễn Việt Linh dạy kịch cho học sinh phổ thông - Ảnh 2.

Kịch bản viết tay của V.

Trở lại câu chuyện của V.. Em viết rất thô sơ, ngắn gọn: "Gấu là nhân vật luôn bắt nạt Thỏ. Nó cứ hay bạt tai Thỏ bị vẹo xuống. Chú Thỏ ngồi khóc hoài. Cáo là bạn của Sói. Tuy nhiên có đôi lúc Gấu hay hù dọa cho Sói và Cáo sợ hãi… Bài học rút ra của em là không nên làm những hành động soi mói, hù dọa người khác. Không nên chọc ghẹo người khác khi người khác không thích những hành động đó".

Sau khi V. đọc xong bài tập của mình trước lớp, đối thoại cô trò tiếp tục: "Tại sao con muốn đóng vai Gấu?", "Vì đó là… con". Cả lớp lặng đi xúc động.

Cô Linh và cô Tiên rưng rưng nước mắt, không ngờ có một ngày V. biết tự vấn, tự nguyện đổi thay mình như vậy, khi cách đây không lâu vẫn còn gây gổ, sinh sự; đầu năm học đã từng có những vụ bắt nạt nhau. V. cao lớn, tuấn tú, có nụ cười rất đẹp, nhưng ưa trêu chọc bạn, ưa chỉ trích, lườm nguýt (V. dùng chữ phiên phiến soi mói), khiến các bạn e dè.

Kịch bản của V. chỉ có năm nhân vật, nhưng cô Linh quyết định cho cả lớp tham gia, mỗi em sẽ đóng một nhân vật trong "Khu rừng vui vẻ".

Trong khu rừng đó V. muốn mình đóng Gấu, nhưng các cô quyết định V. làm đạo diễn, bạn khác sẽ đóng Gấu. Vì sao? Các cô muốn V. nhìn thấy/nhận ra "kẻ bắt nạt" đáng chán ra sao, cô đơn thế nào khi muôn thú dần xa lánh. V. đồng ý.

Cả lớp vỗ tay reo vui, như tháo xong nút thắt bấy lâu kìm nén.

Vì niềm vui đó, các cô nói đây sẽ là tiểu phẩm hoành tráng nhất khi cả lớp tham gia. Cùng bạn V. đạo diễn, cả lớp xin trang hoàng sân khấu "ngon lành" nhất để mừng đón khu rừng yêu thương, vui vẻ.

Đầy rung cảm xác tín môn kịch đã góp phần tô đắp tâm hồn con trẻ, các cô hứa sẽ tận lực cho khu rừng của Gấu…

Kịch thiếu nhi: Diễn dạng Kịch thiếu nhi: Diễn dạng 'giội bom' dễ sống?

TTO - Trước thực trạng kịch thiếu nhi rơi rụng dần, ít sân khấu mặn mà... lao vào chỗ khó (Tuổi Trẻ ngày 16-7), những người gắn bó và tâm huyết với kịch thiếu nhi nói gì về lối ra? Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến.

HỒ NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên