17/07/2019 10:39 GMT+7

Kịch thiếu nhi: Diễn dạng 'giội bom' dễ sống?

LINH ĐOAN ghi
LINH ĐOAN ghi

TTO - Trước thực trạng kịch thiếu nhi rơi rụng dần, ít sân khấu mặn mà... lao vào chỗ khó (Tuổi Trẻ ngày 16-7), những người gắn bó và tâm huyết với kịch thiếu nhi nói gì về lối ra? Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến.

Kịch thiếu nhi: Diễn dạng giội bom dễ sống? - Ảnh 1.

Cảnh trong vở kịch Tấm Cám của sân khấu IDECAF - Ảnh: GIA TIẾN

Với sự bền bỉ bao nhiêu năm nay, Idecaf đã xây dựng cho mình một lực lượng vững chắc để hỗ trợ tốt cho việc dựng và biểu diễn kịch thiếu nhi. Còn đối với các đơn vị xã hội hóa khác, đây là bài toán khó bởi làm kịch con nít phải đầu tư công phu, diễn viên phải bỏ công sức tập dượt nhiều mà chuyện lấy lại vốn không hề đơn giản. Vì vậy, quyết tâm làm kịch thiếu nhi, người lớn phải hi sinh, chứ cứ nghĩ đến tiền bạc, lời lỗ sẽ dễ nản lòng.

Đạo diễn Chánh Trực

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn:

Diễn dạng "giội bom" dễ sống

Trẻ con bị áp lực học ngày càng nhiều hơn. Bán vé kịch thiếu nhi hằng tuần ngày càng "chua" hơn.

Phim ảnh, các chương trình truyền hình ngày càng rầm rộ, mức độ cộng tác của anh em diễn viên theo mình hằng tuần cũng khó, có khi họ chỉ đảm bảo được 1 - 2 suất. Khi mô hình kịch thiếu nhi hoành tráng, màu sắc ra đời thì các bé hình như cũng không còn mặn mà với mô hình kịch nhỏ.

Tôi đang tính năm nay sẽ bàn với nhà hát Bến Thành đầu tư hệ thống đu bay tạo nên những tiết mục bay bổng hấp dẫn. Mỗi vở diễn sẽ cố gắng đầu tư tốt hơn về phần âm nhạc. Ví dụ, một vở diễn phải kèm theo ca khúc là hit.

Thật ra, nếu sân khấu chúng ta hiện đại khai thác được nhiều hiệu ứng kỹ thuật lung linh sẽ đỡ khổ cho diễn viên rất nhiều. Giờ nhìn một số diễn viên của mình gần 60 tuổi hết mà vẫn phải nhảy múa, hò hét mệt lả cả người tôi xót lắm. Bởi hiệu ứng kỹ thuật mình chưa được phát huy nên vẫn phải trông chờ vào các màn diễn của diễn viên để thu hút khán giả nhí.

Tới thời điểm hiện tại, tôi thấy chỉ có thể diễn kịch thiếu nhi theo dạng "giội bom" định kỳ mùa hè, Trung thu... hằng năm, với sự đầu tư hoành tráng, hấp dẫn dễ sống hơn. Bên cạnh đó, tôi duy trì các đội kịch rối đi diễn trường học, diễn ở vùng xa nơi các em chưa có điều kiện tới rạp xem.

Đạo diễn - diễn viên Đình Toàn:

Cần một sàn diễn đáp ứng được nhu cầu dàn dựng

Các bé bây giờ thông minh lắm, nhờ mạng, YouTube các bé có thể tiếp cận thế giới giải trí bên ngoài từ rất sớm. Những câu chuyện cổ tích quen thuộc dường như đã được tận dụng hết, giờ muốn khai thác rất khó khăn để làm sao không bị trùng lắp.

Vì vậy mỗi lần dựng vở mới, tôi và Quang Thảo suy nghĩ tìm một câu chuyện để khai thác văn hóa của đất nước nào đó để có một màu sắc lạ, đồng thời cung cấp thêm kiến thức cho các bé.

Về diễn xuất, diễn kịch thiếu nhi mất sức gấp 3 - 4 lần so với diễn kịch người lớn. Người diễn viên phải có nhiều kỹ năng nhảy múa, ca hát, diễn kịch, thậm chí nhào lộn, la hét... Mỗi lần diễn cảnh đánh đấm ngoài sân khấu, vô cánh gà nghệ sĩ chỉ biết thở dốc vì mệt.

Giờ có những vở diễn viên lên tới 50 người, cảnh trí mỗi năm đòi hỏi có thêm cái này, hiệu ứng kia, câu chuyện phải hết sức chăm chút cho hợp tình hợp lý, hấp dẫn. Nhưng cũng buồn là bao nhiêu năm rồi, cách dựng, đề tài, cách diễn, trang trí đã có nhiều thay đổi mà sàn diễn nhà hát vẫn vậy, không thay đổi, không đáp ứng được nhu cầu dàn dựng.

Đạo diễn Hoàng Duẩn:

Quan trọng là cách chọn đề tài

Sân khấu thiếu nhi cần phải duy trì diễn định kỳ hằng tuần để khán giả nhí biết và có thói quen đến xem. Để khuyến khích các đơn vị xã hội hóa đầu tư cho kịch thiếu nhi phải tạo nhiều điều kiện ưu đãi cho họ, thuế má phải được ưu tiên.

Tôi cho rằng không chỉ sân khấu hoành tráng mới thu hút khán giả nhí mà sân khấu vừa tầm khoảng 250 chỗ vẫn có sức hấp dẫn riêng nếu chúng ta biết cách làm. Đó là cách chúng ta chọn đề tài, đi vào những vấn đề, thắc mắc mà các em gặp phải trong cuộc sống.

Dàn dựng, diễn xuất của diễn viên, âm thanh, ánh sáng... phải hỗ trợ tốt để đưa đến các em những thông điệp thật sinh động, không cứng nhắc. Để làm được điều này, tôi nghĩ thành phố nên dành hẳn một nhà hát dành riêng cho kịch thiếu nhi.

Ban lãnh đạo nhà hát cũng phải được thi tuyển mới được chọn, đó phải là những người có am hiểu về tâm lý trẻ em để xây dựng những kịch bản cho phù hợp.

Tôi nghĩ thành phố này không thiếu những người tâm huyết, mê làm kịch thiếu nhi; quan trọng là chúng ta có cơ chế để họ được phát huy, được phục vụ các em, những mầm non tương lai của đất nước, những khán giả kế thừa cho sân khấu kịch.

Xây dựng khán giả cho kịch

Trong khi các đơn vị nghệ thuật công lập ít có những suất diễn cho thiếu nhi trong những ngày hè thì ở trong con hẻm trên phố Đặng Thai Mai (Tây Hồ, Hà Nội) có một không gian thực hành kịch dành cho tất cả mọi người mang tên ATH.

Với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đến từ Anh, Pháp, ATH bước đầu tạo được sân chơi cho các em thiếu nhi. Tại đây, các em không chỉ được học về diễn xuất mà còn thường xuyên tham gia cách tự sáng tạo và biểu diễn trên sân khấu.

Mùa hè này, ATH còn tổ chức khóa học Muôn màu kịch nói. Theo Hoàng Phương - một cộng tác viên tại ATH, điều thú vị là các học sinh ở độ tuổi teen đến đăng ký lớp kịch vượt trội so với các lứa tuổi khác.

"Thời gian tới, bên cạnh việc duy trì các lớp kịch, ATH sẽ bắt đầu triển khai một dự án dài hạn nhằm xây dựng khán giả kịch, đầu tiên là ở Hà Nội. Hi vọng dự án có thể được lan tỏa rộng rãi hơn ở các thành phố khác" - cô giáo Nguyễn Hoa My cho biết.

Đức Triết

"Nhiều người hỏi tôi làm kịch thiếu nhi lấy gì mà ăn?" 'Nhiều người hỏi tôi làm kịch thiếu nhi lấy gì mà ăn?'

TTO - Ấy là tâm sự của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn khi mà kịch thiếu nhi gặp khó. Như ở Hà Nội, sân khấu dành cho thiếu nhi chỉ rộ lên chừng một tuần dịp 1-6, vài ngày sau lại lắng xuống.


LINH ĐOAN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên