GS.TS Vũ Hà Văn (Đại học Yale, Mỹ), người trở về để đảm nhiệm vị trí giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn do Vingroup thành lập - Ảnh: ANH TUẤN
Doanh nghiệp biết thị trường cần gì, họ nghiên cứu xong là để ứng dụng, đưa vào sử dụng ngay.
GS.TS VŨ HÀ VĂN
Trong khuôn khổ "Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018" diễn ra sáng 21-8 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận, chia sẻ về những chiến lược nhằm tận dụng và tiếp cận những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào Việt Nam cũng như đề xuất những giải pháp, đóng góp cụ thể đối với chiến lược phát triển của đất nước trong những năm tới.
Cùng ngày, Tập đoàn Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác với hơn 50 trường đại học hàng đầu Việt Nam, đồng thời công bố định hướng trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ.
Nghiên cứu xong là sử dụng ngay
Hội thảo lớn nhất về trí tuệ nhân tạo (AI4VN 2018) đã quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực công nghệ hiện đại mang tính nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0 (trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng, Internet of things...).
Đó là những cái tên như TS Lê Viết Quốc (Google Brain, Mỹ), GS.TS Vũ Hà Văn (Đại học Yale, Mỹ), TS Bùi Hải Hưng (Mỹ), TS Đào Ngọc Thành (CEO & Fouder của Bap-Blockchain), TS Đỗ Bình Minh (Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ), PGS.TS Nguyễn Lê Minh (Viện Khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản)...
TS Lê Viết Quốc đặt câu hỏi: "Việt Nam cần làm gì?", và chính ông đưa ra câu trả lời: "Đầu tư vào giáo dục, có những khóa học về lập trình và AI ở bậc trung học phổ thông".
Bên cạnh khuyến cáo phải xây dựng những hệ thống dữ liệu lớn về chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải, nông nghiệp, khí hậu... TS Lê Viết Quốc nhấn mạnh: "Việt Nam cần nghiên cứu nhiều hơn. Thành lập các viện nghiên cứu và tạo ra những quỹ đầu tư mạo hiểm".
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo, GS.TS Vũ Hà Văn, người trở về để đảm nhiệm vị trí giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn do Vingroup thành lập, khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư nghiên cứu hiện nay rất quan trọng.
"Doanh nghiệp biết thị trường cần gì, họ nghiên cứu xong là để ứng dụng, đưa vào sử dụng ngay chứ không phải cất vào tủ. Nếu doanh nghiệp có tiềm lực trang trải cho nghiên cứu lĩnh vực đó thì họ nên đầu tư. Đây cũng là mô hình đã phát triển ở Mỹ và các nước phát triển, khi doanh nghiệp dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu, định hướng cho giới hàn lâm" - GS Vũ Hà Văn nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng trong điều kiện của Việt Nam, không nhất thiết tất cả các doanh nghiệp đều phải đầu tư cho nghiên cứu, có thể một số doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển công nghệ rồi bán lại cho các doanh nghiệp nhỏ với giá tốt hơn mua của nước ngoài.
Thung lũng Silicon tại Hà Nội
Đạt thỏa thuận hợp tác với hơn 50 trường đại học hàng đầu Việt Nam thông qua việc đặt các trường đại học đào tạo 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ thông tin trong vòng 10 năm tới, cũng như đồng thuận tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ, tổ chức trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các giáo sư, nhà nghiên cứu...
Tập đoàn Vingroup còn hướng tới mục tiêu phát triển thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong tương lai vào năm 2028.
Chiến lược này được Vingroup công bố ngày 21-8, với đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp, trong đó công nghệ sẽ chiếm tỉ trọng chính trong các hạng mục nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn này khẳng định: "Trải qua 25 năm đầu tư và tích lũy, đến nay, Vingroup hội tụ đủ các điều kiện để gia nhập lĩnh vực công nghệ - công nghiệp.
Việc đầu tư mạnh mẽ vào hai mảng trên không chỉ giúp chúng tôi phát triển lên một tầm cao mới mà còn góp phần tạo ra một hệ sinh thái về công nghệ - công nghiệp, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí xứng đáng trên bản đồ công nghệ - công nghiệp thế giới".
Ở lĩnh vực công nghệ, không chỉ đầu tư đội ngũ nhân sự, hạ tầng để phát triển sản xuất phần mềm thông qua việc thành lập Công ty VinTech (tách ra từ Công ty VinSmart mới thành lập cách đây chưa lâu), hạng mục quan trọng khác là nghiên cứu AI, sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới cũng sẽ được tập trung tối đa, chủ yếu dựa vào Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT) cũng do Vingroup lập.
Tập đoàn này cũng đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City theo mô hình của Thung lũng Silicon đặt tại Hà Nội.
VinTech City sẽ là nơi tạo ra hệ sinh thái toàn diện tương tự như Thung lũng Silicon, nhằm phục vụ các công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin, bao gồm từ các khu văn phòng làm việc tới chỗ ăn ở... và các công ty dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đi kèm.
Mong Việt Nam trở thành nền nông nghiệp lớn
Ngày 21-8, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Khoa học - công nghệ đã tổ chức cuộc gặp gỡ giữa hơn 20 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và nhiều doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp. Tại cuộc gặp, TS Nguyễn Hoàng (Đại học California Davis, Hoa Kỳ) cho biết người Mỹ tính 1 USD đầu tư cho nông nghiệp sạch thì tiết kiệm được 4 USD chi cho y tế.
"Chúng tôi và các đồng nghiệp mong chuyển được ngày càng nhiều công nghệ mới trong nông nghiệp về Việt Nam càng tốt. Tôi mơ ước Việt Nam sẽ trở thành một nền nông nghiệp lớn của thế giới" - TS Hoàng chia sẻ.L.ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận