Ảnh: REUTERS
Hôm 12-7, Tòa án Tư pháp Liên bang Karlsruhe (Đức) đã đưa ra phán quyết rằng các tài khoản mạng xã hội của người đã khuất có thể được thừa kế như bất cứ tài sản nào trong một bản di chúc.
Phán quyết này cũng chấm dứt vụ kiện kéo dài suốt 3 năm của hai vợ chồng ở Berlin trong việc giành quyền truy cập tài khoản Facebook của đứa con gái đã mất trong vụ tai nạn xe lửa vào năm 2012.
Họ đã tìm cách truy cập vào tài khoản để xác định liệu con mình đã tự tử hay bị tai nạn, đồng thời tranh luận rằng nội dung trên tài khoản Facebook của con họ giống như "một cuốn nhật ký" và "phải được trả lại cho những người thân yêu như một vật thừa kế".
Tuy nhiên, Facebook đã biến trang cá nhân này thành trang tưởng niệm, nơi không thể truy cập dữ liệu người dùng mặc dù nội dung vẫn tồn tại trên các máy chủ của Facebook.
Theo đó, họ chỉ có hai lựa chọn là được tiếp nhận tài khoản nhưng không có quyền truy cập vào các tin nhắn riêng hoặc yêu cầu Facebook xóa tài khoản.
Năm 2015, hai vợ chồng đã thắng trong vụ kiện đầu tiên, được tòa án sơ thẩm Berlin đồng ý rằng hợp đồng giữa người đã qua đời và Facebook bị ràng buộc bởi luật thừa kế, bao gồm cả nội dung số được tạo trên tài khoản trực tuyến.
Thế nhưng, sau đó tòa án phúc thẩm Berlin đã lật đổ phán quyết, ủng hộ lập luận của Facebook rằng "quyền riêng tư mạng xã hội phải được đảm bảo bởi các đạo luật về bảo mật và an ninh mạng". Ngoài ra, những người đã trao đổi tin nhắn với con gái họ cũng cần được quyền bảo vệ thông tin riêng tư.
Sau nhiều phiên tòa, Tòa án Tư pháp Liên bang Karlsruhe đã đi đến kết luận cuối cùng. Vụ kiện này cũng tác động đến các dự thảo thay đổi luật pháp của Đức, biến Đức trở thành một trong số ít những quốc gia đầu tiên quan tâm về vấn đề pháp lý đối với dữ liệu số của các chủ sở hữu đã qua đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận