21/11/2016 08:34 GMT+7

Đức lo ngại tác động của mạng xã hội

DUY VĂN
DUY VĂN

TTO - Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa kết thúc cho thấy các mạng xã hội đã thật sự trở thành những đấu thủ chính trị thực thụ.

Thủ tướng Đức (trái) ngày càng lo ngại tác động của mạng xã hội đối với chính trị - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Đức (trái) ngày càng lo ngại tác động của mạng xã hội đối với chính trị - Ảnh: Reuters

Một nghiên cứu gần đây của Mỹ cho thấy ảnh hưởng của bộ máy tìm kiếm Google lên các quyết định của cử tri. Với 20% cử tri chưa quyết định, thuật toán của Google đã tìm cách để tác động lên lá phiếu của họ. Các nhà khoa học đã nói về một “hiệu ứng thao túng của công cụ tìm kiếm”. Cả Google và Facebook trong khi đó đều khăng khăng họ không theo đuổi một nghị trình chính trị nào và luôn giữ trung lập.

Thao túng từ bàn phím

Thế nhưng, thực tiễn cho thấy những người phụ trách các thuật toán của Facebook hay Google luôn điều chỉnh các thông số của họ với những động cơ chính trị mà những chất liệu gây tranh cãi sẽ được “kiểm duyệt”. Không chỉ thế, Facebook còn sử dụng quyền lực của mình để thúc đẩy những lợi ích chính trị riêng. Chẳng hạn hồi năm 2012, Google đã ra kiến nghị phản đối một dự luật chống vi phạm bản quyền: 4,5 triệu người đã ký nó chỉ trong một ngày!

Trong bài báo nhan đề “Nền dân chủ kỹ thuật số: Google và Facebook có thể thay đổi bầu cử ra sao” đăng trên tờ Spiegel, tác giả Marcel Rosenbach cho biết thời gian gần đây Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói nhiều về Internet. Chẳng hạn trong cuộc gặp các nhân vật chủ chốt của truyền hình và xuất bản Đức tuần trước, bà đã nói về quyền lực của những công ty như Facebook hay Google, nhất là bí mật trong thuật toán mà họ sử dụng để sắp xếp các kết quả tìm kiếm và giới thiệu các tin tức phù hợp cho từng người dùng. Vấn đề, như bà viện dẫn, là không ai bên ngoài những người khổng lồ truyền thông này biết được tiêu chí để họ lọc lựa ra dữ liệu. Và đó là vấn đề không phải chỉ cho các chính đảng mà cho toàn xã hội.

Mối quan tâm bất ngờ của thủ tướng Đức tới những khía cạnh của chính sách công nghệ có liên quan đến một việc: năm sau liên bang Đức sẽ bầu cử. Và bà Merkel biết Facebook và Google có tác động ít nhiều đến việc quyết định ai sẽ lãnh đạo đất nước này sau cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra cuối năm 2017.

Điều bà Merkel cũng như nhiều chính khách khác trên thế giới lo ngại là các hình thức tinh vi của ảnh hưởng. Tại một hội nghị truyền thông ở Munich, thủ tướng Đức đã chỉ trích sự kiện thuật toán chỉ bám vào những lợi ích đã được hình thành trước đó và đơn giản là chỉ lặp lại mọi thứ lần nữa. Còn những nhà bình luận khác lo ngại các mạng xã hội có nguy cơ trở thành những đấu thủ chính trị giấu mặt, vừa có thể sử dụng ảnh hưởng của chúng để kiếm tiền lại vừa có thể thay đổi đường hướng của cả một cuộc bầu cử mà không ai hay biết. Bởi viện cớ thuật toán là bí mật kinh doanh, chúng được bảo vệ kín kẽ khỏi tai mắt của nhà quản lý.

Được ăn, được nói, được gói mang về

Tầm bao quát của Facebook, với khoảng 1,8 tỉ người dùng, khiến mạng xã hội này trở thành một trong những công cụ quan trọng trong việc thay đổi, thao túng ý kiến người khác.

Số người dùng Google cũng không kém cạnh. Với hơn 90% lượt tìm kiếm trên mạng thuộc trang công cụ tìm kiếm này, Google có một ảnh hưởng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử đối với đời sống của người sử dụng. Ngay cả trật tự xuất hiện các kết quả tìm kiếm cũng có ảnh hưởng lớn, tác động đến việc sản phẩm được bán ra sao, chẳng hạn trong việc tạo ra hay thay đổi thứ hạng của ứng viên trong các thăm dò.

Tác giả Marcel Rosenbach cho biết các công ty công nghệ tìm được doanh thu quảng cáo từ cả các chính đảng và ứng viên. Chẳng hạn Facebook đã chủ trì một hội thảo đặc biệt ở Berlin cho những nhà hoạt động chính trị Đức tích cực. Facebook thậm chí đã ấn hành một “Cẩm nang cho các chính trị gia và nhân viên văn phòng” bằng tiếng Đức, quảng bá và giải thích cách “vận động chính trị trên Facebook”. Trong ấn bản gần đây nhất ra hồi tháng 3-2016, các tác giả của cẩm nang đã sử dụng một số trường hợp cụ thể để giải thích các “chiến lược vận động sử dụng các dữ liệu” như thế nào.

Tháng 2-2016, có 44.000 người Đức tuổi từ 25-50 quan tâm đến vấn đề mức lương tối thiểu. Dựa vào kích cỡ của ngân sách dành cho quảng cáo, một số, đa số hay thậm chí là toàn bộ danh sách người dùng Facebook “đáp ứng các tiêu chuẩn xác định” này sẽ được hiển thị trên quảng cáo của chính đảng hay ứng viên. Các chính khách có thể nhắm vào những người nào “like” trang của họ cũng như toàn bộ bạn bè của họ - hay tất cả những người ở độ tuổi nhất định nào đó, chẳng hạn những cử tri đi bỏ phiếu lần đầu sống gần khu vực bầu cử của họ.

Facebook khá tự hào với thành công của họ. Trong cuốn cẩm nang, mạng xã hội này còn đơn cử chiến thắng của Đảng bảo thủ Anh năm 2015 như bằng chứng cho cái gọi là “chiến lược vận động sử dụng dữ liệu”. Công ty này nói nó đã đóng “vai trò quyết định” trong việc vươn tới những nhóm mục tiêu về những vấn đề họ quan tâm, đặc biệt ở những quận có số cách biệt của các lá phiếu quá nhỏ. Cuộc vận động dài bốn tháng này, theo Facebook, là lần đầu tiên một đảng ở châu Âu “sử dụng các quảng cáo của Facebook trong một cách thức phức tạp và có chủ đích” như thế.

Ở Đức, nhiều nhóm và các đảng cực hữu đã sử dụng Facebook để thu hút và huy động người ủng hộ. Ngay cả Pegida, một phong trào phản kháng bài ngoại xuất phát từ thành phố Dresden, cũng khởi đầu từ một nhóm người dùng Facebook.

DUY VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên