Ảnh: AFP
Năm ngoái, giải Nobel văn chương buộc phải hoãn lại không trao sau bê bối lạm dụng tình dục và lạm dụng tài chính dẫn tới việc 7 thành viên của Viện hàn lâm Thụy Điển phải từ chức, trong đó có cả thư ký thường trực của viện khi đó là bà Sara Danius.
Ông Jean-Claude Arnault, chồng của bà Katarina Frostenson, một thành viên của Viện hàn lâm Thụy Điển, tháng 10-2018 bị kết tội cưỡng hiếp và bị phạt 2 năm tù.
Các ghế trống của Viện hàn lâm Thụy Điển đã được bổ sung sau này và từ tháng 6-2019, giáo sư văn chương Mats Malm đảm nhiệm vai trò thư ký thường trực.
Bất kể những dự đoán thường chẳng mấy khi đúng, nhưng cứ vào mùa Nobel mỗi năm, dư luận trong giới cũng như các trang cá cược online lại sôi nổi bàn luận, đưa ra tỉ lệ đặt cược cho khả năng thắng giải của các tác giả nổi bật.
Bớt nam giới, bớt châu Âu?
Năm nay, theo báo Guardian, nữ tiểu thuyết gia người Nga Lyudmila Ulitskaya, nữ tiểu thuyết gia người vùng Guadeloupean thuộc Pháp Maryse Condé và tác giả cuốn tiểu thuyết đình đám đã được chuyển thể thành phim The Handmaid’s Tale (Chuyện người tùy nữ) - bà Margaret Atwood là những cái tên được dư luận đánh giá trội hơn cả trong số những gương mặt có thể mang về nhà giải Nobel văn chương.
Bà Maryse Condé, một trong các nữ nhà văn được kỳ vọng sẽ đoạt Nobel văn chương năm nay - Ảnh: RADIOFRANCE
Một phần nguyên nhân khiến tên tuổi các nữ nhà văn này nổi trội hơn có lẽ xuất phát từ cách suy diễn của dư luận với lời phát biểu của người đứng đầu ủy ban giải thưởng Nobel văn chương, ông Anders Olsson.
Theo đó, trong bối cảnh giải thưởng Nobel muốn hồi phục tiếng tăm trở lại sau một năm bê bối, ông Anders Olsson tự tin rằng giải thưởng Nobel sẽ bớt xu hướng dành nhiều cho đàn ông hơn và cũng bớt tập trung vào các nước châu Âu hơn. Đây cũng là những thực tế từng bị chỉ trích nhiều trước đó.
Từ thực tế 2 người đoạt giải Nobel văn chương gần nhất là Kazuo Ishiguro và Bob Dylan, cả hai đều viết bằng tiếng Anh và chỉ có 14 trong số 114 chủ nhân Nobel văn chương tính đến nay là phụ nữ, ông Olsson thừa nhận hội đồng giám khảo trong tuần này "phải mở rộng tầm nhìn của chúng ta".
Bob Dylan đoạt giải Nobel văn chương năm 2016
"Chúng tôi đã có một tầm nhìn tập trung nhiều hơn về châu Âu với văn chương và nay chúng tôi sẽ nhìn ra khắp thế giới", ông Olsson nói.
"Trước đây nó (giải thưởng) cũng dành cho nam giới nhiều hơn. Hiện nay chúng ta có quá nhiều nhà văn nữ thực sự xuất sắc, vậy nên chúng tôi hi vọng giải thưởng và toàn bộ quá trình xét giải cũng đã được tăng cường và mở rộng hơn về quy mô".
Dù vậy, vẫn còn những cái tên khác được xếp vào nhóm "hạt giống" của mùa Nobel văn chương năm nay.
Trong đó có tiểu thuyết gia Hungary László Krasznahorkai, nhà thơ người Canada Anne Carson, nhà văn người Trung Quốc Can Xue, tiểu thuyết gia người Mỹ Joyce Carol Oates, cũng như các ứng cử viên quen thuộc của những mùa giải trước là nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami và nhà văn người Kenya - Ngugi wa Thiong’o.
Giới văn chương Stockholm cũng phỏng đoán về khả năng đoạt giải của nhà thơ, tiểu thuyết gia người Romania, ông Mircea Cartarescu và nhà văn kiêm nhà hoạt động người Ba Lan, bà Olga Tokarczuk.
Nhà văn Olga Tokarczuk
Giải thưởng sẽ bớt tranh cãi?
Giới quan sát nhận định, sau một năm xảy ra bê bối thực sự là cú sốc quá lớn với một đất nước luôn tự hào về sự minh bạch và dân chủ như Thụy Điển, giải thưởng các giải Nobel văn chương năm nay sẽ không thể gây quá nhiều tranh cãi.
Ông Svante Weyler, nguyên giám đốc một nhà xuất bản lớn tại Thụy Điển, cho rằng danh tiếng của Viện hàn lâm cũng như giải thưởng có thể khôi phục được, "nhưng chỉ thông qua các lựa chọn thông minh về người được trao giải".
Ông Svante Weyler cho rằng Viện hàn lâm sẽ nỗ lực vượt qua những vướng mắc tranh cãi và có thể chọn một tác giả được đánh giá cao trong giới văn chương.
Trong khi đó, bà Oliver Truc, người gần đây đã xuất bản cuốn sách về bê bối tại Viện hàn lâm Thụy Điển, nhắc lại chuyện nhạc sĩ, ca sĩ người Mỹ Bob Dylan từng được trao Nobel văn chương 2016 đã dẫn tới những tranh cãi trong dư luận ra sao về sự thẩm định của Viện hàn lâm.
Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami gần như luôn có mặt trong top dẫn đầu các nhà văn được kỳ vọng đoạt giải Nobel văn chương các năm, song tới nay ông vẫn chưa được trao giải - Ảnh: VULTURE
"Nếu có 2 giải thưởng được trao, một người trong đó chắc chắn là phụ nữ", nhà báo chuyên phụ trách mảng văn hóa của tạp chí Economist, bà Fiammetta Rocco, nói. Bà cũng cho rằng "họ chắc chắn sẽ thuộc hai châu lục khác nhau".
Nhà báo này cũng không nêu phán đoán của bà khi cho rằng trong số các nhà văn xứng đáng được tiếp cận với độc giả rộng lớn hơn nữa, bà đề nghị nhà văn Maryse Condé, một người bà gọi là "nữ hoàng của văn chương Caribê"; còn ở Đông Âu, bà nhắc tên hai tác giả Krasznahorkai và Tokarczuk.
Với việc trao 2 giải thưởng cùng lúc, Viện hàn lâm Thụy Điển hi vọng sự trở lại của Nobel văn chương sẽ được cộng đồng cầm bút toàn cầu đón nhận nồng nhiệt.
Viện hàn lâm Thụy Điển từng là nơi duy nhất toàn quyền quyết định việc ai được trao giải Nobel văn chương. Nhưng theo các yêu cầu sau đó của Quỹ Nobel, nơi quản lý số tiền thưởng, vì muốn có thêm sự giám sát từ bên ngoài, ủy ban thẩm định giải đã được thay đổi để có thêm 5 thành viên khác từ bên ngoài Viện hàn lâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận