30/03/2018 11:26 GMT+7

Hãy đến nơi đây, nghe tiếng vọng Hoàng Sa!

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Lịch sử của Hoàng Sa, của Gạc Ma sẽ không bao giờ bị lãng quên khi truyền kỳ bi tráng ấy được nối tiếp trong bước chân mỗi người dân tìm đến đây mỗi ngày.

Hãy đến nơi đây, nghe tiếng vọng Hoàng Sa! - Ảnh 1.

Đâu chừng hai mươi năm trước, một đồng nghiệp đàn anh sau chuyến công tác ra Trường Sa về kể cho tôi nghe câu chuyện nhỏ khiến lòng nhớ mãi: Khi vào Cam Ranh để lên tàu ra Trường Sa, anh ghé Nha Trang thăm ông thầy giáo cũ dạy địa lý ngày xưa.

Người thầy giáo già gọi ba đứa con ra chào anh và giới thiệu: "Đứa lớn kia tên là Quang Ảnh, cậu trai kia là Hữu Nhật, bé út là Duy Mộng".

Anh ngạc nhiên bởi nghe những cái tên rất ấn tượng. Chừng như đoán được ý nghĩ của anh, người thầy nói: "Anh thấy tên các cháu hơi lạ phải không? Đó là tên tôi đặt cho con theo những hòn đảo của quần đảo Hoàng Sa. Quang Ảnh, Duy Mộng, Hữu Nhật là tên của ba trong số mấy chục đảo ở Hoàng Sa, để nhắc mình mỗi ngày về mảnh đất quê hương đang còn trong tay quân xâm lược".

Bằng cách nào đó, những ai đau đáu câu chuyện chủ quyền Tổ quốc sẽ luôn có cách để nhắc nhớ mình vọng về nơi ấy: Hoàng Sa!

Và bây giờ, sau bao nhiêu năm, nỗi nhắc nhớ về Hoàng Sa yêu thương không chỉ là tên gọi đời người cho những đứa con như cách ông giáo già tưởng nhớ, không chỉ là những tư liệu lặng im trong những kho thư tịch cổ khắp thế giới.

Giờ đây, ở Đà Nẵng, trên con đường mang tên Hoàng Sa ôm lấy Biển Đông, một tòa nhà bề thế mang tên Nhà trưng bày Hoàng Sa vừa được khánh thành.

Hôm khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng nói rằng việc khánh thành công trình này chỉ mới là một nửa chặng đường, phần còn lại là làm sao cho thiết chế văn hóa lịch sử này hoạt động với hiệu quả cao nhất, phát huy tối đa công suất phục vụ, trở thành một khâu quan trọng trong toàn bộ cuộc đấu tranh ngoại giao, học thuật để đòi lại Hoàng Sa.

Muốn thế, trước hết Nhà trưng bày Hoàng Sa phải là một điểm đến không thể thiếu khi du khách đặt chân đến Đà Nẵng.

Cũng như khi đến Nha Trang không thể không ghé thăm khu chứng tích Gạc Ma ở Cam Lâm, nằm trên tuyến đường từ sân bay Cam Ranh về Nha Trang.

Lịch sử của Hoàng Sa, của Gạc Ma sẽ không bao giờ bị lãng quên khi truyền kỳ bi tráng ấy được nối tiếp trong bước chân mỗi người dân tìm đến mỗi ngày.

Hôm qua, chúng tôi lại đến với nhà trưng bày, đã thấy nhiều du khách tìm đến. Chánh văn phòng huyện đảo Hoàng Sa Lê Phú Nguyện nói với tôi rồi đây nhà trưng bày sẽ đa dạng hóa các hoạt động để thu hút du khách.

Đặc biệt, tôi ấn tượng khi Nguyện nói trước mắt sẽ làm những cột mốc chủ quyền theo hình dáng cột mốc Hoàng Sa bằng pha lê, bên trong cột mốc sẽ đựng một nhúm cát mang về từ Hoàng Sa để làm kỷ vật lưu niệm cho du khách.

Nhúm cát Hoàng Sa nâng niu trong cột mốc pha lê ấy, để luôn tin rằng "ngày mai gặp lại Hoàng Sa" sẽ đi từ tâm thức tới hành động. Và hành động đầu tiên là hãy đến đây, nghe Hoàng Sa âm vọng từ ngàn khơi những xương máu ông cha!

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên