28/03/2018 13:45 GMT+7

Nhà trưng bày Hoàng Sa: nằm trên đường Hoàng Sa, hướng về Biển Đông

HỮU KHÁ thực hiện
HỮU KHÁ thực hiện

TTO - Hôm nay 28-3, công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa (nằm trên đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) được khánh thành sau thời gian dài xây dựng và sưu tập tư liệu lịch sử.

Nhà trưng bày Hoàng Sa: nằm trên đường Hoàng Sa, hướng về Biển Đông - Ảnh 1.

Nhà trưng bày Hoàng Sa nằm trên đường Hoàng Sa (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) hôm nay khánh thành - Ảnh: HỮU KHÁ

Ông Võ Ngọc Đồng, chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, nói:

- Công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa là thiết chế văn hóa, lịch sử có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, như một dấu mốc chủ quyền để khẳng định, minh chứng một cách sinh động, trực quan về quá trình khai phá, xác lập, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa một cách thực sự, liên tục và hòa bình, phù hợp thực tiễn và luật pháp quốc tế.

Chủ quyền là vấn đề thiêng liêng của mỗi quốc gia, dân tộc, vì vậy không có lý do gì những người ngã xuống vì chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam lại không được nhắc đến, từ buổi đầu các dân phu, binh phu, thủy quân chúa Nguyễn, nhà Nguyễn cho đến nay đều được trưng bày, giới thiệu

Nơi giáo dục về biển đảo

* Thưa ông, công trình mang lại ý nghĩa gì trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền?

- Công tác giáo dục chủ quyền thời gian qua, nhất là ở nhà trường và tuổi trẻ, còn nhiều hạn chế thì sự ra đời Nhà trưng bày Hoàng Sa là một địa chỉ phổ biến, giáo dục kiến thức, nhận thức về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cho thế hệ trẻ được tốt hơn.

Đây là nơi để giới thiệu cho du khách, bạn bè quốc tế thấy rõ sự chiếm đóng trái phép, phi nghĩa và âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Năm 2014, UBND huyện Hoàng Sa đã đề xuất ý tưởng và được lãnh đạo Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Từ tiền đề quan trọng này, UBND huyện Hoàng Sa đã tổ chức cuộc thi rộng rãi để tìm kiếm phương án kiến trúc tốt nhất, đáp ứng tối đa các yêu cầu về tư tưởng, ý nghĩa công trình, thẩm mỹ, quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, công năng sử dụng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.

Chỉ sau 45 ngày đã có 43 đồ án kiến trúc của giới kiến trúc sư cả nước và Nhật Bản gửi về dự thi, với rất nhiều mô hình thiết kế sáng tạo và giàu ý nghĩa, thể hiện sự tâm huyết, am hiểu sâu sắc của giới thiết kế - kiến trúc đối với vấn đề chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

Hội đồng giám khảo thi tuyển phương án kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa đã tổ chức trưng bày các đồ án tại Bảo tàng Đà Nẵng và công khai trên trang thông tin điện tử của huyện Hoàng Sa để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Qua ba vòng chấm thi và tham khảo 3.976 lượt bầu chọn hợp lệ, hội đồng giám khảo và UBND huyện Hoàng Sa thống nhất đề cử lãnh đạo thành phố và được quyết định lựa chọn đồ án: Con dấu của vua Minh Mạng trong sắc chỉ thành lập Hải đội Hoàng Sa - dấu mốc khẳng định chủ quyền Việt Nam của nhóm tác giả Fuminori Minakami thuộc Công ty kiến trúc WRIGHT (Raito Seikei) đến từ Nhật Bản.

* Công trình này sẽ được tổ chức trưng bày như thế nào?

- Nhà trưng bày Hoàng Sa được thiết kế trên bốn tầng xây dựng, với năm chủ đề trưng bày cùng hơn 200 tư liệu, hiện vật, hình ảnh, được tổ chức trưng bày thông suốt, xâu chuỗi, phản ánh cả quá trình lịch sử chủ quyền theo chiều lịch đại, từ những ngày đầu khi các chúa Nguyễn khai phá, xác lập chủ quyền đến thời điểm hiện nay.

Trong đó, giai đoạn lịch sử từ năm 1954-1975 được thể hiện đầy đủ, rõ nét và khá phong phú về tư liệu chứng minh hoạt động quản lý của Nhà nước Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Nhà trưng bày Hoàng Sa: nằm trên đường Hoàng Sa, hướng về Biển Đông - Ảnh 3.

Nhà trưng bày giới thiệu đầy đủ các nhân chứng đã từng công tác, chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa - Ảnh: H.KHÁ

Nhớ về hải chiến Hoàng Sa

* Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 giữa Việt Nam và Trung Quốc có được nhắc đến trong nhà trưng bày này không, thưa ông?

- Chủ quyền là vấn đề thiêng liêng của mỗi quốc gia, dân tộc, vì vậy không có lý do gì những người ngã xuống vì chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam lại không được nhắc đến, từ buổi đầu các dân phu, binh phu, thủy quân chúa Nguyễn, nhà Nguyễn đến nay đều được trưng bày, giới thiệu.

Trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-1-1974 được chúng tôi bố trí riêng một không gian trưng bày để phản ánh trung thực sự thật lịch sử, để tố cáo sự xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc, đó cũng là cách giáo dục để thế hệ trẻ nhận thức rõ lịch sử và thấy được trách nhiệm trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ông Võ Ngọc Đồng - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa

* Ông kỳ vọng gì và sẽ làm gì để Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ trở thành một điểm đến trong tương lai với du khách và người dân?

- Không chỉ tôi mà lãnh đạo thành phố và rất nhiều người kỳ vọng với công trình này. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để Nhà trưng bày Hoàng Sa đáp ứng được sự kỳ vọng đó.

Nhưng thực sự để có được công trình này không phải chỉ ở nỗ lực của chúng tôi, mà còn là sự đóng góp đầy tâm huyết, trách nhiệm của nhiều người, nhiều thế hệ, nhất là sự đóng góp về tư liệu, hiện vật suốt những năm qua.

Vì vậy nhân đây tôi cũng mong muốn mọi người Việt Nam và bạn bè khắp nơi hãy tiếp tục ủng hộ, đóng góp nhiều hơn nữa để kho tư liệu chủ quyền của chúng ta nhiều hơn, làm sinh động, đóng góp lớn hơn vào công cuộc tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.

* Để có được tư liệu lịch sử trưng bày hôm nay, chúng ta phải ghi nhận công sức rất lớn của những người lặng lẽ đi tìm kiếm và hiến tặng?

- Có một hành trình âm thầm tìm tòi, nghiên cứu về tư liệu Hoàng Sa của nhiều thế hệ. Sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, huyện Hoàng Sa được giao cho thành phố Đà Nẵng quản lý và giám đốc Sở Nội vụ làm chủ tịch huyện Hoàng Sa.

Từ những năm tháng này, chủ tịch huyện Hoàng Sa và một số công chức Sở Nội vụ bắt đầu một hành trình lặng lẽ đi tìm kiếm, sưu tầm, tập hợp, hệ thống hóa tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Lúc bấy giờ thông tin về tư liệu rất hiếm hoi, tản mác và còn nhiều khó khăn khác. Mặc dù công việc kiêm nhiệm nhưng họ đã dành cả trách nhiệm và tình cảm của mình một cách âm thầm để gầy dựng bước đầu cho kho tư liệu chủ quyền tại UBND huyện Hoàng Sa.

Có những con người lặng lẽ nhưng lớn lao như cụ Phạm Thị Phán ở Hải Dương, dù đã trên 80 tuổi nhưng cụ đã may lá cờ Tổ quốc 100m gửi tặng huyện Hoàng Sa để bày tỏ tình cảm của mình.

Hoặc những người xa xứ nhưng luôn hướng về đất mẹ như anh Trần Thắng ở Mỹ gửi tặng hơn 150 tư liệu bản đồ chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam.

Hay các vị nhân chứng và thân nhân gia đình những người đã ngã xuống vì Hoàng Sa đã trao tặng lại những di vật quý báu của gia đình để đóng góp vào công cuộc đấu tranh này...

Chính họ đã góp phần làm dày hơn, đầy hơn kho tư liệu chủ quyền của chúng ta. Đó là gì nếu không phải tình yêu Tổ quốc, không phải sức mạnh chủ quyền trong lòng dân?

Nằm trên đường Hoàng Sa, hướng về Biển Đông

Ông Bùi Văn Tiếng, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, nói: "Vấn đề là sau khi khai trương, nhà trưng bày phải trở thành một địa chỉ tham quan mới cho du khách, khi đến Đà Nẵng nhất định phải đến nơi này.

Và thông qua con đường du lịch, du khách trong và ngoài nước sẽ biết rõ hơn về Hoàng Sa là của Việt Nam. Nhà trưng bày nằm trên đường Hoàng Sa, mặt hướng về Biển Đông cũng mang ý nghĩa đó.

Có lẽ ngày Nhà trưng bày Hoàng Sa mở cửa không chỉ là ước mong của người dân Đà Nẵng mà còn là tâm nguyện của người dân Việt trong và ngoài nước.

Đây sẽ là nơi để mọi người nhận thức và dành tình cảm cho biển đảo. Thông qua sách, báo, lịch sử địa phương, địa lý, chính trị thì nhà trưng bày là một kênh đặc biệt và đầy sống động đưa người ta đến gần với Hoàng Sa".

HỮU KHÁ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên