Tàu ngư dân Bình Châu tiến ra Hoàng Sa sau ngày hội mở biển - Ảnh: TRẦN MAI
Hơn một năm trước, thuyền trưởng Võ Văn Lựu (52 tuổi, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bỏ lại chiếc tàu cá QNg 90479 dưới đáy biển Hoàng Sa sau cú đâm của tàu Trung Quốc. Giờ đây, ông đã đóng lại một chiếc tàu mới tiếp tục trở lại Hoàng Sa.
Trong ngày hội mở biển của xã có đội tàu đi biển Hoàng Sa nhiều nhất nước hôm mùng 7 tháng giêng (22-2), ông Lựu cùng nhiều ngư dân khác hô lớn "Quyết tâm, quyết tâm, quyết tâm" như một lời khẳng định dù có khó khăn đến mức nào cũng không bao giờ từ bỏ quần đảo máu thịt của Tổ quốc.
"Chơi" như U-23
* Lại mở biển rồi, ông dự tính gì không?
Có chứ, tôi đi biển Hoàng Sa từ năm 16 tuổi, ở Hoàng Sa nhiều hơn ở nhà nên dự tính cũng quanh quẩn ở Hoàng Sa thôi.
Đã đánh bắt bao nhiêu phiên, khi bị truy đuổi thì biết làm gì, mùa nào thì ghé đảo nào trong rất nhiều đảo để đánh bắt hiệu quả... Quen rồi. Đã là đời ngư dân mà chọn ngư trường Hoàng Sa thì cứ ra đó là ra hết mấy cái dự tính trong đầu.
* Ông mấy lần bị nạn mà khẩu khí vẫn hùng dũng quá. Hình như ông chẳng ngại tàu Trung Quốc đâm va?
Nói thiệt, cái đó không phải là khẩu khí hình thức, mà đó là chất của dân biển bọn tôi. Ở đây không nói suông, bọn tôi tụ hội lại để tăng tinh thần đoàn kết, ra đó giúp nhau khi gặp nạn. Còn với riêng tôi thì nói thiệt: trừ khi bán hết nhà không còn gì nữa, hoặc tuổi tác không cho phép thì mới ở nhà nghỉ thôi chứ còn khỏe là còn đi.
Tôi không ngại khó khăn gì ở ngoài Hoàng Sa, kể cả tàu Trung Quốc truy đuổi. Phiên nào cũng gặp tàu Trung Quốc truy đuổi nhưng mình làm đúng thì không sợ.
Nước mình tuyên bố chủ quyền thì chẳng có lý do gì lại không ra Hoàng Sa đánh bắt.
Thuyền trưởng Võ Văn Lựu
* Nhưng tàu mình nhỏ quá, cũng phải đắn đo chứ?
Tàu nhỏ nhưng ý chí mình lớn, bây giờ tôi có tàu tới 750CV thì không còn nhỏ nữa. Ngày xưa cha tôi đi cái ghe 30CV mà cũng ra đó lặn bắt cá đó thôi. Mà tàu nhỏ hay to không quan trọng bằng kinh nghiệm và "độ lì".
Tôi thấy báo đài đăng tin Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển thì nhiệm vụ của ngư dân là ra biển. "Chơi" như U-23 đó, nhỏ con mà đoàn kết, quyết tâm là đá hay. Đừng thấy khó mà nản lòng.
* Điều gì khiến ông vui nhất trong ngày hội mở biển lần này?
Mừng nhất là anh em một lòng, chưa khi nào gặp nạn mà bỏ nhau. Xã bây giờ có một lứa ngư dân trẻ đôi mươi lặn như rái.
Tụi nhỏ xung phong xuất quân đợt đầu tiên hơn 20 tàu, đám già này thì qua rằm tháng giêng sẽ có nhiều đợt ra khơi nối nhau. Đến khi đợt đầu tiên trở về là đợt cuối ra Hoàng Sa, xoay vòng vậy. Không chỉ ở đây mà nhiều tàu cá ngoài Lý Sơn cũng mới điện thoại hỏi thăm và hẹn nhau gặp ngoài đó. Khí thế lắm!
Ngư dân Võ Văn Lựu - Ảnh: TRẦN MAI
Sướng nhất là được ngủ giữa Hoàng Sa
* Gần như lòng người dân ở đây luôn hướng về chủ quyền Hoàng Sa?
Điều đó là chắc chắn, bao nhiêu thế hệ rồi chứ không phải bây giờ.
Ngư dân đi biển ngoài chén cơm còn là chủ quyền Tổ quốc. Cha ông ra đó từ mấy trăm năm trước cắm mốc chủ quyền, giờ có ngư trường rộng lớn như vầy để mình đánh bắt. Đời nối đời thôi, giờ mình phải giữ cho con cháu mình.
Ở xã Bình Châu chẳng có tàu nào không bị rượt đuổi hoặc đâm va rồi bị chìm ngoài biển. Bao nhiêu mạng người dân trong xã nằm lại ở biển Hoàng Sa mãi không tìm thấy xác. Ngư dân ít khi nào nói đến hai từ chủ quyền, nhưng biển rộng lớn như vậy, vì cái gì mà cứ ra biển là chọn Hoàng Sa đánh bắt nếu trong lòng không nghĩ đó là vùng đất trời của Việt Nam ta.
* Ai cũng nói ngư dân khổ, vậy vui nhất, sướng nhất là gì?
Ngư dân khổ thiệt. Nhưng cũng có cái sướng là được đi ngủ giữa Hoàng Sa. Điều đó chẳng mấy người có được.
Lâu lâu lại có người đến hỏi chuyện Hoàng Sa, tui kêu cả làng xúm lại kể. Tất cả cũng vì muốn câu chuyện đi xa hơn, cả Việt Nam này cùng chung lòng lại giữ Hoàng Sa, còn quốc tế thì biết ngư dân Việt Nam luôn có mặt ở vùng biển của nước mình.
Ngư dân đi biển ngoài chén cơm còn là chủ quyền Tổ quốc.
Thuyền trưởng Võ Văn Lựu
* Ông nghĩ gì khi mọi người coi ngư dân mình là cột mốc sống?
Chính xác là vậy, chủ quyền ngoài xác định bằng tọa độ, vị trí bằng cột mốc thì còn phải có người dân sinh sống, làm việc ở đó. Ở Hoàng Sa mỗi tàu cá là một mái nhà, có cả chục người sinh sống, làm việc trên đó.
Có lần Bộ NN&PTNT về nói chuyện với ngư dân ở xã, tôi cũng nói dân mình có sinh sống làm việc ngoài Hoàng Sa. Không có sự ngang ngược nào đẩy lùi được ngư dân mình ra khỏi quần đảo Hoàng Sa.
* Ông mong chờ gì trong năm mới này?
Mong chờ nhất lại không đến từ biển. Tôi tin EU sẽ thu hồi "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam. Cũng do một vài ngư dân đã vì lợi nhuận mà xâm nhập lãnh hải của nước khác.
Trong phiên biển đầu năm chúng tôi đã quán triệt với nhau tuyệt đối không để xảy ra tình trạng này nữa. Tôi mong chờ có những chế tài xử lý mạnh từ Nhà nước để con cá, con tôm chúng tôi bắt ở Hoàng Sa về có giá cao nhất.
Lão ngư Võ Bông (87 tuổi, cha của ông Võ Văn Lựu): Lòng vững, biển yên
Lão ngư Võ Bông
Con cháu trong xã khi ra khơi phải vững lòng và kiên định rằng đó là vùng biển của Việt Nam thì biển sẽ yên. Cái yên ở đây là lòng người không hoảng sợ trước ngang ngược nào.
Tôi rất vui khi sáu đứa con và chín đứa cháu trai trong nhà đều chọn Hoàng Sa làm nơi đánh bắt. Chúng vững dạ khiến người già cũng an lòng theo.
Tôi nghĩ bọn trẻ sẽ thấy rất có lỗi nếu không ra ngư trường Hoàng Sa. Làm gì thì làm vẫn phải có mặt ở Hoàng Sa, đó là hương ước, lệ làng mà bất kỳ con cháu Bình Châu nào cũng phải nhớ lấy.
Ngư dân Nguyễn Văn Phương (thuyền trưởng tàu cá QNg 95705): Móng nhà ở Bình Châu, mái nhà ở Hoàng Sa
Ngư dân Nguyễn Văn Phương
Ngư dân Bình Châu ra Hoàng Sa đánh bắt luôn xem móng nhà trên đất liền, còn mái nhà ở Hoàng Sa. Móng nhà là hậu phương, luôn tiếp động lực cho chúng tôi ra khơi.
Trong phiên biển đầu năm này, chúng tôi nhận được rất nhiều lời chúc và cầu may mắn từ lãnh đạo tỉnh đến huyện xã, các bô lão và người thân trong nhà. Đó là phần móng.
Phần mái là ngư dân sẽ ra Hoàng Sa đánh bắt, thu về nhiều sản vật góp phần phát triển kinh tế gia đình mình và giữ vững biển trời Tổ quốc.
Để có được điều đó, ngoài sắm ngư lưới cụ tốt, còn phải học hỏi kinh nghiệm của cô chú lớn tuổi.
Ngư dân Nguyễn Lê Hiền Anh (24 tuổi): Chưa khi nào tôi sợ hãi
Ngư dân Nguyễn Lê Hiền Anh
Tôi từng đi biển bị tàu Trung Quốc truy đuổi, áp sát, lên tàu tấn công khiến tôi và anh rể bị thương phải chuyển về đất liền cấp cứu.
Nhưng hai năm qua tôi vẫn đi Hoàng Sa.Tôi chưa khi nào sợ hãi sau lần đó, mà có bị thêm vài lần nữa vẫn cứ đi thôi, có gì phải sợ.
Ở đất này chẳng thấy ai lo sợ mà chuyển đổi ngư trường, đổi nghề đánh bắt cá. Cứ bám đảo, neo tàu ở Hoàng Sa mà đánh bắt.
Ngư dân Nguyễn Chí Thạnh (Lý Sơn, thuyền trưởng tàu QNg 96093): Mở biển, mở lòng ngư dân về phía biển
Ngư dân Nguyễn Chí Thạnh
Đến nay tôi đã mất 3 chiếc tàu ở Hoàng Sa, nhưng về đất liền nhận được sự hỗ trợ, tiếp tục đóng tàu mới vươn khơi bám biển.
Với tôi, phiên mở biển còn mở cả lòng ngư dân về hướng biển. Đó là tinh thần tương trợ của những người ở đất liền.
Chúng tôi cần sự đoàn kết cùng ra khơi của tất cả dân Việt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận