Đạo diễn VIỆT TÚ trò chuyện với Tuổi Trẻ về một hệ sinh thái hậu concert "anh trai", để công nghiệp biểu diễn Việt Nam có thể đi vững, đi xa.
Những tiêu chuẩn độc lập
* Anh từng nói Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai là "ngọn cờ đầu" của công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam?
- Trước đó chưa có concert nào ở Việt Nam tạo ảnh hưởng tương tự trong thời gian dài như vậy (nửa năm 2024 và dự kiến tiếp sang tận 2025). Dấu ấn của họ tác động đến nhiều mặt đời sống, tạo ra các chỉ số ấn tượng về kinh tế.
Quan trọng nhất, họ khẳng định rằng đầu tư vào nghệ thuật cũng tạo được những con số tài chính ấn tượng, tình cảm sâu sắc về thương hiệu mà chưa chắc đầu tư thuần kinh tế có được.
* Khi nhìn các sự kiện này ở độ lùi, suy nghĩ của anh thế nào? Chúng ta thực sự đã có những concert tiệm cận quốc tế chưa?
- Lạc quan thì chắc chắn rồi. Bất kỳ việc gì cũng cần người mở đường và Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai đang ở vị trí như vậy. Nhưng nói thẳng thì tôi cho rằng là chưa.
Nền công nghiệp này có những tiêu chuẩn rõ ràng độc lập với sự phấn khích của khán giả.
Từ những thứ nhỏ nhất như hạ tầng (ngoài sân vận động quốc gia Mỹ Đình vốn cũng chưa đạt chuẩn thì chúng ta còn chưa có nổi các không gian tổ chức sự kiện với hạ tầng cơ bản), tiêu chuẩn thiết bị cho đến các điều kiện hậu cần đi kèm, chất lượng nhân sự ngành và quan trọng hơn cả là quy mô thị trường và nền công nghiệp phụ trợ.
Một sự kiện đẳng cấp quốc tế không chỉ là những gì đang diễn ra trên sân khấu mà nó nằm ngầm ở phía dưới và phía sau mỗi sự kiện, từ hành trình trải nghiệm của khán giả, nghệ sĩ cho đến hệ thống vận hành.
Phần lớn khán giả của chúng ta thiệt thòi vì ít được trải nghiệm những sự kiện đúng chuẩn. Ngay cả concert của BlackPink năm ngoái hay sự kiện có nghệ sĩ quốc tế diễn ra ở Việt Nam cũng không thể gọi là đúng chuẩn.
Cụm từ "tiêu chuẩn quốc tế" còn khá mơ hồ. Đây là lý do đến giờ này Việt Nam chưa có trong danh sách của các tour diễn lớn trên thế giới.
Đạo diễn VIỆT TÚ
* Vậy thắng lợi của hai concert "anh trai" là biểu hiện của thành công đơn lẻ/thời điểm hay là kết quả của một quá trình công nghiệp biểu diễn của Việt Nam vận động dần từng bước suốt nhiều năm qua?
- Cả hai. Nói thành công đơn lẻ vì ngoài hai chương trình này cũng chưa có chương trình nào đạt tới thành công và quy mô tương tự. Nhưng không có quá trình vận động thì cũng không thể có kết quả này.
Có một đối tác trong lĩnh vực giải trí hàng đầu Thái Lan nhất trí với tôi rằng, nếu một nền công nghiệp giải trí chỉ sống vào "bầu sữa" của nhà tài trợ thay vì đứng được độc lập bằng tiền bán vé, hệ sinh thái và nền kinh tế chia sẻ đi kèm thì chưa thể là nền công nghiệp.
Vì vậy dù các con số thống kê về lợi nhuận trên mạng mấy ngày gần đây dường như là kết quả của những hào hứng nhất thời thì thực tế cần nhận thấy rằng ít nhiều nó là thật. Nó rõ ràng có giá trị sinh lời lớn về mặt tài chính.
Có điều những thành công này có được nhân rộng đủ để tạo thành một thị trường mới, duy trì các chỉ số lạc quan để biến thành một nền công nghiệp thực sự thì chưa dự báo được.
Chúng ta đang đi đúng hướng, chúng ta có thể làm được; còn muốn đạt được đẳng cấp quốc tế thực sự thì ngoài ước mơ cần có sự nỗ lực và cả sự tỉnh táo của dân chuyên nghiệp.
Sự tiên phong nào cũng có những hạn chế
* Lúc anh mới vào nghề, nghệ thuật biểu diễn của nước ta thế nào? Nhạc sĩ Huy Tuấn dùng chữ "mông muội" (nghe nhạc "chùa", xài đĩa lậu...), còn anh? Sau vài chục năm, nó đã thay đổi như thế nào?
- Chúng ta trải qua một thời gian dài phát triển "ngược". Thay vì sống bằng tiền bán vé và hệ sinh thái liên quan thì lại hoàn toàn sống vào "bầu sữa" tài trợ. Có những sự kiện tên nhà tài trợ kín backdrop nhưng vẫn lỗ và không đủ kinh phí để đạt chất lượng cần thiết.
Thị trường phát triển ngược đến tận bây giờ. Phần lớn các nghệ sĩ sống bằng tiền biểu diễn ở các sự kiện chứ không phải tiền đi tour, tiền bản quyền tác giả.
Điểm lạc quan duy nhất là hiện đã có những nghệ sĩ sống khỏe nhờ quảng cáo và các yếu tố thương mại khác.
Để bây giờ chúng ta mới có những tín hiệu lạc quan qua hai chương trình mà cả xã hội đang phải nhắc tới này.
* Nhưng thành công của Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai cũng hé lộ những điểm yếu nào nếu Việt Nam muốn đẩy mạnh ngành công nghiệp này?
- Bất kỳ sự tiên phong nào cũng có những hạn chế. Chúng ta đang thiếu nguồn lực lớn nhất là về con người được đào tạo cơ bản với những trải nghiệm thực tế để nâng cao chất lượng nhân sự.
Đa phần vẫn dừng ở việc mày mò tự học (thời điểm đầu tôi cũng vậy, cho đến khi tôi nhận ra tầm quan trọng và đi học tại Mỹ về art bussiness).
Để hình thành một nền công nghiệp đúng nghĩa, chúng ta sẽ rất cần đầu tư đào tạo bài bản, trải nghiệm thực tế và trực tiếp có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu của nền công nghiệp văn hóa quốc tế, cả nhân lực của mọi nền công nghiệp phụ trợ khác.
* Vậy theo anh, "chông gai" lớn nhất hiện nay của ngành công nghiệp biểu diễn/văn hóa là gì?
- Đó là sự phụ thuộc tuyệt đối vào tài trợ, thay vì tự thân tạo ra một nền kinh tế chia sẻ có khả năng sinh lời. Cơ chế kiểm duyệt như Thủ tướng bắt mạch "không quản được thì cấm", hoặc "không hiểu, không phải thứ an toàn, cảm tính cá nhân khi kiểm duyệt nhưng lại không chịu trách nhiệm cho kết quả đầu ra sản phẩm".
Việc tăng thuế vào các lĩnh vực nghệ thuật sẽ chỉ có tác dụng triệt tiêu và làm chậm tốc độ phát triển của nền công nghiệp mà vốn chúng ta đang rất muốn tăng tốc này.
"Những chỉ đạo của Thủ tướng rất mang tính thời cuộc"
* Câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng "phải nhân rộng những concert như Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai" đang rất viral. Ông cũng nhấn mạnh thành công này đến từ những con người Việt Nam. Anh đánh giá ra sao về nguồn lực nội sinh này?
- Đây là sự khích lệ lớn khi những sự kiện văn hóa thuộc khối tư nhân được ghi nhận như vậy. Nó cho thấy sự thay đổi căn bản về cách tiếp cận của Chính phủ với việc hiện thực hóa công nghiệp văn hóa.
Yếu tố nội sinh (văn hóa bản địa, các tài năng bản địa, sức mạnh nội tại của nền công nghiệp bản địa) cần được hiểu rộng bao gồm những người Việt đang có cơ hội học tập, nghiên cứu ở quốc tế. Tận dụng và thu hút được nguồn lực này, chúng ta sẽ rút ngắn được đáng kể con đường đến thành công.
Những chỉ đạo của Thủ tướng rất mang tính thời cuộc, một nền kinh tế "xin cho" sẽ chỉ làm tụt hậu mọi sự phát triển, bên cạnh đó từ trước đến nay không chỉ tư duy "không quản được thì cấm" mà còn tư duy "cái gì mới - tôi không hiểu là không hay, là nhố nhăng" cũng đang làm chúng ta mất đi rất nhiều cơ hội.
Singapore đã cầu thị sang tận nơi mời ê kíp Taylor Swift diễn độc quyền ở nước họ trong tour khu vực, hay Chính phủ Thái Lan đã theo đuổi hàng năm để nhận được cái gật đầu của nhà sản xuất TomorrowLand để kích cầu du lịch cho mình.
Ngoài chỉ đạo của Thủ tướng ở tầm vĩ mô, dưới góc nhìn của mình, tôi cho rằng thời điểm này có ba việc cần làm ngay. Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức rằng làm công nghiệp văn hóa chỉ là việc của ngành văn hóa. Bởi cần sự chung tay và phân rõ trách nhiệm phối hợp, nếu bỏ mặc văn hóa đơn thương độc mã sẽ không bao giờ có công nghiệp văn hóa.
Hai là đào tạo nguồn lực. Hãy để các khối tư nhân chung tay làm việc này. Nếu Chính phủ đầu tư, tài trợ cần có KPI rõ ràng, sử dụng ngân sách phải có chỉ số đo đếm, đánh giá tính hiệu quả mới không lãng phí.
Ba là cần cơ chế cho những nhà sản xuất tiên phong như Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai, để những chương trình này không chỉ là hiện tượng nhất thời!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận