Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2025 ngày 18-12 nhắc nhiều đến thành công của hai concert trên với niềm hy vọng tràn trề một nền công nghiệp văn hóa lớn mạnh nay mai.
Thủ tướng bày tỏ ngành văn hóa cần nhân rộng thêm những thành công như vậy nhưng ông cũng nhắc tới những điểm nghẽn trong hợp tác công tư cản trở sự phát triển công nghiệp văn hóa cần tháo gỡ.
Đẩy mạnh hợp tác công tư...
Dù hào hứng với những thành công của công nghiệp biểu diễn năm qua, đặc biệt hai concert "toàn trí tuệ, con người Việt Nam" Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ muốn phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí cần huy động được sức mạnh của người dân, doanh nghiệp bằng cơ chế chính sách ưu đãi hấp dẫn.
Thủ tướng chỉ đạo cần huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công tư, lấy nguồn vốn nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp.
"Chúng ta đã có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, nhưng nếu chỉ trông chờ nguồn lực Nhà nước thì rất khó phát triển.
Ngành văn hóa cần tích cực suy nghĩ, đề xuất chính sách để phát huy các hình thức hợp tác công tư mà dư địa hiện còn rất lớn...", Thủ tướng nói.
Chia sẻ nỗi băn khoăn khi đi thăm mô hình khai thác của sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội và sân vận động Cẩm Phả ở Quảng Ninh, Thủ tướng cho rằng cần phải sửa Luật Hợp tác công tư. Theo ông, từ khi ra đời tới nay luật này làm được quá ít.
"Tôi đã đến sân vận động Mỹ Đình, thấy có thể áp dụng hợp tác công tư rất tốt nhưng vì Luật Tài sản công nên không dám đầu tư gì, cứ èo uột. Trong khi sân vận động Cẩm Phả hợp tác công tư, hoạt động sôi động như chảo lửa, sạch sẽ.
Công viên Móng Cái trước đây bẩn thỉu, tham nhũng xảy ra. Khi giao cho tư nhân đầu tư 200 tỉ đồng, đưa vào khai thác rất tốt. Với hợp tác công tư thì đất đai, tài sản còn nguyên đó mà tài nguyên lại được khai thác tốt...", Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở.
...và ưu đãi thuế
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, góp ý để công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên mới phát triển hơn trước, cần khơi thông nguồn lực thông qua hợp tác công tư, thúc đẩy đầu tư, tài trợ cho văn hóa.
Ngoài ra chính sách giảm thuế trong lĩnh vực văn hóa cũng rất cần thiết, qua đó tạo ra những giá trị văn hóa vô hình lẫn hữu hình cho đất nước.
Bà ví dụ việc hàng chục nghìn khán giả đi concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên mang lại nhiều giá trị vô hình khác cho đất nước, không chỉ là kinh tế.
"Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp các bộ, ban ngành liên quan trình Chính phủ ban hành nghị định ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về tiền thuê đất cho những doanh nghiệp văn hóa", bà Phương nói.
Theo bà, những ưu đãi về Luật Đầu tư, tài trợ, hiến tặng, tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư và các nguồn lực đa dạng từ xã hội cho văn hóa cũng là điều cần.
Là địa phương có ngành công nghiệp văn hóa phát triển sôi động nhất hiện nay, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy nêu những giải pháp phát triển TP thành trung tâm công nghiệp văn hóa.
Bà cho biết TP.HCM đang nghiên cứu cụ thể hóa nghị quyết 98 về "cơ chế đặc thù" nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa.
TP cũng sẽ đề xuất các chính sách để doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào hoạt động sáng tạo văn hóa, các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Ngoài ra TP.HCM còn triển khai các chính sách để thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt các quy định về quyền sở hữu trí tuệ; tái sử dụng di sản công nghiệp để phát triển không gian sáng tạo.
Chú ý thành lập các vườn ươm khởi nghiệp chuyên sâu; xây dựng mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư để hỗ trợ tài chính và mở rộng thị trường...
TP.HCM có hơn 17.000 doanh nghiệp văn hóa
Bà Trần Thị Diệu Thúy cho biết hiện số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa có khoảng 17.670 doanh nghiệp, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn TP.
Đóng góp của sản xuất các ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP ngày càng tăng, GRDP năm 2010 chiếm tỉ lệ 3,77%, năm 2024 đạt trên 5%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận