Ngày 29 và 30-7 năm ngoái, concert Born Pink của BlackPink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình rúng động khi thu hút tới 67.443 khán giả (theo thống kê của Touring Data). Những tưởng đó là một giấc mơ ngoài tầm với của ngành công nghiệp biểu diễn trong nước.
Thế nhưng hai concert "made in Vietnam" Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi đã chứng minh: ta không cần mơ xa nữa.
Không phải tự nhiên mà hình thành cả chuỗi concert đi đến đâu nóng đến đó. Sau concert 2 ở Hưng Yên vào tối 14-12, Anh trai vượt ngàn chông gai vừa công bố concert 3 ở TP.HCM vào tháng 3 năm sau.
Sau bốn concert quá hoành tráng, Anh trai say hi cũng hé lộ concert 5 - Never say goodbye. See you soon (Không bao giờ nói tạm biệt. Hẹn gặp lại sớm).
Concert Việt Nam hoành tráng hơn quốc tế
Đó là chia sẻ của chị Chu Thị Thu Phương (sinh năm 1979, ở Long Biên, Hà Nội) khi đi "đu" các Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên. Sự kiện thu hút khoảng 30.000 khán giả.
Từng cùng các con bay sang Thái Lan "đu" idol K-pop, đi cả hai concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại TP.HCM (19-10) lẫn Hưng Yên, chị Phương nói: "Concert ở Việt Nam mình bây giờ không kém gì quốc tế, thậm chí hoành tráng và chuyên nghiệp hơn".
Theo thông tin từ nhà sản xuất, diện tích sử dụng tổ chức concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên rộng hơn 5,5ha. Trong đó, sân khấu biểu diễn có chiều ngang lên đến 70m, chiều dài lên đến 70m khi sân khấu di động trượt lên phía trước.
Các thiết bị được đầu tư hiện đại nhất tại Việt Nam và quốc tế. 8 màn hình Led tăng hơn 1,8 lần so với concert diễn ra tại TP.HCM ngày 19-10. Dàn âm thanh chất lượng bậc nhất hiện nay, đây cũng là dàn âm thanh được sử dụng trong các concert hàng đầu trên thế giới.
Trước đó chỉ một tuần, Anh trai say hi cũng tiến công ra Bắc và có hai đêm rực lửa ở Mỹ Đình vào tối 7 và 9-12, với "lượng khán giả kỷ lục tại Việt Nam" (theo lời MC Trấn Thành).
Sân khấu concert Anh trai say hi Hà Nội có chiều cao khoảng 32m với tổng diện tích Led lên tới 1.200m2, màn hình chính ở giữa là một khối Led đồng bộ transparent Led (còn gọi là Led lưới) với diện tích gần 600m2.
Concert có dàn đèn khủng nhằm tạo nên những hiệu ứng ánh sáng đẹp mắt, đồng thời tăng cường sự hoành tráng cho các màn trình diễn. Hệ thống âm thanh của concert Anh trai say hi ở Hà Nội lớn gấp ba lần so với concert ở TP.HCM, trong đó sử dụng dàn loa L-Acoustics nổi tiếng bao gồm K1, K2 và Kara II.
Cả Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi đều quy tụ dàn anh tài cùng những khách mời có độ nhận diện cao, diễn ra liên tục 4-5 tiếng; hàng chục ngàn khán giả "quẩy" nhiệt tình, kêu tên idol và thuộc bài hát làu làu.
Poster, banner, lightstick cổ vũ, điện thoại phát livestream/chụp hình/quay phim liên tục khiến khán đài biển người đầy sắc màu.
Những concert thu hút hàng chục ngàn khán giả dẫu vẫn còn những nghi vấn về số liệu nhưng sức nóng, sự bao phủ, độ hấp dẫn của Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai là không phải bàn cãi.
Bất ngờ trong một thị trường... vừa chín
Nhạc sĩ Huy Tuấn nói với Tuổi Trẻ, Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai "thật sự là một bất ngờ lớn nhất với những người đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp biểu diễn và âm nhạc trong năm nay.
Những nhà sản xuất hai chương trình tỏ ra rất nhanh nhạy, du nhập những công nghệ, sản phẩm tiên tiến và uy tín hàng đầu trên thế giới (về âm thanh, màn hình, ánh sáng...) để áp dụng khi tổ chức concert trong nước. Thành công cho thấy họ đang đi đúng hướng".
Phấn khởi nhất là khán giả đã sẵn sàng bỏ tiền mua vé thưởng thức âm nhạc. Theo Huy Tuấn, nếu trước đây khán giả chỉ quen xài nhạc "chùa", mua đĩa lậu thì đây là bước tiến quan trọng nhất trong việc Việt Nam có thể hình thành thị trường concert Việt Nam mang tính bền vững hay không.
"Các hiện tượng âm nhạc lúc nào cũng có. Nó có thể nóng rồi nguội đi theo quy luật, nhưng ý thức chi trả cho tiêu dùng văn hóa, chất xám của nghệ sĩ là điều cần thời gian và quá trình để hình thành. Thị trường Việt Nam đang có một lớp công chúng đầy hứa hẹn và tương lai", Huy Tuấn đánh giá.
Biển người tại concert Anh trai vượt ngàn chông gai ở Hưng Yên - Ảnh: NAM TRẦN
Trước đó, trả lời Tuổi Trẻ, bà Ngô Thị Vân Hạnh - tổng giám đốc Yeah1, đơn vị sản xuất Anh trai vượt ngàn chông gai - cho rằng với thị trường giải trí hiện nay, sự thành công của các show quốc tế cùng những concert nội địa do người Việt thực hiện cho thấy sự cởi mở và đón nhận cái mới rất cao của đa số khán giả Việt.
"Cho thấy khán giả ngày nay rất yêu văn hóa Việt, cách yêu rất khác với thế hệ trước. Họ yêu và họ biết tiếp nhận những tinh hoa quốc tế để dung hòa vào văn hóa dân tộc. Hiểu được điều này, các nhà sản xuất sẽ có những định hướng mới để sản xuất ra những sản phẩm hay và phù hợp với thời cuộc hơn", bà Hạnh nói.
Còn đại diện DatVietVAC, đơn vị sản xuất Anh trai say hi, cho rằng thành công của những concert lớn thời gian qua "không đến ngẫu nhiên mà hội tụ nhiều yếu tố, điều kiện cần và đủ để tạo nên một sản phẩm văn hóa giải trí, trả lời đúng với những gì mà khán giả hằng mong đợi từ rất lâu.
Anh trai say hi là một format thuần Việt, lấy nền tảng văn hóa bản địa, kết hợp với các xu thế đương thời để có thể tạo ra chương trình văn hóa giải trí có tính toàn cầu.
Anh trai say hi ra đời để hướng tới khán giả đa tầng, yêu thích những xu hướng thật sự sáng tạo và khác biệt, mang đến lớp nghệ sĩ trẻ toàn năng và 100% âm nhạc mới sáng tác".
Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai là hai "tâm chấn" trong năm nay với giới giải trí. Song theo nhạc sĩ Huy Tuấn, ở ta hay có tình trạng "phát triển nóng".
"Tới giờ có phải là bước ngoặt với sự phát triển của ngành công nghiệp biểu diễn, công nghiệp văn hóa hay không thì vẫn cần một đánh giá tổng quan hơn. Nhưng với những tín hiệu đáng mừng như vừa qua, mưa đến đâu mát mặt tới đó cái đã. Sau đó phải tính một chiến lược dài hơi hơn mới phát triển một cách bền vững được", anh nói.
"Để làm được điều đó, không phụ thuộc vào 1-2 chương trình hay doanh nghiệp mà vẫn là câu chuyện chính sách tổng thể của những người làm chính sách". Huy Tuấn cho rằng "số liệu đáng mừng rồi nhưng muốn đi xa hơn cần sự chung tay của những người có tầm nhìn".
Đạo diễn Việt Tú: Những ngọn cờ đầu
Quan sát những concert hot gần đây như Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi, tôi thấy rất đáng lạc quan.
Quan trọng nhất là thói quen trả tiền để mua vé thưởng thức các chương trình nghệ thuật, tương thích với mọi tệp khách hàng.
Nếu không có điều này thì không thể có, không thể tạo ra thị trường nghệ thuật.
Về quy mô tổ chức, chúng ta đang tốt hơn với chính chúng ta. Còn việc đã tiệm cận với quy mô quốc tế hay chưa thì cần có thời gian.
Ngành công nghiệp giải trí có những tiêu chuẩn riêng, chỉ nhìn hình thức bên ngoài, sự phấn khích của khán giả hay những hình ảnh trên mạng xã hội chưa phản ánh hết được.
Nhưng như thế này đã là rất đáng lạc quan và hy vọng rồi. Ta đang có những sản phẩm chất lượng và thị trường sẵn sàng chi trả.
Song để có một nền công nghiệp đúng nghĩa, cần duy trì các chỉ số này đều đặn và dài hạn. Đặc biệt cần những sản phẩm đứng độc lập, sống được bằng hệ sinh thái do mình tạo ra, cũng như ít phụ thuộc nhất vào nhà tài trợ.
Đội ngũ sản xuất của Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai cần được ghi nhận như những ngọn cờ đầu cần thiết của nền công nghiệp giải trí hiện tại.
Chính những sản phẩm như thế này là cú hích lớn để phá băng thị trường, là tiền đề để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà trong đó có công nghiệp biểu diễn.
Cần có những chính sách đặc biệt cho những sự kiện dạng này. Mặt khác để phát triển nền công nghiệp văn hóa theo hướng bền vững hơn, vẫn cần sự chung ta của toàn xã hội chứ không chỉ là những doanh nghiệp hay dự án đơn lẻ.
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh: Ta đang có cộng đồng fan đáng tiền
10 - 15 năm trước, lượng khán giả đổ về hai chương trình Anh trai là điều không tưởng với những người tổ chức sự kiện trong nước. Họ có khát vọng chinh phục thị trường, dám bỏ tiền ra làm concert nhưng khi đó Việt Nam chưa hình thành lớp khán giả có khả năng chi trả cho đam mê âm nhạc.
Nên đa số các sự kiện âm nhạc thua lỗ do lượng khán giả đến không đủ thu bù chi, phải trông cậy hết vào nhà tài trợ.
Những concert hot như Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai cho thấy công nghệ tổ chức biểu diễn trong nước đã có thể so sánh với nhiều concert quốc tế.
Không chỉ phương thức tổ chức mà cả công nghệ trình chiếu, biểu diễn, kỹ xảo cũng như các cách kiểm soát đám đông và an ninh sự kiện.
Mỗi thế hệ có thần tượng của mình. Bây giờ khán giả yêu thích những idol phù hợp lối sống, cách suy nghĩ của họ.
Cách "đu" idol của họ có thể khiến một số người lớn hơn thấy phản cảm, nhưng đó là xu thế tất yếu của xã hội.
Hiện ta đang sở hữu một cộng đồng người hâm mộ "đáng đồng tiền bát gạo". Họ trẻ, sẵn sàng chi trả cho điều mà họ yêu thích.
Họ bộc lộ tình yêu thần tượng một cách mạnh mẽ, trực diện và nhiệt tình, không giống thế hệ trước (hâm mộ trong sự dè dặt và nhẹ nhàng hơn).
Người hâm mộ hôm nay mua vé máy bay, đặt khách sạn, đi hàng nghìn cây số để "đu" thần tượng.
Trong đó, không chỉ giới trẻ mà có cả những người lớn tuổi. Concert Anh trai vượt ngàn chông gai ở Hưng Yên tối 14-12 là một ví dụ. Ngày xưa không có điều kiện thì giờ đời sống khấm khá hơn, những người này cũng "đu" idol như các bạn gen Z, 2k2. Thế là thường!
Nắm bắt tâm lý đó, những nhà sản xuất trong nước đã hoàn thiện và chuyên nghiệp hóa dần cách thức truyền thông, quảng bá và nâng nó lên thành kỹ nghệ để hình ảnh nghệ sĩ lan tỏa hơn, gây thương nhớ nhiều hơn.
Sức nóng của hai concert vừa qua đã chứng minh điều ngược lại. Không chỉ chịu chi mà số lượng khán giả chịu chi còn lên con số hàng chục ngàn người. Tín hiệu rất đáng mừng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận