Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - Ảnh: TTO
Ngày 6-8, theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra một số nội dung đối với dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
Nhiều sai phạm
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận này đến Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng để xem xét xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhận có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm đã được chỉ ra.
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 được Thủ tướng giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm đầu mối đầu tư từ năm 2008.
Theo kết luận thanh tra, dự án NMNĐ Thái Bình 2 được Hội đồng thẩm định của PVN thẩm định có tổng mức đầu tư 31.505,4 tỉ đồng tại thời điểm quý 2-2010, trong đó vốn chủ sở hữu là 30% (trước ngày 1-8-2010). Đây là dự án công trình quan trọng quốc gia, do Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư.
Việc PVN và Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng quy đổi tổng mức đầu tư dự án về mặt bằng giá năm 2006 là 18.496,5 tỉ để không trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và kiến nghị Thủ tướng giao HĐQT PVN quyết định đầu tư dự án là không đúng với nghị quyết 66 của Quốc hội.
Cũng theo kết luận thanh tra, dự án này là công trình quan trọng quốc gia, do đó thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư thuộc Thủ tướng sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương.
Trong khi dự án chưa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, HĐQT PVN đã căn cứ công văn do Phó thủ tướng (thời điểm đó là ông Hoàng Trung Hải) ký và hồ sơ thẩm định dự án của PVN để phê duyệt quyết định đầu tư dự án là không đúng quy định pháp luật.
Trách nhiệm để xảy ra những sai phạm trên thuộc về PVN, Bộ Công thương, các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo đối với chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt đầu tư dự án.
Trong quá trình đầu tư dự án, PVN có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án lần 1 với tổng mức đầu tư từ 31.505,4 tỉ đồng lên 34.295,1 tỉ đồng và điều chỉnh lần 2 lên 41.799,1 tỉ đồng.
Quá trình thực hiện trình tự thủ tục điều chỉnh dự án lần 1, PVN chưa báo cáo Thủ tướng nhưng đã thẩm định và quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư là không đúng quy định pháp luật.
Đối với việc điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2, theo TTCP, quá trình thực hiện không đúng với quyết định của Thủ tướng nên việc điều chỉnh này cũng không đúng quy định.
Chỉ định thầu sai quy định
Mặc dù chưa xác định các điều kiện để được chỉ định thầu đối với gói thầu EPC dự án theo quy định nhưng PVN đã đề xuất, được Bộ Công thương đồng ý, trình thủ tướng xem xét, ủy quyền HĐQT PVN quyết định việc chỉ định thầu Dự án NMNĐ Thái Bình 2.
Trên cơ sở báo cáo, đề nghị của PVN, Bộ Công thương, ngày 1-6-2010, phó thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc việc chỉ định thầu. PVN chua xác định các điều kiện để được chi định thầu đối với gói thầu EPC dự án, chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định nhưng đã phê duyệt chỉ định PVC là tổng thầu với thời gian thực hiện 45 tháng. TTCP kết luận việc chỉ định thầu này là không đúng quy định về đấu thầu.
Cũng theo kết luận thanh tra, đến thời điểm được chỉ định thầu, PVC chỉ thực hiện xây dựng công trình dân dụng, hạ tầng, tuyến ống dẫn khí và thi công một số hạng mục Nhà máy Nhiệt điện.
Thời điểm này PVC chưa làm tổng thầu các dự án lớn tương tự như NMNĐ Thái Bình 2. “Hồ sơ năng lực của PVC chưa đáp ứng hồ sơ yêu cầu để thực hiện gói thầu PVC nhưng PVN vẫn chỉ định đơn vị này làm tổng thầu EPC.
Sau khi ký hợp đồng, PVC đã thực hiện không đúng cam kết là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dự án chậm tiến độ, phát sinh tăng chi phí, trong đó có chi phí trả lãi tiền vay từ năm 2016 đến 2019 là 81,867 triệu USD”, kết luận thanh tra nêu.
Hợp đồng EPC đã ký giữa PVN và PVC là hợp đồng trọn gói, giá hợp đồng không thay đổi với các công việc thuộc phạm vi hợp đồng đã ký kết.
Tuy nhiên PVN đã điều chỉnh giá gói thầu tăng hơn 5.456 tỉ đồng là không đúng quy định. Theo kết quả thẩm tra thì thiết kế kỹ thuật dự án thiếu khối lượng, phải bổ sung tăng khối lượng thi công dự án với số tiền tăng thêm hơn 4.600 tỉ. Để khắc phục những tồn tại, vi phạm, tránh lãng phí tiền vốn của Nhà nước đầu tư, TTCP kiến nghị Thủ tướng tiếp tục cho thực hiện kết luận tại cuộc họp thường trực chính phủ về việc xử lý vướng mắc liên quan tới dự án và sớm đưa vào hoạt động.
Thanh tra chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có sai phạm.
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 có quy mô công suất 1.200 MW thuộc Trung tâm điện lực Thái Bình. PVC được lựa chọn làm tổng thầu EPC của dự án từng do ông Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch, với giá trị hợp đồng là 918,5 triệu USD và 5.874 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau đó PVN đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh khoảng 41.799 tỉ đồng.
Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy sẽ vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017 và tổ máy 2 vào năm 2018. Tuy nhiên đến nay, 2 tổ máy vẫn chưa thể hoàn thành.
Còn khu đất "vàng" 69 Nguyễn Du trước đây là biệt thự có diện tích 569,7m2, đã được UBND TP Hà Nội bán chỉ định cho PVC để cải tạo làm trụ sở; thời gian sử dụng 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích nếu không được TP Hà Nội cho phép.
PVC sau đó đã lập dự án với tên gọi "Tòa nhà văn phòng 69 Nguyễn Du" với quy mô 8 tầng trên khu đất rộng gần 600m2. Dự án có tổng diện tích sàn (cả tầng hầm) là hơn 4000m2.
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra trước đây của Thanh tra Chính phủ, ngày 31-12-2009, PVC đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng căn biệt thự này cho Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản Hợp Thành với giá gần 96 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận