Chó nghiệp vụ Belarus đánh hơi hành lý của hành khách trên chuyến bay FR4978 của Hãng Ryanair đã bị buộc hạ cánh khẩn cấp vì cảnh báo bom giả tại sân bay quốc tế Minsk, Belarus ngày 23-5 - Ảnh: AFP
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) kêu gọi điều tra về sự cố hi hữu liên quan tình huống này.
"ICAO rất lo ngại trước việc một máy bay của Hãng Ryanair và hành khách bị buộc hạ cánh, điều này đã vi phạm Công ước Chicago" - cơ quan của Liên Hiệp Quốc cho biết.
ICAO ngày 23-5 cho biết sự cố đã vi phạm Công ước về hàng không dân dụng quốc tế, hay còn gọi là Công ước Chicago, đã được các nước ký kết tại thành phố Chicago (Mỹ) năm 1944.
Công ước có những quy định về không phận, đăng ký máy bay và an toàn, và chi tiết về những quyền của các bên ký kết liên quan trong hoạt động giao thông đường không.
Mặc dù không có quyền quản lý, song ICAO đóng vai trò trung tâm trong hệ thống các tiêu chuẩn an ninh, an toàn, giúp hầu hết các tuyến đường không hoạt động bình thường, không bị gây khó vì các rào cản chính trị.
"Chúng tôi chờ đợi có thêm thông tin chính thức được các nước và các bên liên quan xác nhận" - ICAO cho biết.
Theo Hãng tin Reuters, IATA cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Chính phủ Belarus.
"Chúng tôi lên án mạnh mẽ mọi sự can thiệp hoặc yêu cầu hạ cánh trong các hoạt động hàng không dân dụng vốn không phù hợp với các quy định luật pháp quốc tế. Cần phải có cuộc điều tra đầy đủ từ các cơ quan quốc tế có thẩm quyền" - IATA nêu quan điểm.
Ông Kevin Humphreys, cựu quan chức ngành hàng không Ireland, khẳng định Belarus đã hoàn toàn vi phạm Công ước Chicago.
Ông Humphreys nói thêm ông sẽ "không ngạc nhiên" nếu một số hãng hàng không sẽ dừng bay qua không phận Belarus sau sự cố này trong khi chờ thêm thông tin chi tiết.
"Những người trong ngành sẽ lo lắng" - ông Humphreys thêm.
Theo Công ước Chicago, mỗi quốc gia có chủ quyền với vùng trời của nước họ. Tuy nhiên công ước nghiêm cấm mọi hành vi có thể gây nguy hiểm với an toàn bay.
Cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA) nói "đang theo dõi tình hình".
Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, đã chỉ trích dữ dội chính quyền Belarus vì báo động bom giả buộc chuyến bay chở 170 người từ Hi Lạp đến Lithuania của Hãng hàng không Ryanair (Ireland) phải hạ cánh khẩn cấp xuống thủ đô Minsk, Belarus nhằm bắt một nhà báo đối lập trong ngày 23-5.
Nhà báo Roman Protasevich (26 tuổi), hành khách trong chuyến bay trên, làm việc cho hãng tin Ba Lan Nexta và đã công bố nhiều hình ảnh về các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hồi năm ngoái.
Tổng thống Lukashenko tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử mà phe đối lập cho rằng có gian lận.
Ông Protasevich bị chính quyền Belarus truy nã với các tội danh bị cáo buộc như tổ chức bạo loạn, kích động thù hận... dù ông đã bác bỏ mọi cáo buộc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận