11/01/2025 08:50 GMT+7

Hà Nội ùn tắc cả ngoài giờ cao điểm: Cần đẩy nhanh xây dựng hạ tầng, nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu

Chuyên gia cho rằng nhu cầu đi lại dịp cuối năm (âm lịch) tăng cao, hạ tầng chưa đáp ứng và một bộ phận tài xế phải uốn nắn hành vi do nghị định 168, khiến giao thông Hà Nội trở nên đông đúc hơn trong những ngày qua.

Hà Nội ùn tắc cả ngoài giờ cao điểm: Cần rà soát tổ chức giao thông, nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu - Ảnh 1.

Ngã Tư Sở là điểm nóng ùn tắc do hạ tầng phía đường Láng chưa được mở rộng đồng bộ - Ảnh: HỒNG QUANG

Những ngày cuối năm, các con phố ở Hà Nội luôn trong trạng thái đông đúc, có lúc ùn tắc cục bộ.

Nhiều trục đường như Láng, Trường Chinh, Tây Sơn, Khuất Duy Tiến, Hoàng Minh Giám, đại lộ Thăng Long… hàng dài xe cộ ùn ùn nhích từng chút, dù không phải trong khung giờ cao điểm.

Ngoài giờ cao điểm vẫn ùn tắc

Len lỏi trong dòng xe đang dừng chờ đèn đỏ tại nút giao đường Láng - Lê Văn Lương, chị Thảo Phương (29 tuổi) cho biết khoảng 1 tuần qua, trục đường này có trạng thái đông đúc hơn hẳn.

Tuy nhiên tại các nút giao có đèn tín hiệu, ý thức chấp hành của người dân được nâng lên rõ rệt, cảnh hàng đoàn xe cộ đi lên vỉa hè cũng không còn phổ biến như trước.

"Đông đúc, nhưng mình lại thấy yên tâm hơn, bởi qua ngã tư bớt đi nỗi lo có người vượt đèn đỏ sẽ phóng vọt lên, rất nguy hiểm", chị Phương nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cho biết khoảng 5 ngày qua, các đơn hàng vận chuyển cây cảnh, chủ yếu là quất và đào đã rục rịch nóng lên. Thời điểm này, cây chủ yếu phục vụ trưng Tết sớm tại các trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, trường học.

Đi qua đường Láng chiều 10-1, ông Minh cho biết phải chờ 2-3 nhịp đèn đỏ, mới có thể vất vả vượt qua nút giao Ngã Tư Sở.

"Tôi chạy tất bật từ sáng đến tối. Nhiều lúc vội, đường thì đông nhưng vẫn chấp hành tuyệt đối. Mình mà vượt đèn đỏ bị phạt 1 lần, là phải chạy bù cả chục chuyến chở thuê để bù vào", ông Minh cho biết.

Báo cáo mới nhất của Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết từ đầu năm 2024, Hà Nội xác định có 33 điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. 

Đến hết tháng 11-2024, thành phố đã xử lý được 13 điểm, còn lại 20 điểm.

Tuy nhiên, Hà Nội lại phát sinh thêm 16 điểm ùn tắc, nâng tổng số điểm ùn tắc trong giờ cao điểm của thủ đô lên 36.

Trong khi đó, mật độ dân cư lớn, tốc độ tăng dân số cơ học cao và tốc độ gia tăng xe cá nhân khoảng 4-5%/năm, cao gấp hơn 10 lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (khoảng 0,35%/năm).

"Trong quản lý giao thông, yếu tố an toàn là số 1"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Khương Kim Tạo (nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) đánh giá tình trạng giao thông những ngày qua ở Hà Nội có gia tăng ùn tắc, nhưng mang tính cục bộ ở một vài điểm nóng.

Về nguyên nhân, ông Tạo cho biết trước tiên là do nhu cầu đi lại dịp cuối năm của người dân tăng cao; lượng lớn hàng hóa cần được vận chuyển, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và nền kinh tế đang tăng trưởng.

Thứ hai, mỗi năm tốc độ gia tăng dân số và xe cộ của Hà Nội rất lớn, tuy nhiên hạ tầng của thành phố phát triển chưa tương xứng.

Nhiều dự án trọng điểm đang có tiến độ rất chậm. Các con đường nghìn tỉ như: vành đai 1 (Hoàng Cầu - Voi Phục), mở rộng quốc lộ 6 (Ba La - Xuân Mai), đường nối cao tốc Pháp Vân - vành đai 3, mở rộng đường Tam Trinh… đều đang ì ạch do vướng giải phóng mặt bằng.

Nhiều cây cầu lớn vượt sông Hồng được lên kế hoạch triển khai, nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công (cầu Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi…).

Hà Nội ùn tắc cả ngoài giờ cao điểm: Cần rà soát tổ chức giao thông, nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu - Ảnh 2.

Hạ tầng thiếu đồng bộ, nhiều dự án trọng điểm triển khai ì ạch, trong khi lượng xe cộ tăng trưởng tốc độ cao khiến ùn tắc tại Hà Nội ngày càng nghiêm trọng - Ảnh: HỒNG QUANG

Về việc triển khai quyết liệt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và nghị định 168/2024, ông Tạo đánh giá tính chất giao thông trên đường ít nhiều sẽ có sự thay đổi.

Những người trước đây có thói quen vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi lên vỉa hè, thì nay đại đa số đã chấp hành theo nền nếp, đi đúng lòng đường, dừng chờ đèn đỏ… Do vậy, nhiều người sẽ có cảm giác trên cùng một con đường, lại có lượng xe cộ đông đúc hơn.

Tuy nhiên theo ông Tạo, việc uốn nắn thói quen đi lại như vậy là đúng hướng, đảm bảo tính khoa học và hợp lý. 

"Những người đi ẩu trước đây sẽ thấy nhanh hơn, nhưng vô tình lại cản trở người đi đúng. Khi đưa vào trật tự, nền nếp có thể người đang đi ẩu khó chịu, nhưng người chấp hành tốt sẽ rất ủng hộ", theo TS Khương Kim Tạo.

Vị chuyên gia giao thông cũng nhấn mạnh, trong công tác quản lý giao thông và xây dựng văn hóa giao thông, yếu tố an toàn luôn được đặt lên số 1, bởi sinh mạng, sức khỏe con người là trên hết. Các hiệu quả còn lại như thời gian đi lại… sẽ luôn xếp sau. Ông đồng thời lấy dẫn chứng về câu nói "nhanh một phút có thể làm chậm nhiều cuộc đời".

"Trong công tác điều hành quản lý, cần tránh mọi rủi ro dẫn tới tai nạn, bởi tính mạng con người chỉ có 1, không thể hy sinh các yếu tố an toàn chỉ để đi nhanh hơn", ông Tạo tiếp lời.

Đề ra giải pháp, TS Khương Kim Tạo cho rằng trước mắt các đơn vị ngành giao thông vận tải cần nhanh chóng rà soát việc tổ chức giao thông, nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu và phân bổ thời gian của đèn hợp lý.

Về giải pháp lâu dài, cần thúc đẩy nhanh chóng việc xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển phương tiện công cộng. Các công trình giao thông trọng điểm cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.

Hàng trăm tài xế ở Hà Nội đã bị trừ điểm giấy phép lái xe

Thông tin từ Phòng cảnh sát giao thông Công an Hà Nội, tính từ ngày 1-1 đến 7-1, cảnh sát giao thông đã xử lý 5.654 tài xế vi phạm.

Áp dụng mức phạt được quy định tại nghị định 168/2024/NĐ-CP, tổng tiền xử phạt ước tính hơn 14,3 tỉ đồng.

Lực lượng chức năng đã tạm giữ 1.670 phương tiện, tước 190 giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe của 631 trường hợp (99 ô tô, 532 mô tô).

Cảnh sát cho hay vi phạm tập trung vào các lỗi như vượt đèn đỏ (221 trường hợp), đi ngược chiều (153 trường hợp), vượt quá tốc độ cho phép (172 trường hợp), dừng đỗ sai quy định (592 trường hợp), nồng độ cồn (1.207 trường hợp)...

Hà Nội ùn tắc cả ngoài giờ cao điểm: Cần rà soát tổ chức giao thông, nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu - Ảnh 3.Chạy ‘xe không chính chủ’ có bị phạt theo quy định mới?

Nhiều người lo lắng khi trên mạng lan truyền thông tin chạy 'xe không chính chủ' bị phạt 6 triệu đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên