15/07/2014 04:05 GMT+7

"Giữ lửa" cho người ra đề

N.HÀ - HÀ BÌNH
N.HÀ - HÀ BÌNH

TT - Chọn lựa giáo viên ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ là vấn đề “đau đầu” của Bộ GD-ĐT mỗi mùa tuyển sinh.

QXyr93jb.jpgPhóng to
Đề thi đại học đang được lực lượng chức năng bàn giao cho một hội đồng thi tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

“Ra đề là công việc kỹ lưỡng, căng thẳng, thậm chí mệt mỏi, ngập tràn âu lo. Tìm người giỏi để làm đề đã khó, nhưng khó khăn hơn là làm sao giữ chân được họ hợp tác thường xuyên...” - PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD - ĐT, bộc bạch.

Sức ép “lộ đề”

“Không chỉ xã hội nói chung mà cả nhiều người trong nghề lâu nay vẫn nghĩ ra đề thi ĐH là việc rất oai và oách, nên thầy cô nào được mời cũng sẽ hãnh diện gật đầu ngay. Song sự thật hoàn toàn không như thế. Đã có lúc Bộ GD-ĐT phải chấp nhận sự từ chối của giáo viên khi họ không thể chịu được sức ép nặng nề của một công việc được coi là rất oách này” - một cán bộ tuyển sinh của Bộ GD-ĐT tiết lộ khi chúng tôi “đặt hàng” tìm hiểu về việc “chiêu mộ” người ra đề thi.

Năm 2008, kết thúc đợt thi thứ nhất cũng là lúc rộ lên tin đồn lộ đề thi môn toán. Dư luận xôn xao khi một diễn đàn toán trên mạng Internet có đề luyện thi tung lên mạng trước ngày thi có đến bốn ý trùng khớp hoàn toàn với câu hỏi trong đề thi môn toán. Không chỉ là tin đồn vu vơ bên ngoài mà liên tiếp hai ngày 7 và 8-7, một tờ báo cũng đưa thông tin này kèm thông điệp “Đề nghị Bộ GD-ĐT trả lời câu hỏi này trước công luận vì vấn đề này đã lan rộng”.

Dù xác định quy trình làm đề rất chặt chẽ, nhưng cả ban chỉ đạo thi vẫn như ngồi trên đống lửa. Theo quy định, đề thi tuyển sinh thuộc tài liệu tối mật, nên nếu có bất kỳ hành vi nào làm lộ đề thi đều rất nghiêm trọng. Đến chiều 8-7, bằng thủ thuật truy tìm gốc tích của tài liệu tải lên mạng người ta mới phát hiện rằng quản trị mạng của diễn đàn trên đã chèn những ý lấy từ đề thi chính thức sau khi buổi thi diễn ra vào phần đề luyện thi đã post lên từ vài ngày trước đó!

Người gây ra vụ việc đã bị xử lý theo quy định nhưng đã làm tổn thương nặng nề những người trong tổ ra đề. “Dù quy trình ra đề thi rất chặt chẽ, dù tin tưởng những người ra đề vốn tuân thủ nghiêm túc môi trường bảo vệ ba vòng nghiêm ngặt, nhưng theo quy định, ban chỉ đạo thi vẫn phải yêu cầu các thầy giải trình. Đó là khoảng thời gian đầy căng thẳng. Sau này, kể cả khi được giải tỏa hoàn toàn bởi bằng chứng rõ ràng lộ đề chỉ là tin đồn vô lý thì nhiều thầy cô đến giờ vẫn chưa nguôi ám ảnh. Một thầy giáo giỏi nổi tiếng vì không chịu nổi áp lực này mà từ đó trở đi không bao giờ nhận lời ra đề thi ĐH nữa”- một thành viên ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh 2008 tiết lộ.

vXKz849R.jpgPhóng to
Những túi đựng đề thi đại học được bàn giao tại một hội đồng ở Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Gánh vác nhiệm vụ quan trọng

Hình ảnh giã từ “sự nghiệp ra đề thi ĐH” trong không khí “chẳng vui vẻ gì” của vị giáo viên toán nổi tiếng ấy là sự ám ảnh của ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ Bộ GD-ĐT với nỗi lo thiếu hụt người gánh vác nhiệm vụ quan trọng này. Không kể những áp lực nặng nề của một công việc căng thẳng kéo dài cả tháng trời, nhiều thầy cô còn bị gia đình chất vấn “đi đâu biệt tăm đúng vào mùa luyện thi nóng bỏng, mất cả nguồn thu nhập đáng kể”. Một thầy giáo từng ra đề thi tiết lộ: thù lao trong suốt thời gian “cấm trại” làm đề gần một tháng trời chỉ bằng đúng... 1/10 thu nhập ở thời gian tương tự bên ngoài đúng lúc thầy vào giai đoạn luyện thi nước rút cho học sinh!

Thực tế, điều mà tất cả thí sinh luôn tò mò là việc lựa chọn giáo viên ra đề thi được thực hiện thế nào với những tiêu chí đặc biệt ra sao? Đáp án là phần lớn giáo viên được chọn ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ đều đã có thâm niên ra đề thi cho những kỳ thi có quy mô rất khác nhau.

“Trước khi ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ, tôi đã nhiều năm làm đề thi ở tỉnh, cho các cuộc thi học sinh giỏi hay tuyển sinh đầu cấp, nhưng khi vào “doanh trại” làm đề thi quốc gia tôi vẫn bị choáng. Ở sở GD-ĐT, để làm đề thi chỉ cần cách ly 3-5 ngày, còn ở đây là hàng tháng. Làm đề thi cho sở chỉ 2-3 người là đầy đủ cả bộ phận soạn thảo, phản biện đề thi, còn khi vào “trại” tôi mới biết có đến bảy người trong tổ đề. Sở GD-ĐT có khi “cấm trại” giáo viên ra đề ngay trong khuôn viên sở, thì ở đây tất cả được “bảo vệ” nghiêm ngặt tại một khu nghỉ dưỡng hiện đại, đầy đủ tiện nghi. Nhưng trên hết, tôi thật không ngờ ra đề thi quốc gia lại phức tạp thế - cô N., giáo viên một trường THPT ở Bắc Ninh, chia sẻ - Sức ép với các thầy cô rất lớn. Họ đều là những giáo viên giỏi, việc ra đề ở trường, ở sở bình thường, nhưng ra đề thi ĐH là phải chấp nhận bị cả làng “soi””.

“Các thầy cô đã có kinh nghiệm đều hiểu ngay trong thời gian làm đề đã phải lường trước được những phản ứng của dư luận, thậm chí tự đo phản ứng của các trường phái học thuật khác nhau, chỉnh sửa đề cho thật chuẩn và “găm” sẵn những giải thích cần thiết nếu có phản hồi”- một giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội nói. Hóa ra đề thi có thể thành hình ngay trong 3-5 ngày đầu tiên vào “trại”, nhưng câu chữ để chọn dùng sẽ phải vượt qua rất nhiều vòng “phản biện”, thay đi đổi lại là chuyện rất đỗi bình thường.

Theo tiết lộ của một giảng viên tham gia công tác ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014, khi vào “trại”, ở vai trò phản biện, ông đóng vai thí sinh để làm bài với đề thi dự thảo, kết quả bài thi sau khi chấm chỉ đạt 7,5 điểm. “Sau khi làm bài thi, tôi phải đưa ra nhận xét đề và dự kiến học sinh học lực giỏi đạt mấy điểm, rồi học sinh khá, học sinh trung bình đáp ứng thế nào với đề thi. Đề ban đầu ra hơi khó và cả tổ đề thi đã thảo luận từng từ để đi đến phương án thống nhất, hoàn toàn không ai có tư tưởng cố sức giành phần thắng về mình”- thầy giáo này cho biết.

Dẫu thầy giáo ấy không giải thích thêm, nhưng nhiều thầy cô xác nhận khi làm đề thi, mọi cá tính đều phải dịu lại để cùng xây dựng đề thi chuẩn xác, khoa học, phù hợp với tính chất tuyển lựa của một kỳ thi quốc gia...

“Nếu chỉ vì danh tiếng và thù lao, các thầy cô giỏi mà bộ tuyển mộ vào ban ra đề chắc không bao giờ chọn công việc nặng nề này. Bởi tham gia làm đề thi, dù làm tốt cũng không thể được vinh danh công khai. Còn thù lao, thú thật, chúng tôi rất biết chỉ là một phần nhỏ bé, chẳng thấm tháp gì so với thu nhập thật của các thầy vốn là giáo viên giỏi ở bên ngoài.

Điều làm các thầy gắn bó với công việc “làm dâu trăm họ” ấy có lẽ phần nhiều vì tình cảm, vì sự trân trọng xứng đáng mà những người trong ban chỉ đạo thi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT dành cho các thầy” - PGS.TS Trần Văn Nghĩa tỏ lòng tri ân đặc biệt đối với những người lặng lẽ đứng sau mỗi kỳ thi. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng phải nhờ đến “kênh” tác động của sở GD-ĐT, của nhà trường để có thể mời các thầy giỏi vào hội đồng ra đề thi.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 4: Electron hay êlectrôn? Kỳ 5: Mời giáo viên... đóng vai thí sinh Kỳ 6: “Dậy, dậy đi, tất cả dậy” Kỳ 7: Đi mua... đề thi Kỳ 9: In sao: ba vòng bảo vệ Kỳ 10: 20 ngày trong “trại in sao” Kỳ 12: “Giàn khoan Trung Quốc” vào đề thi

N.HÀ - HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên