Nhìn cảnh tập trung chen lấn nhau để xin giấy đi đường, ùn ứ tại các chốt kiểm soát cho thấy vừa mất công sức của dân, vừa tốn kém thời gian và nỗi lo lây lan dịch bệnh.
Tại Đà Nẵng, 2 năm nay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thành phố đã buộc phải "chuyển mình" tối ưu hóa công nghệ theo môi trường chính quyền điện tử, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ công trực tuyến. Và khi thành phố Đà Nẵng tiến hành giãn cách xã hội, một trong những "đề bài" của lãnh đạo thành phố đặt ra trong bối cảnh dịch bệnh là phải triệt để hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Thực tế 2 ngày qua, hệ thống của chính quyền điện tử đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Ngay lập tức việc triển khai cấp giấy đi đường của Đà Nẵng được tiến hành hết sức đơn giản và thuận tiện. Thành phố triển khai cung cấp, cập nhật thông tin đánh giá cấp độ nguy cơ đầy đủ lên bản đồ dịch tễ tại địa chỉ https://bit.ly/vungdovangxanh. Người dân truy cập vào địa chỉ này để biết chính xác khu vực mình đang sinh sống có thuộc trường hợp được cấp giấy hay không. Nếu người dân thuộc trường hợp được cấp giấy thì chỉ cần ngồi ở nhà với vài thao tác trên máy tính, điện thoại trong thời gian ngắn là nhận ngay được giấy đi đường.
Tất nhiên, dân số và sự đa dạng ngành nghề và tính đặc thù ở mỗi địa phương mỗi khác, không thể so sánh Đà Nẵng với Hà Nội hay TP.HCM. Nhưng nếu biết áp dụng các tiện ích của công nghệ thông tin trong các dịch vụ công, việc cấp giấy đi đường và các thủ tục hành chính khác hoàn toàn có thể diễn ra một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Không chỉ giấy đi đường mà trong gần 2 năm qua trong các đợt giãn cách xã hội, Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong việc dừng tiếp nhận hồ sơ công dân nộp trực tiếp mà chỉ xử lý qua mạng để phòng chống dịch COVID-19. Điều đó không gặp khó khăn gì, ngược lại còn tạo thuận lợi cho các cơ quan hành chính và người dân. Ông Trần Ngọc Thạch, phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP Đà Nẵng, khẳng định với thế mạnh nhiều năm liền đứng đầu các chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, trong đợt dịch COVID-19 lần này nhiều đơn vị ở Đà Nẵng đã tận dụng tối đa ưu thế trực tuyến để phòng dịch. Trong bối cảnh giãn cách xã hội có thể xem đây là dịp để chúng ta xác lập và hình thành thói quen cho người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Thậm chí về lâu dài, Đà Nẵng còn xác định đây là giải pháp cơ bản để tiết kiệm nguồn lực, chi phí cho các cơ quan, đơn vị.
Chúng ta hay nói những điều cao xa như "Thành phố thông minh", "Cuộc cách mạng 4.0", "Chính quyền điện tử"..., trong khi chỉ mỗi cái giấy đi đường đã bộc lộ quá nhiều chuyện trầy trật và hết sức nhiêu khê.
Cung cấp dịch vụ hành chính công nhanh chóng, thuận lợi, chính xác cho người dân đang là thước đo năng lực thực thi công vụ của cả hệ thống chính quyền các cấp. Đó cũng là thái độ có trách nhiệm, sự tận tâm của chính quyền đối với người dân giữa lúc dầu sôi lửa bỏng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận