Chế độ chính sách ưu tiên cho các bác sĩ trẻ vừa được ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đưa ra tại hội nghị tổng kết chương trình thí điểm đào tạo thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn liền với trạm y tế dành cho các bác sĩ trẻ tổ chức ngày 18-8.
Tham dự ngoài các bệnh viện trực tiếp đào tạo và các bác sĩ trẻ, còn có ban giám đốc sở y tế các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long: Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long.
Đề xuất mở rộng ngày hội việc làm ra các tỉnh
Ông Thượng bày tỏ sự cảm ơn các "đồng nghiệp" - là các bác sĩ trẻ vừa hoàn thành chương trình 18 tháng thực hành tại các bệnh viện đa khoa gắn liền với trạm y tế. Chương trình đã hoàn thành nhiệm vụ vừa hỗ trợ y tế cơ sở, vừa cung cấp nguồn nhân lực cho tuyến cuối.
Từ chương trình, ông khẳng định sẽ đề xuất thêm cơ chế chính sách mới, đặc biệt nghiên cứu đề xuất chính sách cho các bác sĩ đã chọn về y tế cơ sở công tác.
"Vừa rồi có 18 bác sĩ về y tế cơ sở, chúng tôi sẽ sớm đề xuất một số chế độ ưu tiên, chẳng hạn như ưu tiên đào tạo chuyên khoa và sau đó được chuyển về tuyến cuối làm việc. Chính sách này sẽ xoay vòng để khuyến khích các bác sĩ trẻ về cơ sở" - ông Thượng nói.
Đặc biệt, ông Thượng mong muốn chương trình này không khu trú ở TP.HCM, mà sẽ mở rộng ra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Theo đó, các bác sĩ chỉ cần có bằng tốt nghiệp ở các khu vực này đều có thể tham gia chương trình.
"Ngày hội việc làm chúng tôi sẽ mời các giám đốc bệnh viện, trung tâm y tế các địa phương để tuyển dụng các bác sĩ về công tác. Đó cũng thể hiện tính y tế vùng, không riêng gì TP.HCM" - ông Thượng khẳng định.
Cần định hướng đào tạo chuyên khoa cho bác sĩ trẻ
Ông Nguyễn Phước Lộc - trưởng Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM - cho biết hiện TP.HCM có Trường ĐH Y Dược, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y (thuộc ĐH Quốc gia) được Thủ tướng phê duyệt nâng cấp lên thành Trường ĐH Khoa học sức khỏe.
Ngoài ra, còn có 5 trường ngoài công lập đào tạo y khoa, vì vậy ông đề nghị ngành y tế của TP cần phải liên kết để nâng cao chất lượng đào tạo, thực hành. Từ đó có một nguồn nhân lực cho TP, thậm chí chia sẻ trách nhiệm với các tỉnh.
Khẳng định sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TP, ông Lộc nói khi tham gia chương trình thực hành 18 tháng, các bác sĩ trẻ có phụ cấp 60 triệu đồng và ra trường có ngày hội việc làm do đích thân giám đốc, phó giám đốc các cơ sở y tế phỏng vấn với thái độ trân trọng.
"Không dừng lại tại đây, tôi đề nghị ngành y tế nghiên cứu đề xuất để làm sao có cơ chế chính sách rõ ràng hơn" - ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, ngành y tế của TP cần định hướng đào tạo chuyên khoa cho các bác sĩ trẻ. Tức khi vừa ra trường, các bác sĩ trẻ sẽ được tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe, các hoạt động y tế cộng đồng tại địa phương một thời gian nhất định, sau đó sẽ được rút về tuyến trên đào tạo chuyên khoa.
"Thấy được cơ hội thăng tiến nghề nghiệp sẽ là nguồn động viên rất lớn để xã hội sử dụng nguồn nhân lực trẻ hiệu quả" - ông Lộc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận