18/03/2012 06:30 GMT+7

Gây khó bằng luật

QUỐC THOẠI
QUỐC THOẠI

TT - Những rủi ro đối với chủ quyền quốc gia là một đề tài chính trị nhạy cảm, và những rủi ro này càng nóng hơn sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới vừa qua, khi nhiều chính phủ phải bơm lượng tiền lớn cho khu vực tư nhân nhằm ngăn chặn những vụ sụp đổ tiềm tàng.

5zVVizv7.jpgPhóng to
Lãnh đạo NYSE Euronext và Deutsche Borse họp báo hôm 9-2-2011 khẳng định đã thảo luận cấp cao để chuẩn bị cho sáp nhập nhưng không vượt qua được Ủy ban châu Âu - Ảnh: Reuters

Thương yêu một năm, chia tay một ngày

"Không khí ngày nay đặc quánh mùi của những người ủng hộ sự bảo hộ với sự gia tăng giám sát và quản lý từ chính phủ đối với những vụ mua bán/sáp nhập xuyên biên giới"

Bình luận của Colin Banfield, thuộc Tập đoàn Citigroup khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Giới ngân hàng cho rằng hiện nay bất kỳ thương vụ sáp nhập nào chạm đến mốc 10 tỉ USD đều sẽ thu hút công luận ở một mức độ rất lớn, kéo theo đó là các cơ chế giám sát về chính trị.

Hồi tháng 2-2011, Bloomberg cho biết Công ty điều hành giao dịch chứng khoán Deutsche Borse của Đức đồng ý chi 9,53 tỉ USD để mua lại tập đoàn giao dịch chứng khoán hàng đầu thế giới là NYSE Euronext. Vào thời điểm đó, bản hợp đồng sáp nhập lịch sử này được cho là sẽ tạo ra một tập đoàn điều hành sàn chứng khoán lớn nhất hành tinh với tổng giá trị thị trường đạt 25,6 tỉ USD, soán ngôi của Hong Kong Exchanges & Clearing.

Thương vụ xuyên Đại Tây Dương lớn nhất trong lịch sử chứng khoán hiện đại dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm rồi, sau khi được cổ đông hai bên thông qua vào tháng 7-2011, được Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ chấp thuận vào tháng 8-2011 và được Ủy ban thị trường chứng khoán Đức thông qua vào tháng 9-2011. Mọi chuyện những tưởng xuôi chèo mát mái. Trên cơ sở hợp nhất hoàn toàn mọi hoạt động, tập đoàn mới sẽ đặt trụ sở tại New York (Mỹ) và Frankfurt (Đức).

Thế rồi ngày 1-2-2012, Ủy ban châu Âu (EC) lạnh lùng tuyên bố: “Vụ sáp nhập trên sẽ dẫn đến tình trạng gần như độc quyền trên thị trường chứng khoán thế giới và sẽ gây hại nghiêm trọng cho sự cạnh tranh”. Deutsche Borse và NYSE Euronext hoàn toàn có quyền kháng cáo (dù thủ tục có thể kéo dài thêm 1-2 năm), nhưng cả hai bên đã nhanh chóng tuyên bố chia tay nhau ngay ngày hôm sau.

Những vụ việc tương tự ngày càng nhiều. Tuy vậy, EC - cơ quan giám sát chống độc quyền của khu vực - cho biết cách tiếp cận vấn đề kiểm soát sáp nhập không hề thay đổi. Ông Antoine Colombani, người phát ngôn của EC, tuyên bố: “Chúng tôi không phải đang trở nên gắt gao hơn, chỉ là gần đây chúng tôi phải đối phó với nhiều tình huống phức tạp hơn mà thôi. Nhưng rõ ràng là không có thêm nhiều lệnh cấm hay những yêu cầu lằng nhằng hơn cho những thương vụ như vậy kể từ nhóm điều hành mới bắt tay vào việc từ năm 2009”.

Ông Colombani giải thích thêm rằng trong 22 năm qua, EC chỉ cấm 21 giao dịch trong 5.000 trường hợp đã được xem xét, tức 0,4% số trường hợp. Tuy nhiên những người cố vấn cho các công ty tham gia mua bán/sáp nhập cho biết các con số nêu trên không cho thấy được tính chất phức tạp và những thủ tục mất thời gian mà quá trình kiểm tra các giao dịch gây ra cho doanh nghiệp, và nó còn đang trở nên nặng nề và nhiêu khê hơn các lệnh cấm.

Che đậy bảo hộ

Trong trào lưu của thôn tính doanh nghiệp xuyên biên giới, vấn đề luật tự do kinh doanh đang đụng phải chuyện bảo hộ thương mại mà người ta giấu dưới tên gọi mỹ miều là “chủ nghĩa yêu nước trong kinh tế”. Thuật ngữ này được cho là chính thức xuất hiện từ miệng của Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin vào tháng 7-2005, trong một buổi họp báo liên quan tin đồn Tập đoàn Danone của Pháp sắp bị thôn tính.

Hầu như khắp thế giới các chính phủ ngày càng gia tăng sự bảo vệ đối với các công ty mà họ coi là biểu tượng của quốc gia. Ở một số nước châu Á, lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán cũng đang được tăng cường bảo vệ.

Việc Công ty Chứng khoán Singapore (SGX) đề nghị mua Công ty quản lý thị trường chứng khoán Úc (ASX) hồi tháng 4-2011 nhưng Quốc hội Úc chặn lại là ví dụ gần đây nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Để chuẩn bị cho thương vụ này, sau khi đánh giá ASX vào khoảng 8,5 tỉ USD, SGX tuyên bố sẵn sàng trả thêm 40% để mua lại sàn chứng khoán Úc nhằm tạo ra một trung tâm thương mại mới của châu Á. Cuộc đàm phán giữa hai bên diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Úc cam kết chi hàng chục triệu USD để thúc đẩy thị trường địa phương trở thành một “trung tâm tài chính khu vực”.

Trong khi các nhà đầu tư ngay lập tức quan tâm đến thương vụ này thì giới chính trị gia Úc đã cho nó vào danh sách đen ngay từ đầu. Tờ The Age dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Úc Wayne Swan: “Thỏa thuận này sẽ gây ra nguy cơ mất nhiều công ăn việc làm lĩnh vực tài chính của Úc. Vụ sáp nhập sẽ làm ngành tài chính của Úc trở thành công ty con của một đối thủ cạnh tranh ở châu Á”.

Tuy vậy, các đối thủ chính trị của Bộ trưởng Swan và các nguồn tin thân cận nói với The Age rằng lời giải thích chỉ nhằm che đậy những lý do thật sự khiến thương vụ không thành công. Cựu chủ tịch ASX Maurice Newman nói tại một bữa ăn trưa của giới kinh doanh ở Sydney: “Tôi cảm thấy rất nhiều người trong số họ (quan chức chính phủ) khá cảm tính khi đụng đến những vấn đề chạm tới tư tưởng bài ngoại của họ”. Theo các nguồn tin, việc Chính phủ Singapore gián tiếp nắm 23% cổ phần không có quyền biểu quyết tại SGX là vấn đề chính yếu, mặc dù điều này là một cái gì đó mà Chính phủ Úc không bao giờ có thể nói công khai.

Vào thời điểm cuối tháng 3-2011, chủ tịch SGX Magnus Bocker và các cố vấn của ông đang tập trung cung cấp tài liệu và thông tin cho Hội đồng đánh giá đầu tư Úc (FIRB), tập hợp các doanh nhân cao cấp, những người sẽ khuyến nghị cho Bộ trưởng Swan rằng liệu vụ tiếp quản này có là mối quan tâm cấp quốc gia của Úc hay không. FIRB dự kiến sẽ mất hai tháng để cân nhắc thương vụ, nhưng Bocker và cố vấn của ông được thông báo vào ngày 4-4-2011 rằng có điều gì đó bất lợi sẽ xảy ra.

Chỉ một ngày sau, FIRB thông báo với Bocker rằng quan điểm của ông Swan là từ chối thương vụ này. Cùng ngày hôm đó ông Swan đã công khai rằng FIRB đã khuyên ông là việc sáp nhập này không thuộc lợi ích quốc gia và ông “dự định” sẽ chấp nhận lời khuyên đó. FIRB nói với Bocker rằng ông Swan nghĩ vậy nhưng nói với thế giới đó là ý tưởng của FIRB, và không ai nói với ai những gì họ thật sự nghĩ.

Ngay cả Mỹ, quốc gia tự cho mình là đứng đầu thị trường tự do, cũng cảm thấy bồn chồn trước làn sóng sáp nhập - thâu tóm toàn cầu và đã phải thông qua “Đạo luật về vốn đầu tư nước ngoài và an ninh quốc gia năm 2007”, cho phép Chính phủ Mỹ chặn bất kỳ cuộc thâu tóm các tài sản về cơ sở hạ tầng, công nghệ và năng lượng có thể làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia tại Mỹ của các công ty nước ngoài.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Sóng ngầm chính trị - tài chính ở Ý Kỳ 2: Huynh đệ tương tàn Kỳ 3: Thợ săn và con mồi Kỳ 4: Kịch bản như thật Kỳ 5: Cá bé nuốt cá lớn Kỳ 6: Cơn lốc đến từ phương Đông

_______________________

Đón đọc số tới:

Vượt lên cái chết - hồi ký Tâm “si-đa”

Tâm “si-đa” đã khiến độc giả “phải lặng người, phải sửng sốt với những câu chuyện thật đến khó có thể thật hơn của đời mình qua tập hồi ký Vượt lên cái chết. Như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết: “Như một nhắn gửi, một cảnh báo. Đọc, thấy rưng rưng...”. Tuổi Trẻ xin trích đăng những dòng rưng rưng ấy...

QUỐC THOẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên