Tại cuộc họp báo chiều 18-5, ông Nguyễn Hồng Tâm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 4 năm nay, tỉ lệ tiêm chủng ở trẻ dưới 1 tuổi tại thành phố đạt 77,3%, trong khi đó tỉ lệ đủ theo tiêu chuẩn của quốc gia là 95%.
Đối với những mũi tiêm nhắc như sởi 2, DPT 4 cho trẻ 18 tháng - 1,5 tuổi lần lượt là 78,6% (chỉ tiêu 95%) và 70,5% (chỉ tiêu 85%).
TP.HCM có thể hoãn chiến dịch uống vitamin A
Theo ông Tâm, các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng rất cần thiết, giúp bảo vệ những bệnh nguy hiểm hay gặp ở trẻ em như ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib..., nhưng tỉ lệ tiêm chủng thấp dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng miễn dịch cộng đồng.
Trong bối cảnh này, người đứng đầu HCDC khuyến cáo phụ huynh cố gắng cho trẻ tiêm vắc xin đủ liều và sớm nhất khi có vắc xin trở lại.
Trong khi nhiều loại vắc xin trong chương trình mở rộng hết hoặc gần cạn kiệt thì mới đây các trạm y tế tại TP.HCM nhận được thông tin TP có thể sẽ tạm hoãn chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi vào ngày 1 và 2-6 trên toàn TP cho đến khi có thông báo mới.
Đại diện một trạm y tế trên địa bàn quận Bình Thạnh cho biết đã nhận được thông tin có thể tạm hoãn chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao sắp tới từ Trung tâm Y tế quận.
Một số trung tâm y tế trên địa bàn thành phố như quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh cũng cho hay đơn vị đang chờ hướng dẫn của HCDC, thống nhất có tổ chức chiến dịch cho trẻ uống vitamin A sắp tới hay không?
Có con trai 27 tháng tuổi, chị N.L.A. (40 tuổi, ngụ phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) cho biết ngày 21-12 năm trước con chị được uống vitamin A liều cao tại trường mầm non. Nghe tin đợt uống vào ngày 1 và 2-6 này có thể TP.HCM không tổ chức cho các bé uống vitamin A liều cao, chị L.A. khá lo lắng.
Chị nói đã theo dõi truyền thông, biết vitamin A liều cao rất cần thiết cho trẻ để tránh nguy cơ mắc các bệnh thị lực, suy giảm miễn dịch...
Trong trường hợp con chị không được uống vitamin A liều cao, chị sẽ tìm cách bổ sung vitamin A trong thực phẩm.
Được biết, hiện cả nước chỉ có ba thuốc vitamin A (hàm lượng 5.000 IU) có đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, nhưng đây đều là vitamin A liều thông thường.
Trong khi đó, loại vitamin A liều cao được triển khai cho trẻ uống trong chiến dịch hằng năm là loại 100.000 đến 200.000 IU hiện chưa được tái cấp phép sử dụng tại nước sản xuất, chưa đủ điều kiện cấp phép tại Việt Nam.
Viện Dinh dưỡng quốc gia là đơn vị cấp vitamin A liều cao cho 63 tỉnh thành trong thời gian qua. Ngày 18-4, viện đã có công văn gửi các tỉnh thành, đề nghị chủ động bố trí nguồn kinh phí mua sắm vitamin A liều cao cho trẻ em và phụ nữ sau sinh.
Sở Y tế TP.HCM cũng đã có văn bản gửi Bộ Y tế và bộ cho biết đang tìm nhà sản xuất, nhập khẩu thuốc tăng cường nghiên cứu, sản xuất, tìm nguồn cung ứng và nhập khẩu thuốc vitamin A nói chung và vitamin A liều cao.
Đề xuất đấu thầu tập trung vắc xin tiêm chủng
Hiện nay, nhiều tỉnh thành khu vực Tây Nam Bộ đang lo thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng trong vài tháng sắp tới.
Địa phương đã được giao đấu thầu mua sắm vắc xin tiêm chủng mở rộng và vitamin A nhưng có khó khăn về nguồn cung ứng và cách thức đấu thầu, do từ trước đến nay đều được trung ương mua sắm và phân bổ về dựa trên dự trù của từng địa phương.
Ông Phạm Quang Quốc Uy, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang, cho biết đang lo và đã làm dự trù kinh phí dành cho chương trình tiêm chủng mở rộng, dự tính khoảng 16 tỉ đồng/năm, để trình Sở Y tế và xin ý kiến UBND tỉnh.
"Khi được duyệt kinh phí, Bộ Y tế chính thức trả lời thì tỉnh mới tổ chức đấu thầu, nhưng lo nhất là vấn đề giá cả sẽ không thống nhất, chất lượng và chủng loại vắc xin cũng khác nhau giữa các tỉnh thành. Tôi nghĩ nên chăng bộ cho đấu thầu chung gom về một đầu mối, rồi từng địa phương dùng ngân sách chi trả theo nhu cầu", ông Uy đề xuất.
Tại TP Cần Thơ, ông Huỳnh Minh Trúc, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, cho hay đã có công văn gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để xin hướng dẫn cung cấp vắc xin cho chương trình tiêm chủng nhưng chưa nhận được phản hồi.
Hiện vắc xin của chương trình cũng còn cho vài tháng tới, nhưng hết nguồn vitamin A. Sau khi nhận được thông tin địa phương mua sắm vắc xin, trung tâm đã làm dự thảo công văn trình Sở Y tế Cần Thơ để gửi Bộ Y tế, kiến nghị tổ chức đấu thầu tập trung từ bộ cho các địa phương dùng chung.
Tương tự, tại Đồng Tháp, ông Dương Ân Hận, phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho hay đến cuối 2023, dự kiến mỗi tháng cần khoảng 6.000 liều vắc xin tiêm chủng mở rộng. Số còn nợ lại chưa trả đủ liều cũ là trên 12.000 liều, khó nhất là thiếu vắc xin "5 trong 1".
"Cái khó là làm sao thống nhất loại vắc xin, chất lượng, giá cả cho tất cả tỉnh thành. Vì vậy gom về Bộ Y tế tổ chức đấu thầu tập trung là hợp lý nhất", ông Hận nói.
Trước những lúng túng đấu thầu mua sắm vắc xin, nhiều tỉnh thành đề nghị Bộ Y tế vẫn tổ chức đấu thầu tập trung, giữ ổn định nguồn cung cấp cũng như việc kiểm định chất lượng.
Khi đấu thầu xong đưa về các địa phương cùng nguồn vắc xin, cùng giá cả như nhau, tùy nhu cầu từng đơn vị nhận số lượng vắc xin phù hợp và thanh toán bằng nguồn ngân sách địa phương.
Có thể sử dụng vitamin A liều thông thường
Cục Quản lý dược và Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) đã họp chung bàn về việc thiếu vitamin A. Do vướng mắc về số đăng ký loại vitamin A liều cao vẫn sử dụng trong các năm trước đây nên đã có phương án có thể sử dụng vitamin A liều thông thường và tăng số lượt uống lên.
Với vắc xin tiêm chủng mở rộng, hiện Bộ Y tế đã sửa thông tư về danh mục đấu thầu, đưa vắc xin vào danh mục và hướng có thể giao Trung tâm đấu thầu mua sắm thuốc quốc gia tổ chức đấu thầu giá khung, các địa phương sẽ mua trong vòng giá khung này.
Đây có thể là phương án để giải quyết vướng mắc thiếu vắc xin và vitamin A ở thời điểm hiện nay.
HỒNG HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận