Bác sĩ Phạm Văn Tuấn - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh (TP.HCM) - cho biết trung tâm thường xuyên rơi vào cảnh thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng, như hiện tại đang thiếu vắc xin "5 trong 1". Để không gián đoạn lịch tiêm, trung tâm y tế yêu cầu trạm y tế hướng dẫn đưa trẻ tiêm vắc xin dịch vụ.
Khổ cả đôi đàng
Bác sĩ Tuấn cho biết nhiều tháng qua số lượng vắc xin tiêm chủng mở rộng được cung cấp không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. "Vắc xin tiêm chủng mở rộng là miễn phí cho người dân, nhưng thường không ổn định nên rất khó" - ông Tuấn nói.
Theo danh sách các loại vắc xin đang được tổ chức tiêm chủng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), hiện có rất nhiều loại vắc xin trong chương trình mở rộng treo thông báo "hết", trong đó có vắc xin bạch hầu - uốn ván, vắc xin "3 trong 1" bạch hầu - ho gà - uốn ván, "5 trong 1" bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - sởi...
Đại diện một trạm y tế phường ở quận Bình Thạnh cho biết tiêm chủng mở rộng rất quan trọng đối với một trạm y tế, nhưng trạm y tế hiện đang "điêu đứng" vì thiếu nhiều vắc xin tiêm chủng mở rộng.
Trạm hiện đang thiếu vắc xin "5 trong 1", còn vắc xin sởi đơn, vắc xin sởi - rubella MR, vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván thì lúc có lúc không.
Cán bộ, nhân viên trạm y tế được tính thi đua, thu nhập tăng thêm qua cả tỉ lệ chích ngừa của trẻ trong phường; thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng, trạm phải vận động trẻ đi chích ngừa dịch vụ nên dù đã cố gắng, nỗ lực nhưng vẫn có cán bộ bị hạ thi đua trong quý vừa qua.
Theo đại diện HCDC, vắc xin tiêm chủng mở rộng do dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cấp thì việc gián đoạn cung ứng vắc xin của mỗi tỉnh thành, trong đó có TP.HCM, là tình hình chung của quốc gia.
TP.HCM thiếu nhiều loại vắc xin
Vào đầu tháng 5, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh thành xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng, báo cáo UBND địa phương bố trí kinh phí và tổ chức mua sắm.
Vì từ năm 2023 Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách, các địa phương sẽ cân đối khoản kinh phí sử dụng mua vắc xin tiêm chủng, triển khai đấu thầu mua sắm thay vì do Bộ Y tế mua như trước đây.
Đến 11-5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế xem xét và có phương án thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá để các địa phương có căn cứ mua sắm, không để thiếu vắc xin cho tiêm chủng mở rộng.
Ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết việc thành phố thiếu nhiều vắc xin tiêm chủng mở rộng đã diễn ra trong thời gian dài. Theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ thì Bộ Y tế vẫn thực hiện đấu thầu, mua sắm tập trung vắc xin tiêm chủng mở rộng.
Sở Y tế TP.HCM đã tính toán và gửi lượng vắc xin tiêm chủng mở rộng dự trù cần dùng trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 về Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.
Theo đó, năm 2023 TP.HCM cần 672.526 liều vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng (gồm 12 loại/nhóm loại), vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin "5 trong 1") cần nhiều nhất với 123.070 liều.
Còn 6 tháng đầu 2024, TP dự kiến cần khoảng hơn 880.000 liều. Tổng cộng từ nay đến tháng 6-2024, TP dự kiến cần đến khoảng gần 1.553.000 liều vắc xin tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ.
Trong giai đoạn thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng phòng bệnh cho trẻ như hiện nay, ngành y tế TP.HCM khuyến cáo tất cả mọi người chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng bệnh truyền nhiễm chung như thường xuyên rửa tay, đặc biệt là trước khi tiếp xúc với trẻ em; chủ động mang khẩu trang khi có triệu chứng hô hấp; thực hiện vệ sinh các bề mặt tiếp xúc, giữ nhà cửa thông thoáng...
Ông Phạm Duy Quang - phó phòng kế hoạch tổng hợp Viện Pasteur TP.HCM - cho biết viện có 27 loại vắc xin dịch vụ trong danh mục.
Các công ty đã bắt đầu giao một số loại vắc xin vào ngày 13-5, dự kiến đến ngày 15-5 viện sẽ có 19/27 loại vắc xin dịch vụ cho hầu hết các loại vắc xin phòng các bệnh có thể tiêm chủng.
Khi nhận được loại vắc xin nào, Viện Pasteur đều tiến hành tiêm ngay các loại vắc xin đó cho người dân.
Như vậy, theo ghi nhận của phóng viên, sau một thời gian thiếu vắc xin tiêm chủng dịch vụ từ tháng 6-2022, đến giờ vắc xin dịch vụ mới có trở lại để tiêm cho người dân.
Thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng, vì sao?
Đại diện Sở Y tế tỉnh Hà Nam cho biết mới nhận được văn bản của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương về rà soát nhu cầu vắc xin tiêm chủng mở rộng sử dụng trong năm 2023 - 2024.
Sở đang giao CDC rà soát nhu cầu. Theo vị này, việc chưa mua được vắc xin một phần do quy định mới về ngân sách giao địa phương tự đấu thầu tự mua, thay vì Bộ Y tế mua và cấp như trước đây.
"Tiền mua vẫn là ngân sách, mua tập trung số lượng lớn chắc chắn sẽ rẻ hơn, còn để địa phương mua có thể xảy ra tình huống Hà Nam mua giá 10 đồng, Nam Định gần đó lại mua được 9,5 đồng, như thế giải trình như thế nào? Chúng tôi mong Bộ Y tế vẫn mua như trước, sau đó chuyển ngân sách chi cho vắc xin từ địa phương về chi trả" - vị này nói.
Trong khi đó, một chuyên gia về tiêm chủng cho biết đấu thầu vắc xin đặc thù hơn so với đấu thầu thuốc, số lượng mặt hàng ít hơn, việc vì sao giá như vậy, hồ sơ thế nào... địa phương chưa làm bao giờ nên cũng lúng túng và cần một lộ trình.
Chuyên gia cho biết năm 2022, theo chỉ đạo, Bộ Y tế đã đấu thầu gối đầu đủ vắc xin cho 6 tháng đầu 2023, nay theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, Bộ Y tế sẽ đấu thầu thêm 6 tháng cuối năm và 2024.
"Tùy địa phương còn hay thiếu vắc xin, nhưng vắc xin "5 trong 1", "3 trong 1" có địa phương đã thiếu từ tháng 4" - chuyên gia cho biết.
LAN ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận