13/03/2023 11:25 GMT+7

Gạc Ma - 35 năm vòng tròn bất tử - Kỳ 2: Hai người lính trở về dưới bóng cờ Tổ quốc

Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi vượt đường xa tìm đến công trình xây dựng nằm sâu trong xã A Vao, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị, để gặp hai người lính đã cùng trải qua thời khắc nóng bỏng trong sự kiện Trung Quốc nổ súng đánh chiếm Gạc Ma.

Ông Bình và ông Sơn hội ngộ cùng đồng đội trong lễ tưởng niệm Gạc Ma - Ảnh: NVCC

Ông Bình và ông Sơn hội ngộ cùng đồng đội trong lễ tưởng niệm Gạc Ma - Ảnh: NVCC

Máu anh hùng ở Gạc Ma

Trở về cuộc sống sau khi cởi tấm áo lính, những con người từng sống chết để giữ đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đang lao động để mưu sinh. Trong ký ức họ, Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao mỗi lần nhắc đến vẫn vẹn nguyên cảm xúc bi tráng.

Giữa trưa, con đường bê tông dẫn từ đường Hồ Chí Minh ngược vào trung tâm xã A Vao chộn rộn xe cộ chở vật liệu cho các công trình xây dựng. Trên gò đất bên suối, hai người đàn ông miệt mài xúc đất, tranh thủ xong việc để về quê hội ngộ cùng những người bạn lính từng trải sóng gió Trường Sa.

"Cứ tới càng gần ngày 14-3 là chúng tôi lại mong ngóng được gặp đồng đội cũ. Cùng đi trên chuyến tàu, cùng đứng giữa làn đạn đối phương nhưng nay người Bắc, kẻ Nam. Cuộc sống mưu sinh, nhưng ai cũng cố sắp xếp để được hội ngộ cùng nhau và ôn lại sự kiện Gạc Ma", ông Trần Xuân Bình (thôn Nhị Trung, Gio Hải, Gio Linh, Quảng Trị), một cựu binh Gạc Ma nói. Và người bên ông chính là đồng đội Trần Xuân Sơn (tổ dân phố Cù Lạc 1, Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình).

Ông Sơn và ông Bình kể cùng ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa dịp tháng 3-1988 nhưng hai người đi trên hai con tàu khác nhau. Ông Bình trên tàu HQ604 đi Gạc Ma, còn người bạn trên tàu HQ605 đi Len Đao.

Hai cựu binh Trường Sa nhớ tình hình đột ngột xấu đi rất nhanh kể từ chiều 13-3-1988. "Tàu HQ604 của tôi nhổ neo từ Khánh Hòa để đưa anh em ra Gạc Ma, nhưng đi được một đêm thì gặp bão lớn nên phải quay về. Sau đó, tàu trở mũi ra lại, nhóm làm nhiệm vụ với tôi gồm có ba hải đồ, năm người lính.

Chúng tôi tới đảo tầm 18h ngày 13-3 thì bỗng vài tiếng sau một tốp tàu quân sự Trung Quốc lù lù tiến tới. Họ dùng loa phóng thanh ngang nhiên thông báo vị trí chúng tôi đứng "thuộc Trung Quốc", yêu cầu rời đi. Tuy nhiên anh em bật loa đáp lại là chủ quyền của Việt Nam. Lúc đó không ai nghĩ tình hình sẽ căng thẳng sau ít giờ nữa", ông Trần Xuân Bình nhớ lại.

Ông Bình cho biết để đảm bảo cắm được cờ chủ quyền trước khi Trung Quốc đặt chân lên Gạc Ma, trong đêm 13-3 nhiều anh em trên tàu HQ604 đã bí mật đổ bộ lên đảo. Tảng sáng 14-3, khi một số công binh thức dậy, ra mũi tàu ngồi đánh răng thì đã thấy cờ Tổ quốc bay trên Gạc Ma. 

Trời sáng lên, nhóm ông Bình gồm bốn anh em tiếp tục được lệnh quấn cờ vào cổ, cầm dụng cụ nhảy xuống tàu bơi vào đảo cắm cờ lượt thứ hai. Đó cũng là lúc dông bão nổi lên.

"Anh em chúng tôi đứng trên đảo chìm rất nhiều. Tàu Trung Quốc thả xuồng đưa hàng chục lính ôm súng gắn lưỡi lê sáng bóng áp sát. Họ yêu cầu chúng tôi rời đi nhưng anh em kiên quyết giữ vững vị trí chủ quyền của mình. 

Khi loạt đạn pháo từ tàu Trung Quốc bắn thẳng vào tàu HQ604 thì lúc đó chúng tôi mới xác định rằng họ đã quyết định nổ súng... Anh em mình trên đảo chìm chỉ dụng cụ công binh và tay không với cán cờ đối mặt với súng đạn, lưỡi lê. Anh em đã hy sinh rất nhiều", cựu binh Gạc Ma Trần Xuân Bình xúc động nhớ lại.

35 năm trôi qua từ khoảnh khắc đau thương trên Gạc Ma, nhưng ông Bình vẫn uất nghẹn, nước mắt chảy thành hàng khi nhớ lại hình ảnh người đồng đội quê Đà Nẵng hy sinh ngay trước mặt mình. 

"Tui chỉ biết anh ấy quê ở Đà Nẵng. Lúc hai bên xô xát nhau, người bạn lính Đà Nẵng đã hy sinh một cách đau đớn nhưng vô cùng kiên cường!", ông Bình trải lòng đến giờ nhớ lại vẫn nghẹn ngào không nguôi.

Hai cựu binh Trường Sa rời quân ngũ, lại đang lao động bên nhau. Ông Trần Xuân Bình bên phải hình - Ảnh: B.D.

Hai cựu binh Trường Sa rời quân ngũ, lại đang lao động bên nhau. Ông Trần Xuân Bình bên phải hình - Ảnh: B.D.

Cuộc hội ngộ ân tình của người lính Gạc Ma

Cùng với ông Bình, cựu binh Trần Xuân Sơn cho biết thời điểm Trung Quốc xả đạn vào anh em trên đảo Gạc Ma, ông cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ ở Len Đao. Ông Sơn nói rằng chỉ gặp ông Bình lúc ở cảng và nhận ra nhau. Khi tàu Trung Quốc trút đạn xuống Gạc Ma, ông không tin ông Bình còn sống. Nhưng trong loang lổ máu và thi thể của đồng đội trên Gạc Ma, ông Bình may mắn không bị bắn và được vớt sau đó.

Sau chuyến ra Trường Sa bi hùng tháng 3-1988, cả ông Sơn và ông Bình đều tiếp tục có thêm những chuyến ra đảo. Họ đã trở về sau cuộc chiến bi tráng và lại tiếp tục lên đường gìn giữ chủ quyền dưới bóng cờ Tổ quốc mình. 

Thế rồi về sau, thông tin hai người bạn bị rời rạc cho tới năm 2016. Sau nhiều năm mất liên lạc với đồng đội, ông Sơn biết có một câu lạc bộ cựu binh Gạc Ma rồi tìm cách kết nối. Ngay trong cuộc hội ngộ lần đầu, ông Sơn nhận ra người bạn lính của mình là Trần Xuân Bình. Hai người đồng đội ôm nhau khóc nức nở nhớ lại bao bạn bè đã ngã xuống cho chủ quyền Tổ quốc.

"Nhiều năm mất liên lạc, cả tôi và anh Bình đều cố gắng dò tìm tung tích về nhau để biết ai còn sống, ai đã chết nhưng không được. Khi gặp lại giữa những người từng sống chết với nhau, chúng tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc", ông Sơn trải lòng.

Cựu binh Sơn cho biết sau khi ra quân, ông về quê nhà Quảng Bình lấy vợ, lập gia đình. Cuộc sống khó khăn nhưng những người lính như ông nhớ và nghĩ về nhau bằng sợi dây tình cảm vô hình. Ở Gio Linh (Quảng Trị), người bạn lính của ông cũng phải sống bươn chải, làm đủ thứ nghề để nuôi gia đình. Ông Bình cho biết nguồn sống của gia đình ông từ lâu nay là đi biển. Do khó khăn nên ông không thể tự sắm cho mình được một con tàu cá mà phải đi bạn với người làng.

Vào những ngày tháng 3 hằng năm dù biển động hay lặng sóng thì con tàu mà ông Bình đi bạn vẫn có những chuyến đi ân tình. Anh em trên tàu biết ông từng là lính Gạc Ma nên cứ tới tháng 3 là tìm cách dìu tàu xa khơi nhất có thể. Con tàu thả neo ở một vị trí thích hợp nhất rồi từng người thắp hương, thả cành hoa hướng về Gạc Ma, vọng về Trường Sa để tưởng nhớ những người lính đã mãi nằm xuống.

Những ngày rưng rưng của tháng 3, chúng tôi gặp cả ông Bình lẫn ông Sơn trên một công trường xây dựng heo hút ở miền biên giới. Ông Bình nói rằng ít năm nay do sức khỏe yếu nên đã không còn đi biển nữa. Ở Quảng Bình, người đồng đội của ông cũng sống chật vật với nghề cắt tóc nên cả hai rủ nhau đi làm thợ hồ.

"Trong làng tui có công ty xây dựng, họ biết tui là lính nên có việc gì cũng kêu, dù sức mình đã rất yếu. Tui bảo nếu nhận tui thì nhận luôn bạn lính của tui từ Quảng Bình. Tui gọi điện kêu Sơn chạy vào rồi anh em cùng đi làm nuôi vợ con", ông Bình tâm tình thêm mình là lính mà, thời nào cũng sống kiên cường.

Trong những thanh niên ra làm nhiệm vụ ở Trường Sa thời điểm tháng 4-1988, có một người lính quê Quảng Bình ngày trở về với thân thể ốm đau. Thương người thương binh, chính quyền, bà con xóm làng đã giúp anh tìm vợ rồi tổ chức một lễ cưới linh đình.

Những công dân mang tên Trường Sa, Cô Lin, Sinh Tồn...

Ở Quảng Bình, Quảng Trị... nơi nhiều lính đầu quân cho Trường Sa giai đoạn 1988 có rất nhiều đứa trẻ khi sinh ra được đặt những cái tên đặc biệt gắn liền với biển đảo, đó là Nguyễn Xuân Trường (Trường Sa), Trần Xuân Lin (Cô Lin).

Cựu binh Gạc Ma Trần Xuân Bình cho biết ông cũng lấy tên các con cháu của mình theo tên từng hòn đảo: con trai đầu của ông được đặt tên Trần Xuân Sa, con thứ hai là Trần Xuân Sinh, đứa cháu nội cũng được ông đặt tên Trần Xuân Lin gắn với hòn đảo Cô Lin ở Trường Sa.

Trong khi đó, cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Thống ở Quảng Bình cũng đặt tên hai đứa con theo tên những nơi mà ông đã từng sống chết, đó là Nguyễn Xuân Trường (Trường Sa).

Gạc Ma - 35 năm vòng tròn bất tử - Kỳ 1: Về nơi có 7 liệt sĩ Gạc MaGạc Ma - 35 năm vòng tròn bất tử - Kỳ 1: Về nơi có 7 liệt sĩ Gạc Ma

35 năm trước, ngày 14-3-1988 lịch sử, 64 người con nước Việt đã loang máu đỏ ở Gạc Ma. Các anh bất khuất hy sinh cho chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên