18/03/2016 14:13 GMT+7

Cô Lin - mãi mãi khắc ghi

Đại tá VŨ HUY LỄ - QUỐC VIỆT ghi
Đại tá VŨ HUY LỄ - QUỐC VIỆT ghi

TT - “Từ lúc này con tàu hết cơ động được rồi. Nó sẽ trở thành pháo đài bảo vệ Cô Lin. Chúng ta còn thì đảo còn. Anh em sẵn sàng chiến đấu đến người lính cuối cùng!”

Tàu HQ-505 bốc cháy khi lao lên rạn san hô, biến thành pháo đài trên bãi Cô Lin - Ảnh đăng trang nhất báo Nhân Dân tháng 4-1988
Tàu HQ-505 bốc cháy khi lao lên rạn san hô, biến thành pháo đài trên bãi Cô Lin - Ảnh đăng trang nhất báo Nhân Dân tháng 4-1988

Lao được HQ-505 lên bãi ngầm san hô, tôi đã nói với anh em như vậy.

Trấn thủ Cô Lin

Vừa lo dập lửa, cứu chữa thương binh, chúng tôi vừa bắc ống nhòm nhìn qua phía Gạc Ma. Không ai kìm được nước mắt căm hờn. Con tàu thân thương HQ-604 đã bị chiến hạm Trung Quốc bắn chìm.

Các chiến sĩ lữ đoàn 146 và công binh hải quân người hi sinh, người bị thương trôi dạt sau cuộc thảm sát của những kẻ xâm lược...

Tôi nghẹn ngào lệnh hạ ngay các xuồng cứu sinh sang Gạc Ma. Bên ấy nhiều đồng đội đang cần giúp đỡ khẩn cấp.

Tuy nhiên, sau trận đạn pháo dữ dội của địch, xuồng mạn phải tàu HQ-505 đã hỏng nặng, không thể hoạt động được nữa. Xuồng bên trái cũng hư hại nhưng anh em cố gắng sửa chữa. Tôi nói phải hết sức nhanh chóng, sinh mạng đồng đội mình đang tính bằng giây ở bên kia.

Chỉ ít phút sau, chiếc xuồng được hạ xuống biển. Trung úy Phạm Xuân Đỉnh, thượng úy Phạm Văn Hưng, Dương Hải Nam... vội vã sang Gạc Ma. Hơn 40 chiến sĩ, thương binh, tử sĩ đã được chúng tôi vớt trong buổi sáng hôm ấy.

Anh em nuốt nước mắt căm hờn, tìm xác đồng đội trên bãi san hô ngầm. Có người đã hi sinh nhưng vẫn đang cầm cuốc xẻng trong tay. Họ chỉ là những người lính công binh. Nhiều thi hài không còn nguyên vẹn trước nòng súng cao xạ chuyên dùng bắn máy bay.

Thi hài trung úy Trần Văn Phương, người đã bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc trước họng súng quân xâm lược, được tìm thấy.

Thượng sĩ Nguyễn Văn Lanh, chiến sĩ thay thế Trần Văn Phương ôm chặt lá quốc kỳ, bị trọng thương vì hải quân Trung Quốc đâm bằng lưỡi lê và bắn thẳng vào ngực, cũng được chúng tôi đưa về tàu HQ-505 sơ cứu...

Thi hài tử sĩ được chúng tôi đặt nằm trên boong tàu, đầu quay về nơi đất mẹ quê nhà. Đã từng trải qua chiến tranh nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh bi tráng này.

Gần 12g trưa 14-3-1988, tàu HQ-671 đến cập phía sau đuôi lái chúng tôi. Anh em xúc động ôm chặt lấy nhau, nghẹn ngào nhìn thi hài đồng đội vẫn còn đang ứa máu đỏ thẫm dưới lá cờ Tổ quốc trên tàu.

Tôi bàn với thuyền trưởng HQ-671 nhanh chóng chuyển thương binh, tử sĩ về đảo Sinh Tồn để lo liệu cho anh em. Lúc này tàu của tôi đã hư hỏng nghiêm trọng, không thể cơ động được nữa, cả lương thực và thuốc men cũng bị đạn bắn cháy ra tro.

Tôi cũng vội vã viết một điện thư nhờ tàu HQ-671 gửi về cho Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương ở Sở chỉ huy, báo cáo tình hình các tàu HQ-604, HQ-605 tại bãi chiến sự Gạc Ma, Len Đao và tàu chúng tôi ở Cô Lin sáng 14-3.

Cuối thư, tôi xin tiếp tục được cùng đồng đội ở lại trấn giữ chủ quyền đảo này...

Trời xâm xẩm chiều, phía chân trời xa chúng tôi lại thấy bóng một chiếc tàu xuất hiện. Mọi người căng mắt đề phòng, sẵn sàng vị trí chiến đấu, nhưng không phải chiến hạm Trung Quốc mà là tàu HQ-931 của Việt Nam.

Anh em đến giúp sửa chữa lại phần nào những hư hỏng có thể sửa được và tiếp tục dập các ổ cháy còn nghi ngút trên HQ-505.

Để bảo toàn lực lượng, tránh bị thương vong hết nếu chiến hạm Trung Quốc lại bắn phá mà vẫn giữ được tàu, giữ được đảo, tôi bàn: “Một số anh em theo tàu 931 về Sinh Tồn. Thuyền trưởng và chín chiến sĩ sẽ ở lại bám trụ cùng tàu để chờ đất liền chi viện”.

Nhiều cánh tay giơ lên tình nguyện ở lại, tôi chỉ chọn đúng chín người đủ để phân thành năm tổ chiến đấu. Nếu phải hi sinh, chúng tôi cũng chỉ hi sinh 10 người.

Đồng đội còn sống sẽ trả thù cho chúng tôi. Lúc chia tay, anh em ôm chặt người ở lại, nói lời tạm biệt rằng sẽ kể cho đồng bào đất liền biết toàn bộ sự kiện bi hùng này. Và bất cứ lúc nào anh em cũng sẵn sàng trở lại chiến đấu cùng chúng tôi.

Thảo tiếp một điện báo nhờ tàu HQ-931 gửi về Sở chỉ huy, tôi trình bày kế hoạch phòng thủ. Chỉ 30 phút sau, tôi nhận được điện thư trả lời của Tư lệnh Giáp Văn Cương: Nhất trí với đề xuất của đồng chí Lễ. Biểu dương chiến sĩ.

Tối 14-3, tôi tranh thủ nhờ tàu bạn sang Sinh Tồn để thăm thương binh và viếng đồng đội đã hi sinh. Lòng tôi thắt nghẹn. Mắt cay sè. Tôi nhận máy thông tin 108 chỉ đủ tầm ngắn để liên lạc được với đảo Sinh Tồn và một ít thực phẩm khô của anh em chia sẻ rồi về ngay tàu HQ-505.

Trên con tàu HQ-505 tả tơi đạn pháo, 10 người lính hải quân ở lại để bảo vệ quốc kỳ, bảo vệ Cô Lin - Ảnh: Nguyễn Trọng Tâm chụp tháng 3-1988
Trên con tàu HQ-505 tả tơi đạn pháo, 10 người lính hải quân ở lại để bảo vệ quốc kỳ, bảo vệ Cô Lin - Ảnh: Nguyễn Trọng Tâm chụp tháng 3-1988

Mãi mãi khắc ghi

Triệu tập cuộc họp nhanh, tôi nói với chiến sĩ: “Từ lúc này, mọi người sẵn sàng chiến đấu. Người lính còn thì ngọn cờ Tổ quốc vẫn còn trên đảo này”.

Tôi lệnh mang toàn bộ vũ khí DKZ, trung liên RPD, B40, B41, AK lên boong để bố trí các ổ hỏa lực phòng thủ. Chiến sĩ trẻ chưa quen trận mạc được tôi và thượng úy Phạm Văn Hưng, trưởng ngành pháo, nhanh chóng huấn luyện sử dụng hỏa lực bộ binh DKZ, B40, B41.

Tất cả phải sẵn sàng chiến đấu ở mọi vị trí cho đến viên đạn cuối cùng và người cuối cùng. Vũ khí chúng tôi không thể đối đầu với pháo hạm tầm xa, nhưng sẽ sẵn sàng đánh trả thủy quân Trung Quốc đổ bộ chiếm đảo...

... Những ngày cùng tàu HQ-505 cố thủ trên bãi ngầm Cô Lin là thời gian cực kỳ căng thẳng, nóng bỏng. Hầu như ngày nào chiến hạm Trung Quốc cũng kéo đến đe dọa. Đối phương liên tục chĩa thẳng các nòng pháo vào chúng tôi, rồi phát loa gọi đích danh “thuyền trưởng Lễ ra hàng”.

Đêm khuya, các chiến hạm còn bật đèn cao áp, pha vào tàu HQ-505 để khủng bố tinh thần chiến sĩ.

Nhiều lần các chiến hạm Trung Quốc còn hung hãn áp sát, vừa đúng tầm súng bộ binh. Anh em bàn với nhau đồng loạt khai hỏa mấy khẩu DKZ, B40, B41 để trả thù cho đồng đội đã đổ xuống Gạc Ma.

Nếu chúng tôi hi sinh thì ít nhất chiến hạm Trung Quốc cũng phải trả giá nặng nề. Tôi điện về Sinh Tồn nhờ đảo này chuyển tiếp báo về Sở chỉ huy biết ý định chiến đấu.

Các anh trả lời: Nắm vững đối sách trên biển, chỉ nổ súng khi đối phương đổ quân lên chiếm đảo. Hãy bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì giữ đảo, không mắc mưu khiêu khích của địch.

Đọc bức điện, tôi hiểu Sở chỉ huy. Tình thế này giữ được đảo là thành công. Tôi còn nhớ có ngày nhiều tàu chiến Trung Quốc kéo tới định chiếm đảo Len Đao mà hải quân Việt Nam vẫn đang giữ vững chủ quyền sau trận chiến 14-3-1988.

Qua ống nhòm, chúng tôi đang căng thẳng lo cho đồng đội quá mỏng bên đó thì bất ngờ các máy bay chiến đấu của chúng ta từ đất liền lao đến. Chiến hạm Trung Quốc phải thoái lui...

... Vừa rồi ở tuổi ngoài 70, tôi được trở lại thăm vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao. Nhắc nhớ nỗi đau hương hồn, hài cốt đồng đội còn đang nằm dưới đáy biển sâu, tôi tâm sự với các chiến sĩ trẻ rằng:

“Chúng ta không giây phút nào được phép lãng quên một phần Tổ quốc bị xâm lược. Nỗi đau này dân tộc sẽ mãi mãi khắc ghi...”. 

_________________

Kỳ tới: Biệt đội cảm tử đổ bộ Len Đao

Các kỳ trước:

Đại tá VŨ HUY LỄ - QUỐC VIỆT ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên