
Danh sách thật dài các liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng phường Điện Nam Bắc - Ảnh: B.D.
Sống đến hôm nay, chứng kiến làng quê mênh mông cát trắng và mùi khét của bom đạn ngày xưa, những người từng trải nhất thôn Cẩm Sa (phường Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) cũng không thể tin rằng hòa bình đã tạo ra sự chữa lành như phép màu đổi thay quê hương.
"Đêm đó là ngày mùng 8 tháng Chạp năm Mậu Thân 1968, đại bác giội từ Cồn Khe (nay là ngã tư Điện Ngọc) vào làng. Tôi nghe tiếng trẻ con khóc..." - ông Nguyễn Văn Phước, 67 tuổi, nhân chứng chiến tranh ở khối phố Cẩm Sa (làng Cẩm Sa), rưng rưng kể về những ngày chiến tranh khốc liệt.
Ra ngõ gặp anh hùng
Ông Phước kể thêm: "Sáng hôm sau cả làng rùng rùng lính "mãnh hổ, rồng xanh" (biệt danh lính Hàn Quốc) súng ống lăm lăm. Trẻ con bu theo mẹ, người già bưng thúng quang gánh rời bỏ quê hương qua bên kia sông để về nơi tránh trú. Chúng tôi nghĩ quê hương mình đã tàn lụi, nào đâu được như ngày hôm nay".
Cẩm Sa giờ là khối phố nhưng cái tên đó vẫn mãi là ngôi làng bi tráng, kiên cường ở Quảng Nam. Chỉ một ngôi làng nhỏ như Cẩm Sa mà có 343 liệt sĩ, hơn 100 Mẹ Việt Nam anh hùng và hầu như nhà nào cũng thờ phụng người có công với cách mạng.
"Ở quê tôi cứ ra ngõ là gặp anh hùng. Đất hiền nuôi những anh hùng" - Phó chủ tịch UBND phường Điện Nam Bắc Trần Vĩnh Lộc (57 tuổi) nói. Theo ông Lộc, ở trụ sở UBND phường Điện Nam Bắc, hầu như cán bộ nào cũng là con em của các gia đình chính sách. Riêng gia đình ông có tới ba người thân là Mẹ Việt Nam anh hùng, một trong số này là mẹ ông. Gia đình ông cũng thờ phụng bốn liệt sĩ.
Ngay sau lưng UBND phường Điện Nam Bắc có một căn nhà thờ tộc nhỏ nằm thấp mái dưới tán cây mít. Chỉ là một nhà thờ dòng tộc nhưng đây lại là không gian thờ phụng tổng cộng 14 liệt sĩ, bốn Mẹ Việt Nam anh hùng, tất cả đều là anh em gần với nhau.
Những ngày sắp đến thời khắc lịch sử 30-4, ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ông Phước đi đâu đều nóng lòng quay trở về lại để hương khói, dọn dẹp nhà thờ cho anh em bà con và người ở xa về thắp nhang.
Ông Phước có bốn người thân được Nhà nước phong Mẹ Việt Nam anh hùng gồm Hồ Thị Bút (mẹ ruột ông Phước), Phạm Thị Chúc (bà nội ông Phước), Lê Thị Học (cô ruột ông Phước) và Lê Thị Nữ (ông Phước gọi bằng thím).
Ngoài các Mẹ Việt Nam anh hùng, 14 liệt sĩ đang được gia đình anh em ông Phước thờ phụng đều là anh em thân thuộc tính từ đời bà nội của ông Phước cho tới khi hòa bình lập lại. Ông Phước có người anh ruột là trung tướng Nguyễn Văn Thảng - nguyên chính ủy Quân khu 5.
Dù có tới 14 liệt sĩ và bốn Mẹ Việt Nam anh hùng, ông Phước vẫn nói trường hợp của ông vẫn "chưa là gì" so với bà con ở Cẩm Sa. Theo ông, làng này trước đây quần tụ ở gần biển, bao quanh là đồi cát trắng, dân nghèo đói quanh năm nhưng dân ở đây có lòng kiên thành đặc biệt với cách mạng.
Giai đoạn 1967-1968, vùng Cẩm Sa trở thành chiến tuyến ác liệt. Bộ đội, du kích nằm trong dân và được dân che chở, bao bọc. Ban ngày dân đi làm ruộng như không có gì, nhưng đêm lại hóa thành du kích.
Năm 1968, đơn vị lính Hàn Quốc đổ xuống làng càn quét, dân Cẩm Sa phải bồng bế nhau qua hướng Điện Thắng (nay là Điện Thắng Bắc, Nam) bây giờ để sống, mãi tới sau năm 1975 mới về lại gầy dựng làng.

Lá cờ Tổ quốc luôn được giữ tươi mới trước nhà thờ các liệt sĩ trong gia đình ông Phước
Bia thờ vẫn thêm những dòng chữ bi tráng
Nằm ngay trung tâm Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, trụ sở UBND xã Điện Nam Bắc sát bên một đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Khuôn viên nơi linh thiêng này nằm hẳn trong khu đất xã, mỗi ngày các gian thờ đều được giữ ấm khói nhang.
Chúng tôi rưng rưng trước một tấm bia lớn đặt ngay sau lư hương đài tưởng niệm. Không phải bởi sự bề thế mà gần như bia tràn những dòng chữ nhỏ li ti khắc kín tên tuổi từng anh hùng liệt sĩ và các Mẹ Việt Nam anh hùng. Hàng chữ Mẹ Việt Nam anh hùng được khắc lên trên, phía dưới là các con.
Tổng cộng có hơn 700 liệt sĩ, hơn 200 Mẹ Việt Nam anh hùng (tới nay bốn mẹ còn sống) cùng 10 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ở phường Điện Nam Bắc.
Ông Trần Vĩnh Lộc tâm sự tấm bia ghi danh gần như mỗi năm lại kín thêm. Có những liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng trước đây chưa có tên nhưng sau khi hồ sơ chính sách được làm xong thì Nhà nước có quyết định truy tặng.
Để có tên đầy đủ, những tấm bia mới được làm rồi dựng vào tấm bia lớn. Phường Điện Nam Bắc có bốn thôn, Cẩm Sa là nơi có nhiều liệt sĩ nhất với 343 liệt sĩ, thôn 2A có 231 liệt sĩ, thôn Bình Ninh có 172 liệt sĩ và thôn Phong Hồ Tây có 31 liệt sĩ.
Theo ông Lộc, hiện nay Điện Nam Bắc còn đang có hàng ngàn thương, bệnh binh và gia đình chính sách. Dịp 27-7 là khoảng thời gian đặc biệt nhất khi gần như cả xã tập trung cho các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa.
Cũng trong thời gian này, các đoàn viếng thăm từ trung ương đến tỉnh, huyện đổ về Điện Nam Bắc liên tục, có những ngày đường xe đậu chật kín vì gia đình nào cũng thờ phụng liệt sĩ.
Nhiều năm qua, Điện Nam Bắc cũng có một ngày giỗ chung rất đặc biệt vào ngày 27-7. Vào ngày này, các dòng tộc, nhà thờ đồng loạt nổi trống, con cháu tề tựu đông đủ để dâng hương làm lễ cúng chung cho những người đã mất. Nhiều gia đình bị bom đạn "xóa tên" cả dòng họ, không còn người kế tục cũng được bà con chòm xóm hương khói, làm lễ chung.
"Gia đình chúng tôi có 14 liệt sĩ, nếu giỗ riêng từng ngày thì không đủ điều kiện nên anh em thống nhất giỗ chung vào ngày 27-7 cho tất cả", ông Phước rưng rưng.

Ông Phước thắp hương cho những người đã nằm xuống vì hòa bình
Theo ông Lê Văn Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh có hơn 65.000 liệt sĩ, gần 31.000 thương bệnh binh, hơn 6.000 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cùng gần 12.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày... Hiện toàn tỉnh có 15.360 Mẹ Việt Nam anh hùng, 294 mẹ còn sống.
Thị xã Điện Bàn là một trong những nơi có số liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất cả nước.
"Phép lạ" chữa lành từ hòa bình
Phường Điện Nam Bắc trước đây từng không có bóng người ở do dân làng dắt díu nhau đi tránh chiến tranh. Trong số này, làng Cẩm Sa từng được gọi là "làng trắng" bị bom đạn cày nát từng tấc đất.
Kể từ khi chiến tranh kết thúc, người dân lần lượt quay về xây dựng quê hương. Trung tâm phường Điện Nam Bắc được quy hoạch làm Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Mọi thứ thay đổi chóng vánh. Từ chỗ không có người, tới nay Điện Nam Bắc là trung tâm công nghiệp Bắc Quảng Nam, dân số đã hơn 7.000 người, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 70 triệu đồng/năm.
Ông Trần Vĩnh Lộc nói rằng gia đình ông từng nghĩ chiến tranh đã xóa sạch tất cả, làng sẽ mãi không có người quay trở lại, nhưng nay như một phép màu. "Nhờ hòa bình mà tôi được cử làm thôn trưởng, được cho đi học rồi sau về làm cán bộ xã cho tới nay. Có trải qua chiến tranh mới thấy hòa bình là quý báu không gì bằng", ông Lộc trải lòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận