24/07/2024 17:26 GMT+7

Người dân một làng ở Quảng Nam góp lễ, tổ chức giỗ chung cho liệt sĩ

Những ngày này, người dân thôn Ninh Khánh (xã Ninh Phước, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) gác công việc để sửa soạn mâm cúng, chuẩn bị lễ giỗ chung cho 21 anh linh liệt sĩ hy sinh năm 1968 dưới chân núi Gò Trại.

Mâm cỗ của người làng Ninh Kháng góp để làm lễ giỗ cho 21 liệt sĩ hy sinh ở Trại Tiệp - Ảnh: NHƯ BÍCH

Mâm cỗ của người làng Ninh Kháng góp để làm lễ giỗ cho 21 liệt sĩ hy sinh ở Trại Tiệp - Ảnh: NHƯ BÍCH

Sáng 24-7, bà Nguyễn Thị Bích (67 tuổi) - hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Nông Sơn - tất tưởi ngược xuôi ở chợ để sắm lễ, góp cùng bà con chuẩn bị cho lễ giỗ chung của 21 liệt sĩ hy sinh năm 1968 tại thôn Ninh Khánh.

Bia tưởng niệm liệt sĩ không tên, không quê quán

Trong góc nhà của mình, những bộ áo giấy in hình quân trang của bộ đội giải phóng treo thành từng dãy. Bà Bích cho biết phải tìm một người làm áo giấy chuyên nghiệp rồi đưa mẫu để thợ làm theo.

Những bộ quân trang để hóa vàng này gồm quần áo màu xanh, cầu vai, dép cao su, mũ cối. Tất cả được sắm cẩn thận, sửa soạn lên mâm cúng mà các hộ dân góp lại để đặt trên bia tưởng niệm ở Trại Tiệp, dưới chân núi Gò Trại.

Từ lâu, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nằm sâu trong rừng keo ở thôn Ninh Khánh trở thành nơi linh thiêng.

Cứ tới ngày 26-7 dương lịch hằng năm, trước Ngày Thương binh - Liệt sĩ thì dân ở thôn Ninh Khánh tề tựu đông đủ để làm lễ giỗ chung tưởng nhớ các liệt sĩ.

Ông Trương Thành Tá, người dân thôn Ninh Khánh và cũng là cựu chiến binh - cho biết nơi đặt đài tưởng niệm là nơi từng xảy ra cuộc thảm sát đẫm máu của Mỹ với bộ đội giải phóng.

Những năm 1967-1968, tuyến đường nối vùng đồng bằng ở Quế Sơn ngược lên mạn Đông Trường Sơn, tỉnh Quảng Nam là đường liên vận đưa hàng hóa, quân nhu tiếp viện cho chiến trường.

Khoảng tháng 7-1968, trong lúc vận chuyển thương binh từ núi xuống đồng bằng, 21 bộ đội giải phóng bị phục kích, toàn bộ anh em bộ đội, trong đó có một nữ y tá đã hy sinh.

Ông Hồ Văn Thư (xã Ninh Phước) - người chứng kiến sự việc - cho biết sau khi nổ súng giết 21 chiến sĩ quân giải phóng, lính Mỹ tổ chức canh gác không cho bất cứ thường dân nào vào chôn cất các thi thể.

Mãi lâu sau một số bà con mới được vào tận nơi. Lúc này toàn bộ quân trang, giấy tờ của bộ đội đã bị tiêu hủy.

Ngày giỗ linh thiêng ở Trại Tiệp

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nông Sơn, đại tá Nguyễn Phước Cương, kể sau giải phóng, người dân ở vùng Nông Sơn thường xuyên lên núi để làm nghề rừng.

Biết nơi 21 liệt sĩ nằm lại không có mồ mả, không ai chôn cất, lâu ngày cây cối mọc lên hoang phế nên bà con dựng một khóm thờ. Mỗi ngày trước và sau mỗi chuyến đi rừng, bà con đều ghé lại để thắp nhang tưởng niệm, cầu bình an.

Khóm thờ các vong linh liệt sĩ được bà con nhang khói qua nhiều năm. Cứ vào ngày 26-7 dương lịch, từng hộ gia đình đội mâm cúng ra bờ suối, nơi gần khóm thờ để thắp hương làm lễ giỗ chung cho các anh linh.

Khuôn viên đài tưởng niệm 21 liệt sĩ Trại Tiệp - Ảnh: B.D.

Khuôn viên đài tưởng niệm 21 liệt sĩ Trại Tiệp - Ảnh: B.D.

Sau năm 2012, một số bà con trong thôn Ninh Khánh cùng Hội Cựu chiến binh huyện Nông Sơn đã đi vận động tài trợ để nâng cấp khóm thành đài tưởng niệm liệt sĩ.

Đại tá Nguyễn Phước Cương cho biết nhờ sự góp tay của nhiều người, đài tưởng niệm được làm chỉn chu. Tới nay, ngoài gian đặt bia thắp nhang còn có gian nhà soạn lễ, khuôn viên tường rào kiên cố. Tất cả nằm gọn trong khoảnh đất khoảng 400m2.

Cũng thành thông lệ, hơn 100 hộ dân ở thôn Ninh Khánh đã coi ngày 26-7 là dịp quan trọng và thiêng liêng. Mọi người dù đi xa hay ở lại làng đều tề tựu đông đủ để tưởng nhớ những người đã ngã xuống cho hòa bình, tự do của dân tộc.

Từng nhà tùy theo điều kiện của mình mà soạn mâm cúng. Người không có mâm cúng thì góp chai rượu, người góp nắm xôi, đụn mía, bao đường… Tất cả đều được soạn ra trang trọng rồi thắp hương cầu nguyện cho các anh hùng liệt sĩ.

Dời lễ giỗ để tưởng niệm cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đại tá Nguyễn Phước Cương cho biết dù chỉ là nghi lễ nhỏ xuất phát từ cộng đồng nhưng lễ giỗ liệt sĩ ở Trại Tiệp luôn thu hút rất đông bà con và người ở gần xa. Nhiều nguyên lãnh đạo quan trọng từng giữ các chức vụ lớn cũng nhiều lần có mặt.

Năm nay kế hoạch lễ giỗ được dời qua đúng ngày 27-7 để bà con tập trung cho lễ Quốc tang của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Tới nay, tất cả 21 liệt sĩ đã nằm lại vẫn chưa xác định được tên tuổi, quê quán, ngày hy sinh. Dù vậy bà con vẫn đồng lòng làm lễ giỗ như một hoạt động tri ân để tưởng nhớ những người đã nằm xuống cho hòa bình" - ông Cương nói.

Hoãn tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - liệt sĩHoãn tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có công văn về việc hoãn tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ và 95 năm thành lập công đoàn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên