27/07/2022 16:44 GMT+7

Hàng trăm du khách, người dân viếng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

MINH CHIẾN
MINH CHIẾN

TTO - Ngày 27-7, hàng trăm du khách, người dân và thân nhân các liệt sĩ đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma với niềm xúc động, tự hào về những người đã nằm xuống giữa lòng biển khơi vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hàng trăm du khách, người dân viếng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh 1.

Những lẵng hoa được kính cẩn dâng lên các liệt sĩ - Ảnh: THỤC NGHI

Có mặt từ sớm tại khuôn viên Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), chị Đặng Thanh Hương (du khách từ Hà Nội), cho biết cả nhà chị có 5 người, đến Nha Trang được hai hôm. Nhân Ngày thương binh - liệt sĩ, vậy là chị quyết định hoãn chuyến đi biển và cùng cả gia đình vào đây để thắp cho các chiến sĩ những nén hương.

"Từ nhỏ tôi đã biết về trận hải chiến Gạc Ma và câu chuyện các anh lấy thân mình xây nên một vòng tròn bất tử. Sáng nay, sau khi thắp hương xong, tôi có đến khu vực mộ gió, nhìn ngắm tấm bia khắc tên những liệt sĩ tôi cảm thấy nghẹn ở trong lòng. 

Tôi muốn đưa con đến đây để chúng nó hiểu được giá trị của hòa bình, sự hạnh phúc hiện tại được đánh đổi bằng xương máu của cha ông như thế nào. Trong khuôn viên của khu tưởng niệm có trồng nhiều cây bàng vuông và hoa sữa, mấy mẹ con cũng tranh thủ nhặt hoa và lá bàng mang về ép khô để có cái để kỷ niệm khi lần đầu đến đây", chị Hương nói.

Hàng trăm du khách, người dân viếng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh 2.

Nhiều du khách dâng hương tại khu mộ gió các liệt sĩ - Ảnh: MINH CHIẾN

Hàng trăm du khách, người dân viếng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh 3.

Chị Hương và con xem những kỷ vật mà các liệt sĩ để lại

Hàng trăm du khách, người dân viếng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh 4.

Khu vực ảnh trong khu bảo tàng luôn thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của khách tham quan - Ảnh: MINH CHIẾN

Trong màu áo xanh thanh niên, anh Phạm Văn Tuấn, bí thư chi đoàn nhà nghỉ dưỡng 378 (Bộ Công an), chia sẻ: "Nhìn những hình ảnh, tư liệu được trưng bày trong bảo tàng, chúng tôi rất xúc động biết ơn các đồng chí đã hy sinh bảo vệ bờ cõi của đất nước, dù các anh đã đi xa nhưng công ơn của các anh sẽ mãi được thế hệ đi sau khắc ghi".

Trước đó, ngày 23-7, tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức đại lễ cầu siêu anh linh 64 liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma. Sự kiện còn có sự tham gia của 64 thân nhân liệt sĩ Gạc Ma.

Lễ cầu siêu đã thực hiện những nghi thức trang trọng với hơn 1.500 đèn hoa đăng được thân nhân, cán bộ đoàn viên, các tăng ni, phật tử thắp sáng dẫn lối về trong khuôn viên khu tưởng niệm.

Hàng trăm du khách, người dân viếng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh 5.

Nhiều thân nhân, cán bộ đoàn viên thắp hoa đăng dẫn từ biển về phía khu tưởng niệm - Ảnh: THỤC NGHI

Hàng trăm du khách, người dân viếng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh 6.

Vòng tròn bất tử lung linh bởi ánh đèn màu và hoa đăng - Ảnh: THỤC NGHI

Là một trong số những thân nhân tham dự buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hường (58 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An), chị gái liệt sĩ Nguyễn Tất Nam, cho biết ngày 22-7 bà vừa trao lại chiếc áo mút và chiếc khăn len quấn cổ mà anh Nam để lại.

"Chiếc áo và chiếc khăn quấn cổ này được tôi giữ rất kỹ, mỗi lần mở tủ ra nhìn những món đồ này lòng tôi lại nhớ em không thôi. Trước đó tôi có gửi cho khu tưởng niệm bức thư của em căn dặn trước lúc hy sinh, bây giờ tôi muốn gửi lại 2 kỷ vật duy nhất này để trưng bày ở đây, tuy không giữ chúng bên mình nữa nhưng tôi vẫn cảm thấy vui khi đóng góp cho bảo tàng và muốn nhắc nhở mọi người không được quên trận chiến năm xưa", bà Hường tâm sự.

Bà Hường kể tháng 1-1985, anh Nam lên đường nhập ngũ, vì sợ chị buồn nên anh đã âm thầm lên xe, vậy mà vẫn không quên nhờ bạn gửi chị chiếc áo, chiếc khăn quấn cổ rồi cả đôi dép... vì lo trời rét, lo chị mới lập gia đình thiếu thốn trăm bề.

"Trước ngày em nó lên đường, hai chị em lên chợ tôi mua cho nó cái áo mút 5.000 đồng với đôi dép Tiền Phong 4.000 đồng, còn cái khăn len nó được dì gửi tặng. Vậy mà lúc nó lên xe nó sợ tôi buồn nên đi lẳng lặng một mình, rồi nhờ bạn đưa lại cho tôi mấy món đồ mà tôi đã chuẩn bị cho nó. Vì nó biết tôi lúc đó còn nghèo, nó vào quân ngũ sẽ được cấp áo nên nhường lại chị.

Nó là chàng trai duy nhất trong nhà là người mà tôi thương nhất, cái áo mút này tôi mặc cả mấy chục năm giữ cẩn thận lắm vì nó là kỷ vật cuối cùng mà em để lại với đời, sau này tôi mập mặc không vừa mới mang cất. Mỗi lần nhớ em là tôi lại không ngủ được, em đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng cũng chẳng trở về nữa" - bà Hường nói.

Hàng trăm du khách, người dân viếng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh 7.

Liệt sĩ Nguyễn Tất Nam - Ảnh: THU HƯỜNG

Hàng trăm du khách, người dân viếng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh 8.

Chiếc áo mút và chiếc khăn len quấn cổ mà liệt sĩ Nam để lại cho chị gái trước lúc đi xa - Ảnh: THU HƯỜNG

Hàng trăm du khách, người dân viếng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh 9.

Bà Hường bên lá thư em trai gửi trước lúc hy sinh - Ảnh: MINH CHIẾN

Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cũng cho biết, từ đầu năm đến nay có 207 đoàn khách tham quan với 12.791 lượt khách, trong tháng 6 - 7 có 80 đoàn với hơn 1.600 lượt khách.

Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại Trường Sa - Gạc Ma và những người nằm lại

TTO - Suốt 47 năm qua, để giữ Trường Sa vững vàng trước sóng gió, "những người nằm lại phía chân trời" không chỉ riêng 64 liệt sĩ Gạc Ma. Chỉ tính từ 1975 tới năm 2010, đã có 166 liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa.

MINH CHIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên