29/03/2024 11:47 GMT+7

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ dừng ở ga Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ là ga nội đô

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ được di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.

Ga Hà Nội sẽ là ga nội đô - Ảnh: VIỆT DŨNG

Ga Hà Nội sẽ là ga nội đô - Ảnh: VIỆT DŨNG

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa báo cáo UBND TP việc rà soát và định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn.

Theo đó, việc thực hiện và định hướng triển khai các dự án đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị tại Hà Nội theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đã được UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải cơ bản thống nhất.

Với mạng lưới đường sắt trên trục Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất với UBND TP Hà Nội về hướng tuyến và ga đầu mối.

Cụ thể, sẽ mở rộng tổ hợp nhà ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) để vừa tích hợp nhà ga, vừa là khu depot, trạm bảo dưỡng... của cả các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị.

Tuyến đường sắt tốc độ cao chỉ dừng ở ga Ngọc Hồi, không đi vào ga Hà Nội.

Hệ thống đường sắt đô thị nội đô sẽ kết nối các đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, bố trí thêm các tuyến dọc các hành lang có mật độ dân cư đông, tập trung việc làm cũng như các dịch vụ thương mại, với các đầu mối giao thông như cảng hàng không, ga đường sắt lớn.

Ga Hà Nội sẽ được xây dựng theo hướng ga cao tầng và trở thành ga nội đô, có nhiệm vụ là nhà ga kết nối, trung chuyển khách cho các tuyến đường sắt đô thị.

Từ nay đến năm 2035, Hà Nội sẽ thực hiện và hoàn thành 10 tuyến đường sắt đô thị, trong đó ga Hà Nội là ga tiếp nhận, vận chuyển khách chính của các tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3), tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên (tuyến số 1).

Với mạng lưới 8 tuyến đường sắt còn lại, gồm: Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai (tuyến số 2A); Nội Bài - Nam Thăng Long - Bờ Hồ (tuyến số 2); Mê Linh - Vĩnh Tuy - Thượng Đình (tuyến số 4); Văn Cao - Hòa Lạc (tuyến số 5); Nội Bài - Ngọc Hồi (tuyến số 6); Mê Linh - Nhổn - Dương Nội (tuyến số 7); Sơn Đồng - Mai Dịch - Lĩnh Nam (tuyến số 8); Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai (tuyến số 9), ga Hà Nội sẽ là ga vận chuyển, kết nối khách.

Giai đoạn từ nay đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đường sắt quốc gia tại Hà Nội sẽ được thực hiện theo mô hình hướng tâm và tiếp cận đến các đường vành đai.

Các trục hướng tâm Hà Nội sẽ kết nối trực tiếp với đường vành đai, do vậy các tuyến đường sắt quốc gia không tổ chức đi xuyên tâm TP.

Ngày 21-7-2023, Bộ Giao thông vận tải đã họp với 20 tỉnh, thành về rà soát, thống nhất phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, depot đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để có cơ sở hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Tại cuộc họp, Sở Giao thông vận tải (đại diện UBND TP Hà Nội) thống nhất giữ nguyên hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua địa phận Hà Nội như phương án đã được UBND TP Hà Nội thống nhất với Bộ Giao thông vận tải năm 2018; điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao dừng tại tổ hợp ga Ngọc Hồi (sử dụng chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1 để khai thác vận tải vào ga Hà Nội); mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi để tích hợp nhà ga hàng hóa, depot của tuyến đường sắt tốc độ cao (phương án trước đây depot được bố trí ở Thường Tín).

Để có cơ sở hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND TP Hà Nội có văn bản thống nhất về phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, depot, trạm bảo dưỡng của dự án trên địa bàn TP Hà Nội.

Tư vấn vênh nhau, bộ muốn Hà Nội chốt hướng tuyến đường sắt tốc độ caoTư vấn vênh nhau, bộ muốn Hà Nội chốt hướng tuyến đường sắt tốc độ cao

Do hai đơn vị tư vấn vênh nhau về phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, depot của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam qua Hà Nội nên Bộ Giao thông vận tải tiếp tục lấy ý kiến UBND TP Hà Nội.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên