09/10/2017 09:30 GMT+7

Dưới "mái nhà không nóc"

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Hai đứa trẻ sống dưới hai mái nhà khác nhau, hai hoàn cảnh khác nhau. Duy chỉ có một điểm chung là cả hai cùng nỗ lực không ngừng, vượt qua cảnh "nhà không nóc", tiếp tục nuôi ước mơ đến trường.

Dưới mái nhà không nóc - Ảnh 1.

Thắng giúp mẹ việc nhà - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Cánh tay của mẹ

Trong căn nhà chừng vài mét vuông bốn bề lợp tôn kín mít, người phụ nữ chỉ có một tay cố sức xách xô nước ì ạch để kịp nấu cơm trưa. Thấy mẹ toát mồ hôi vì nặng, cậu con trai đang ngồi học trên chiếc bàn con, vội vàng bỏ bút, chạy lại ghé tay xách cùng mẹ.

Mẹ vui nhất là con nhận phần thưởng học sinh giỏi, vì vậy con luôn cố gắng để mẹ cười".

Lê Văn Quốc Thắng

Em là Lê Văn Quốc Thắng (12 tuổi) học lớp 7, trường THCS Nguyễn Thiện Thuật. Sinh ra đã không biết mặt cha, một mình mẹ bị tàn tật nuôi em ăn học. Ý thức được hoàn cảnh của mình, Thắng vừa học vừa phụ mẹ những việc nặng nhọc.

Lúc còn trẻ, chị Lê Thị Nhung (mẹ Thắng) làm công nhân ở lò gạch, không may bị tai nạn, đứt lìa một cánh tay phải. Khao khát làm mẹ thôi thúc người phụ nữ kiếm được đứa con bụ bẩm. Với chị Nhung, Thắng là tất cả cuộc sống của mình.

Mất một cánh tay, chẳng còn ai thuê chị làm việc nữa, mỗi ngày chị Nhung đi hái rau dại mang ra chợ bán kiếm tiền nuôi con. Lúc Thắng lên lớp 1, biết phụ mẹ đỡ đần, hai mẹ con vay tiền nuôi thêm đàn gà và mấy con. 

Hằng ngày sau giờ học ở trường, Thắng lại vội vã đạp xe về bỏ cặp rồi chạy nhanh ra vườn chuối cách nhà mấy cây số. Ở đấy, mẹ Thắng đã đốn sẵn chuối nhưng với một cánh tay, bà không tài nào xoay xở được nên phải đợi Thắng về. Hai mẹ con cùng cắt thân chuối, chất lên xe đèo về băm cho đàn vịt.

Dù mới vào lớp 7, gương mặt còn non nớt nhưng Thắng đã có những suy nghĩ chững chạc đến không ngờ.

Có hôm bụng đã đói meo, Thắng vẫn đợi mẹ cho lũ gà, vịt ăn xong rồi hai mẹ con mới ăn cơm.  Thắng bảo rằng, em thương mẹ và muốn mẹ lúc nào cũng vui.

"Mẹ vui nhất là con nhận phần thưởng học sinh giỏi, vì vậy con luôn cố gắng để mẹ cười. Mẹ không được học nên con sẽ học thay phần của mẹ nữa, vì con là cánh tay của mẹ mà" - Thắng cười tươi nói. Và suốt từ năm học lớp một đến nay, Thắng luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Với Thắng, môn Vật lý là môn học em yêu thích và mong muốn chinh phục nhất. Thắng ngây ngô: "Nhìn các bạn đi thi giải Vật lý trên máy tính mà con thèm lắm. Con chỉ được học máy tính trên lớp mỗi tuần một chút, không có máy để tự học như các bạn". 

Nói thế thôi nhưng khi được hỏi Thắng mong có máy tính để học không, em liền trả lời: "Máy tính là con ước mơ thôi chứ làm sao có được. Con chỉ mong sau này đi học, đi làm kiếm tiền để lợp lại tôn, mùa mưa là hai mẹ con không phải sang trú nhờ nhà cậu nữa".

Dưới mái nhà không nóc - Ảnh 3.

Niềm vui của cô trò nhỏ là được đến trường hằng ngày - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Khập khiểng đến trường

Cùng hoàn cảnh "không cha như nhà không nóc", em Phạm Thị Ngọc Thảo (10 tuổi), học sinh trường Tiểu học Trần Văn Dư còn mang thêm mặc cảm với đôi chân "không giống bạn bè".

Sinh ra chẳng may một chân của Thảo bị tật, đi lại khó khăn, Thảo luôn ngây ngô hỏi mẹ tại sao chân mình không giống bạn. Đó là điều khiến chị Hứa Thị Vân (mẹ Thảo) trăn trở nhiều.

Chỉ cần học giỏi là mỗi năm con đều được nhận tập mới, mẹ không phải lo chuyện sắm tập cho con nữa".

Phạm Thị Ngọc Thảo

"Có khi bị bạn trêu, nó rúc vào người tui khóc, nói sẽ chẳng đi học nữa. Thế mà ngay hôm sau lại đến lớp bình thường. Nó tủi vì bạn trêu nhưng chưa một ngày bỏ học" - chị Vân nói.

Ngày Thảo còn nhỏ, ba em mắc bệnh xơ gan, nằm viện một thời gian thì qua đời. Một tay mẹ Thảo gồng gánh nuôi 3 anh em Thảo ăn học, kiếm tiền trả món nợ từng vay để chạy chữa cho chồng. 

Nhà Thảo thuộc diện đặc biệt khó khăn của Phường. Ba mẹ con sống cùng ông bà ngoại và cậu mợ trong một căn chung cư dành cho người thu nhập thấp. Mấy mẹ con Thảo chen chúc nhau một căn phòng chỉ vài mét vuông.  

Mẹ Thảo xin phụ việc ở quán nhậu, mỗi ngày được trả công 70 nghìn đồng, Còn thời gian trống chị lại đi làm mướn việc vặt ở chợ, ai thuê xách nước, bốc hàng, việc gì có tiền chị cũng xin làm. Số tiền đó được chị chắt chịu cơm áo và nuôi con ăn học.

Với Thảo, điều ước lớn nhất là có ba ở bên. Em còn quá nhỏ để hiểu hết gánh nặng của mẹ nên thường tủi thân mỗi vì mẹ đi làm miết, nhưng em vẫn biết phụ mẹ việc nhà. Nhìn cô bé khập khiểng lọ mọ nấu ăn, dọn nhà ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới mà ai cũng nghẹn ngào.

Hôm chúng tôi đến nhà, Thảo mang tập sách ra khoe để chuẩn bị vào năm học mới: "Mẹ con vừa xin hàng xóm cho con bộ sách này đấy. Tuy là sách cũ nhưng với con là mới rồi. Chỉ cần học giỏi là mỗi năm con đều được nhận tập mới, mẹ không phải lo chuyện sắm tập cho con nữa".

Chị Vân bảo rằng, dù có khổ thế nào cũng quyết cho các con ăn học. "Đời mình khổ rồi, chỉ mong ba đứa nó có cái chữ, không phải đi làm thuê kiếm miếng ăn từng ngày là được".

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "Đèn đom đóm", trị giá 3 triệu đồng/suất.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên