22/06/2021 09:20 GMT+7

Đừng kén chọn vắc xin mà mất cơ hội

XUÂN MAI  tổng hợp
XUÂN MAI tổng hợp

TTO - Bao giờ được tiêm vắc xin ngừa COVID-19? Từ nguồn vắc xin nào? Tiêm vắc xin hiệu quả phòng bệnh ra sao để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, sớm quay lại cuộc sống bình thường?...

Đừng kén chọn vắc xin mà mất cơ hội - Ảnh 1.

Nhân viên tại Khu công nghệ cao TP.HCM chuẩn bị được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trong chiến dịch tiêm vắc xin tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đó là nội dung hàng trăm thắc mắc của người dân trên toàn quốc gửi về buổi giao lưu trực tuyến chủ đề "Tiêm vắc xin, cơ hội phòng bệnh COVID-19 như thế nào?" do báo Tuổi Trẻ và Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức ngày 21-6.

Qua đó, khái quát được một bức tranh cơ bản cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất toàn quốc sắp tới.

Nhắn tin thông báo tiêm vắc xin

PGS.TS Dương Thị Hồng - trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết để xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, các địa phương sẽ vận dụng nhiều biện pháp linh hoạt để điều tra đối tượng thuộc diện tiêm chủng. 

Người được tiêm chủng sẽ được mời thông qua tin nhắn điện thoại hoặc gửi giấy mời trực tiếp đến đối tượng tiêm chủng thông qua tổ dân phố, cộng tác viên y tế, dân số, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, trường học, các cơ quan đoàn thể...

Tại TP.HCM, trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 quy mô lớn mà TP đang triển khai, ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế - cho biết ngành y tế TP.HCM đã áp dụng công nghệ thông tin vào việc nhắc người dân đi tiêm ngừa với khung giờ và địa chỉ tiêm rõ ràng. 

Ngoài ra, trên nội dung tin nhắn, Sở Y tế TP.HCM còn nhắc người đi tiêm nhớ khai báo y tế điện tử trước khi đến điểm tiêm vắc xin trong vòng 24 giờ.

Để chủ động cập nhật thông tin trên hồ sơ sức khỏe, hỗ trợ nhân viên y tế trong quá trình tìm kiếm thông tin và giúp cập nhật thông tin tiêm chủng sau khi đã tiêm chủng, PGS Hồng khuyến cáo người dân có thể tải ứng dụng hososuckhoe của Bộ Y tế để đăng ký tiêm chủng. 

Tuy nhiên, khi người dân được mời đi tiêm chủng thì tùy thuộc vào kế hoạch triển khai và đối tượng cần tiêm vắc xin COVID-19 do từng địa phương quy định.

Ở thời điểm hiện tại vắc xin COVID-19 sử dụng trước cho các đối tượng nguy cơ cao để hạn chế lây nhiễm và các biến chứng nguy hiểm của bệnh, đảm bảo năng lực của hệ thống y tế và các cơ sở dịch vụ cơ bản, đảm bảo an ninh xã hội. Các đối tượng khác trong thời gian tới có thể tiếp cận khi lượng vắc xin về dồi dào hơn.

Đừng lựa chọn vắc xin mà mất cơ hội

Các chuyên gia cho hay vắc xin hiện nay đã được nhập về và sử dụng tại Việt Nam là vắc xin COVID-19 AstraZeneca. Theo thông báo của nhà sản xuất, vắc xin này có hiệu lực bảo vệ phòng lây nhiễm trên 70% sau khi tiêm liều 1 ít nhất 3 tuần, và sau tiêm liều 2 đạt trên 80%.

Hiện nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca vẫn đang khuyến cáo sử dụng liều 2 cùng loại với vắc xin đã tiêm ở liều 1. 

Tuy nhiên, hãng này cũng cho biết việc tiêm vắc xin chứa thành phần mRNA cũng có cơ chế sinh miễn dịch tương tự nên việc tiêm 2 loại vắc xin cho một người là có thể. Vấn đề này cũng đang được các tổ chức nghiên cứu. 

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cập nhật khi có thông tin mới theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới.

Khi nguồn vắc xin dồi dào và có nhiều hãng, người dân được lựa chọn vắc xin không? PGS Hồng cho biết tất cả các vắc xin COVID-19 hiện nay ở Việt Nam đều được Tổ chức Y tế thế giới tiền khẳng định, và được khuyến cáo sử dụng để phòng chống COVID-19. 

Các vắc xin sử dụng đều có hiệu quả tương đương để bảo vệ và phòng bệnh COVID-19.

PGS Hồng lưu ý không có vắc xin COVID-19 nào có hiệu quả phòng bệnh 100%, cũng như không có vắc xin nào an toàn tuyệt đối. 

Ngay sau khi các đợt vắc xin được cung cấp cho Việt Nam, Bộ Y tế sẽ yêu cầu chương trình tiêm chủng mở rộng phân bổ ngay và tổ chức triển khai sớm nhất để đạt được độ bao phủ cộng đồng phòng bệnh COVID-19 nhanh nhất.

"Vì vậy chúng tôi khuyến cáo người dân không nên lựa chọn chờ đợi vắc xin, sẽ lỡ mất cơ hội phòng bệnh an toàn" - PGS Hồng khuyến cáo.

Đừng kén chọn vắc xin mà mất cơ hội - Ảnh 2.

Lô vắc xin AstraZeneca vừa được phân bổ cho TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Biến chủng Delta "phá hỏng hàng rào" vắc xin?

Các chuyên gia cho biết sau tiêm vắc xin COVID-19, tùy loại vắc xin sẽ có một tỉ lệ nhất định người tiêm có biểu hiện phản ứng sau tiêm chủng. 

Như vậy có một tỉ lệ nhất định các trường hợp không có biểu hiện phản ứng sau tiêm. Không có triệu chứng phản ứng sau tiêm không đồng nghĩa với không có đáp ứng miễn dịch.

Tuy nhiên, cũng như các vắc xin hay thuốc khác, vắc xin COVID-19 không có hiệu lực 100%. Tùy loại vắc xin, tỉ lệ này dao động từ 50% đến hơn 90%. 

Để đánh giá đã có đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng phải thực hiện đánh giá kháng thể bằng các phương pháp xét nghiệm. Tuy nhiên, không yêu cầu người dân sau khi đi tiêm chủng cần thực hiện xét nghiệm này.

Để hạn chế tối đa nguy cơ tai biến sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã có hướng dẫn những nhóm đối tượng cần thận trọng tiêm chủng. 

Người có tiền sử dị ứng, người có bệnh nền, bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi, người có tiền sử bệnh mãn tính... phải được khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. 

Đồng thời, người được tiêm chủng cần tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế về việc theo dõi sau tiêm chủng tại cơ sở và tại nhà để đảm bảo phát hiện sớm các biểu hiện bất thường sau tiêm chủng và kịp thời xử trí tại cơ sở y tế.

Riêng người có tiền sử bị dị ứng thuốc kháng sinh, PGS.TS Đào Xuân Cơ - phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết người dị ứng với nhiều loại thuốc sẽ có nguy cơ phản vệ (sốc) cao, nên việc tiêm tại các cơ sở có khả năng cấp cứu tốt như các bệnh viện là phù hợp nhất. 

Hiện nay, thông tư 51 của Bộ Y tế về cấp cứu phản vệ không quy định thử phản ứng cho tất cả các loại thuốc trước khi sử dụng. Đặc biệt, vắc xin COVID-19 lần đầu đưa vào sử dụng càng không có chỉ định thử phản ứng.

Tuy nhiên với biến chủng Delta gần đây (còn gọi là biến chủng Ấn Độ), PGS Hồng cho rằng virus này có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả phòng lây nhiễm của vắc xin, song hiệu quả phòng biến chứng và tử vong ở vắc xin vẫn ở mức độ cao. 

Các trường hợp phản ứng sau tiêm trong thời gian qua được xử trí nhanh chóng, kịp thời và hầu hết hồi phục không để lại di chứng.

Người nhiễm HIV, tiêm vắc xin ngừa COVID-19 được không?

PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết những người suy giảm miễn dịch nặng (AIDS) sẽ tạm hoãn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Trường hợp nhiễm HIV chưa chuyển sang giai đoạn AIDS đang điều trị bằng thuốc ARV đã 8 năm thì cần được khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.

Người nhiễm HIV sẽ được bác sĩ chỉ định tiêm chủng hoặc tạm hoãn tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe tại thời điểm khám sàng lọc. Khi đi tiêm chủng, nên mang theo kết quả xét nghiệm để nhân viên y tế xem xét.

Tháng 7 có thêm nhiều vắc xin ngừa COVID-19

PGS.TS Dương Thị Hồng thông tin cụ thể về tình hình vắc xin tại Việt Nam như sau:

Việt Nam đã ký hợp đồng với Công ty Pfizer, nghị quyết ngày 20-6 của Chính phủ cũng đã thống nhất việc mua 30 triệu liều AstraZeneca thông qua Công ty VNVC, bên cạnh nguồn từ COVAX Facility và các nguồn khác, tới đây nguồn cung vắc xin sử dụng tiêm ngừa COVID-19 cho người dân sẽ dồi dào hơn, đồng thời Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ Trung Quốc...

Đến quý 4-2021 sẽ có nhiều vắc xin tiêm chủng cho người dân, tăng độ bao phủ vắc xin ngoài nhóm ưu tiên theo nghị quyết 21, thông qua việc mở rộng thêm các nhóm được tiêm vắc xin.

Cụ thể, trong tháng 7 Việt Nam sẽ nhận được khoảng 1,6 triệu liều vắc xin của COVAX. Tiếp theo sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, hơn 90.000 liều trong hợp đồng với Pfizer/BioNTech.

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, mỗi đợt vắc xin về Viện Kiểm định quốc gia về vắc xin và sinh phẩm y tế sẽ kiểm định và xem xét cấp giấy phép, ngay sau đó phân bổ về các địa phương. Tới đây có sự tham gia của Bộ Quốc phòng, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển theo các chuỗi cung ứng vắc xin của Chương trình Tiêm chủng mở rộng trước đây.

Ngay sau khi nhận được vắc xin, vắc xin đã tới tuyến tỉnh hoặc tuyến huyện. Việc triển khai nhanh chóng như vậy cũng sẽ giúp tiêm chủng kịp tiến độ, đồng nghĩa với việc nếu vắc xin về hàng chục triệu liều thì chúng tôi cũng triển khai được hiệu quả nhất.

Đã tích lũy nhiều kinh nghiệm tiêm vắc xin

Theo ông Đào Xuân Cơ - phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, các chuyên gia trong nước đều đã xây dựng quy trình quy chuẩn vận chuyển, bảo quản vắc xin, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn...

Trong chiến dịch chuẩn bị đợt tiêm vắc xin lớn nhất lịch sử, Chính phủ thành lập một ban chỉ đạo có nhiều bộ ngành tham gia. "Qua hơn 2,4 triệu mũi vắc xin vừa qua, chúng tôi đã có những kinh nghiệm đáng kể về tiêm chủng an toàn" - ông Cơ chia sẻ.

Tỉ lệ có phản ứng sau tiêm, các phản ứng nhẹ như đau vị trí tiêm, sốt sau tiêm... cũng tương tự tỉ lệ các báo cáo trên thế giới ghi nhận.

Các phản ứng nặng hơn là điểm người dân và cán bộ y tế quan ngại, như phản ứng phản vệ nặng, chúng ta có gặp một số trường hợp nhưng tỉ lệ thấp hơn thế giới, các bác sĩ đều đã cấp cứu thành công, người bệnh đã trở lại bình thường sau 2-3 ngày, người nhiều nhất là trở lại bình thường sau 1 tuần.

Trong hơn 2,4 triệu mũi tiêm vừa qua có 1 ca tử vong, đây là trường hợp đáng tiếc, nhưng so sánh với thế giới, tỉ lệ phản ứng nặng ở Việt Nam vẫn thấp hơn, cho thấy chúng ta tổ chức tiêm chủng rất tốt. LAN ANH

Do tiêm vắc xin COVID-19, các biến thể mới nguy hiểm xuất hiện? Do tiêm vắc xin COVID-19, các biến thể mới nguy hiểm xuất hiện?

TTO - Kênh truyền hình France Info ghi nhận sự việc là từ nhiều tháng qua, một số người phản đối tiêm vắc xin ở Pháp đã phát tán tin đồn 'do tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đại trà nên nhiều biến thể nguy hiểm mới xuất hiện'.

XUÂN MAI tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên