Người mua sắm không cần đeo khẩu trang trong trung tâm thương mại Dizengoff tại Tel Aviv (Israel) ngày 15-6 - Ảnh: AFP
GS Daniel Floret, phụ trách Ủy ban kỹ thuật tiêm chủng thuộc Cơ quan Y tế cấp cao (HAS), nhấn mạnh: "Đúng là chuyện tưởng tượng. Biến thể xuất hiện không phải do tiêm chủng mà do virus phát tán dữ dội".
Hai hiện tượng khiến biến thể hoành hành
Đầu tiên là hiện tượng đột biến. Khi virus lây nhiễm tế bào, chúng tạo bản sao mới bằng cách nhân đôi bộ gene.
Trong quá trình này, đôi khi virus phạm sai lầm nên các bản sao xảy ra lỗi dẫn đến đột biến, từ đó hình thành biến thể mới.
Hiện tượng thứ hai là quá trình chọn lọc tự nhiên giữa các biến thể.
TS Samuel Alizon - giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) - mô tả: "Một số biến thể lây lan nhanh chóng vì có lợi thế hơn các biến thể khác như biến thể Alpha ở Anh".
Do dễ lây lan hơn, biến thể Alpha dần dần trở thành chủng virus thống trị ở Pháp, chiếm 86% số mẫu hiện nay so với 14% vào cuối tháng 1-2021.
Tại Anh, biến thể Delta (phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) dễ lây hơn biến thể Alpha 40% và đang chiếm hầu hết số ca COVID-19 mới.
Thông báo kêu gọi duy trì khoảng cách ở London (Anh) - Ảnh: AFP
Tiêm đủ liều vẫn đạt hiệu quả cao
Còn một nguy cơ khác là một số biến thể như biến thể Beta (phát hiện ở Nam Phi) và biến thể Gamma (phát hiện ở Brazil) có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin.
Cơ quan Y tế cấp cao Pháp xác nhận vắc xin AstraZeneca không đạt hiệu quả bảo vệ đầy đủ chống lại biến thể Beta.
Đối với biến thể Gamma, hiệu quả chung của các loại vắc xin chắc chắn được bảo toàn nhưng có giảm.
TS Samuel Alizon trấn an: "Hiện tại khả năng đáp ứng miễn dịch tỏ ra vẫn mạnh. Những người đã tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna được bảo vệ từ 70%-100% đối với các biến thể".
Nghiên cứu của các cơ quan y tế Anh công bố hôm 14-6 khẳng định đối với vắc xin của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca, tiêm đủ hai liều ngăn ngừa được hơn 90% nhập viện sau khi nhiễm biến thể Delta.
Chờ tiêm vắc xin COVID-19 ở Nice (Pháp) - Ảnh: AFP
Sẵn sàng sản xuất thế hệ vắc xin mới
TS Jean-Claude Manuguerra ở Viện Pasteur Pháp giải thích các biến thể đang tồn tại có lợi thế về chọn lọc tự nhiên và có thể thoát khỏi phản ứng miễn dịch do vắc xin hoặc đáp ứng miễn dịch sau lây nhiễm.
Song GS Daniel Floret trấn an rằng chúng ta vẫn có thể sản xuất vắc xin mới chống lại biến thể này.
Các loại vắc xin theo công nghệ ARN thông tin có lợi thế rất dễ chuẩn bị sản xuất thế hệ vắc xin mới.
Kịch bản này vốn đã xảy ra đối với vắc xin ngừa virus cúm mùa (công thức vắc xin thay đổi mỗi năm).
GS Daniel Floret nhận xét để ngăn chặn biến thể, cần đạt mức miễn dịch cao bằng cách tiêm vắc xin càng nhanh càng tốt.
Kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai tiêm chủng tốt như Israel hoặc Anh cho thấy tỉ lệ tử vong đã giảm đáng kể.
Dù vậy ông cảnh báo: "Hiện tại vẫn phải duy trì các biện pháp giãn cách vì chúng ta không được bảo vệ ngay sau khi tiêm và mức bảo vệ của vắc xin không đạt tuyệt đối 100%".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận