07/06/2023 07:00 GMT+7

Đưa sản phẩm OCOP Đà Nẵng 'bay xa' cùng du lịch

Đà Nẵng đã trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực. Đây được xem là cơ hội quảng bá để nhiều sản phẩm chất lượng địa phương đến tay người tiêu dùng khắp nơi.

Du khách Hàn Quốc tìm tới chợ Hàn mua quà lưu niệm - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Du khách Hàn Quốc tìm tới chợ Hàn mua quà lưu niệm - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đặc biệt với những sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) của Đà Nẵng, đây là một lợi thế không nhỏ, không những giúp mở rộng thị trường mà ngược lại, trong tương lai là cơ hội để du khách tìm đến trải nghiệm các sản phẩm mang thương hiệu địa phương.

Đi qua cửa chất lượng cao

Đứng chọn rất lâu trong quầy hàng đồ lưu niệm trên đường Trần Phú (quận Hải Châu), cặp du khách đến từ Hàn Quốc quyết định chọn sản phẩm cá bò rim mang thương hiệu Đà Nẵng.

Giữa hàng trăm mặt hàng để làm quà, cặp đôi này chú ý đến những mặt hàng có bao bì hấp dẫn, bắt mắt bên ngoài có gắn chữ OCOP, trong đó mặt hàng được chọn nhiều nhất là thực phẩm.

Chị Young Jin cho biết thế hệ cha mẹ chị đi du lịch hay chọn mua những bưu thiếp ghi lại phong cảnh đẹp tại các điểm đến. Tuy nhiên hiện nay hình ảnh dễ dàng được gởi về. Và sự lựa chọn thay thế chính là những gói quà có xuất xứ từ chính điểm đến. 

"Ở Hội An tôi đã chọn những đồ dùng thân thiện môi trường và một số loại kẹo đặc trưng. Với Đà Nẵng, tôi thích chọn những sản phẩm có ghi "Đà Nẵng" để làm quà cho bạn bè" - chị nói.

Là địa phương có lượng du khách quốc tế đông, hàng OCOP của Đà Nẵng có lợi thế hơn hẳn so với các địa phương khác. Bởi hàng sản xuất ra có thị trường quốc tế ngay tại chỗ. Không những vậy, khi khách hàng là du khách thì thói quen mua sắm, tiêu dùng cũng rất khác. 

Ngoài việc quảng bá thì khi đi du lịch, du khách cũng bạo chi với hàng quà lưu niệm, cho tặng so với mua sắm thông thường.

Các sản phẩm OCOP có tiềm năng tiêu thụ to lớn nhờ du lịch phát triển - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Các sản phẩm OCOP có tiềm năng tiêu thụ to lớn nhờ du lịch phát triển - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nhiều năm bán hàng quà lưu niệm cho du khách, anh Lê Tấn Tùng (một chủ cửa hiệu ở khu "phố Tây" An Thượng, quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng: "Đối với du khách thì việc được xem một quá trình làm ra sản phẩm là trải nghiệm thú vị. 

Thậm chí nó còn "ghi điểm" với khách do đảm bảo độ xác tín để họ an tâm mua tặng người thân. Việc chứng kiến quá trình làm ra hàng hóa sẽ là "câu chuyện" của họ khi tặng quà. Điều này, các sản phẩm OCOP của Đà Nẵng có lợi thế hơn hẳn" - anh Tùng phân tích.

Cũng theo anh Tùng, du khách nước ngoài rất chú ý đến hình thức khi mua các mặt hàng này. Do vậy các sản phẩm OCOP ngoài chất lượng được bảo chứng bằng cách gắn sao thì bao bì, nhãn mác sáng đẹp rất quan trọng. 

Đặc biệt, các sản phẩm lưu niệm thì phải mang trong nó "một câu chuyện - một thông điệp" của điểm đến. Để khi mua quà chỉ nhìn sơ qua đã biết nó đến từ Đà Nẵng, Hội An hay Hạ Long...

Khẳng định thương hiệu địa phương

Anh Nguyễn Thạch Anh, chủ cửa hiệu chuyên đồ lưu niệm trên đường Trần Phú (quận Hải Châu), cho rằng: khách du lịch chính là thị trường có giá trị rất cao. Bằng chứng là vừa qua anh đã nhận được đơn hàng ngoài nước đặt mua một số mặt hàng OCOP như chả cá, kẹo dừa, trà… 

"Hàng OCOP là hàng đã được kiểm định chất lượng tại địa phương. Còn du khách họ là người có tiền và sành ăn, nên nếu kết hợp được thì đây là một thị trường rộng mở. 

Khi bán hàng cho khách, tôi luôn bỏ kèm danh thiếp là địa chỉ liên lạc của mình để nếu hài lòng họ tiếp tục ủng hộ" - anh nói.

Theo anh Thạch Anh, so với các nguồn hàng đại trà khác ở chợ, thì việc mua hàng OCOP khiến khách an tâm hơn vì có mã QR truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm OCOP cũng chính là "gương mặt" của địa phương nên vào mùa du lịch, lượng khách đến mua sản phẩm khá đông. 

Các khách mời ở hội chợ được giới thiệu sản phẩm OCOP - nước mắm Hương Làng Cổ, Nam Ô, Đà Nẵng - Ảnh: V.H.

Các khách mời ở hội chợ được giới thiệu sản phẩm OCOP - nước mắm Hương Làng Cổ, Nam Ô, Đà Nẵng - Ảnh: V.H.

Thông qua việc đặt mua hàng qua mạng, anh cho rằng sản phẩm OCOP đã được "phản hồi tích cực và đánh giá cao". Cũng theo anh Thạch Anh: "Đà Nẵng có quan hệ hợp tác với hơn 20 thành phố trên thế giới. Đây là cơ hội để đưa hàng OCOP xuất ngoại".

Nỗ lực tìm kiếm thị trường quốc tế

Cuối tháng 4 vừa qua, UBND quận Hải Châu đã tổ chức khai trương điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP - sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương tại địa chỉ 112 Bạch Đằng. 

Dù mới đi vào hoạt động nhưng cửa hàng đã kết nối đa dạng các sản phẩm OCOP, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn do đây là tuyến đường trung tâm, tập trung nhiều du khách nước ngoài mua sắm.

Không những vậy, trong tháng 5 vừa qua địa phương này còn tham gia quảng bá sản phẩm OCOP tại Lễ hội Đường sắt Uiwang, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc). 

Các sản phẩm trứ danh của Đà Nẵng như: bánh dừa nướng Topcoco, bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, cà phê sạch Mayaca, rượu đinh lăng Đà Tửu, trà gừng Tâm Nguyên… đã hiện diện trước sự tham dự của gần 100.000 người dân Hàn Quốc.

Theo lãnh đạo quận Hải Châu, hoạt động giao thương này giúp người dân Hàn Quốc có dịp tiếp xúc, hiểu rõ về các sản phẩm OCOP của Đà Nẵng; đồng thời tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp cận thị trường mới.

"Tôi nghĩ khách Hàn Quốc sẽ tìm đến thành phố nhiều hơn thông qua những sản phẩm OCOP mang thương hiện Đà Nẵng" - lãnh đạo quận Hải Châu đánh giá.

Theo Phòng Kinh tế quận Hải Châu: "Ngoài việc ra mắt điểm trưng bày và tổ chức giới thiệu sản phẩm OCOP, trong tương lai địa phương sẽ tiếp tục hướng tới các lễ hội quốc tế để tạo điều kiện cho các cơ sở quảng bá thương hiệu hàng hóa. Đồng thời, giúp người tiêu dùng tiếp cận, hiểu và sử dụng sản phẩm chất lượng".

Hàng OCOP trưng bày tại một triển lãm được khách nước ngoài tìm đến - Ảnh: V.H

Hàng OCOP trưng bày tại một triển lãm được khách nước ngoài tìm đến - Ảnh: V.H.

Nhiều sản phẩm OCOP Đà Nẵng đã xuất ngoại

Hiện có một số mặt hàng OCOP Đà Nẵng đã "chinh phục" được thị trường quốc tế, đơn cử như sản phấm bánh dừa nướng của Công ty Mỹ Phương Foods đã đến được thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào…

Một sản phẩm OCOP 4 sao khác mà nhiều người biết đến là khô mè Bà Liễu Mẹ cũng đã tự nâng cấp mình, khi không chỉ là đặc sản Đà Nẵng đối với khách trong nước mà còn là sản phẩm mang hương vị Đà Nẵng không thể bỏ qua với nhiều thị trường khách nước ngoài.

Chiều nay diễn ra tọa đàm "Phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng 2023"

Chiều nay (7-6), tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương TP Đà Nẵng và báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp tổ chức tọa đàm "Phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng 2023" với sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Qua 3 năm hình thành và phát triển, đến nay TP Đà Nẵng đã có 64 sản phẩm được chứng nhận OCOP (bao gồm 21 sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao).

Quầy trưng bày triển lãm nước nắm Nam Ô - Ảnh: VH

Quầy trưng bày triển lãm nước nắm Nam Ô - Ảnh: V.H.

Tọa đàm nhằm mục đích trao đổi những kinh nghiệm trong phát triển của các chủ thể OCOP, đồng thời tọa đàm cũng tạo cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu các sản phẩm cũng như tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng của mình đến các người tiêu dùng.

Dự kiến tại tọa đàm, các chủ thể OCOP sẽ nghe các chuyên gia nói về ứng dụng giải pháp thương mại điện tử trong xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đặc trưng; những kết quả của đơn vị khi tham gia OCOP và định hướng phát triển doanh nghiệp sắp đến; định hướng về phát triển chuỗi sản phẩm và xây dựng trung tâm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các địa phương;…

V.HÙNG

Lan tỏa rộng thương hiệu các sản phẩm OCOP Đà NẵngLan tỏa rộng thương hiệu các sản phẩm OCOP Đà Nẵng

Năm qua, các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm Đà Nẵng diễn ra sôi động và đã có nhiều tác động tích cực đối với sự khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên