05/06/2019 09:48 GMT+7

Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia: Từ 'cơn bão lớn' tới... 'vùng áp thấp'

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Có lẽ trong nghị trình Quốc hội, hiếm có bộ luật nào mà sự giằng co tới từng câu chữ trong bộ luật lại căng thẳng và nhận được sự quan tâm theo dõi của đông đảo đại biểu Quốc hội lẫn người dân như dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia.

Đưa ra ba nội dung để thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội về việc nên hay không nên cấm tài xế có bia rượu trong máu lúc lái xe; cho quảng cáo bia rượu trên báo hình, báo nói theo khung giờ hay không vào chiều 3-6, kết quả thu được đã cho thấy những con số khiến những người ủng hộ siết luật phải ngậm ngùi. 

Có tới 43,80% ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng ý cấm tiệt chuyện lái xe mà trong máu có cồn, trong khi cũng có tới 44,21% đại biểu đồng ý cho phương án không cần quy định thời gian bán rượu bia để tiêu dùng tại chỗ.

Là một trong những đại biểu ủng hộ mạnh mẽ cho dự án luật nhưng tới phiên tranh luận vào giai đoạn cuối của Luật phòng chống tác hại rượu bia, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đã phải thốt lên trước hội trường Quốc hội hôm 23-5: Dường như luật càng vào "vòng trong" thì lại càng yếu đi dần. 

Có đại biểu còn ví von hình ảnh về bộ luật cũng "giống như một cơn bão lớn, gầm thét ngoài khơi nhưng giảm dần sức gió khi tiến về đất liền".

Thống kê của Bộ Công an cho thấy trong năm 2018 toàn quốc có gần 8.300 người chết vì tai nạn giao thông, số người bị thương gần 15.000. Nhiều trường hợp trong số này khi điều tra công an đã kết luận người điều khiển phương tiện có sử dụng chất kích thích, bia rượu. 

Rượu bia cũng là tội đồ của những tệ nạn xã hội nảy sinh như cờ bạc, cướp giật, gia đình ly tán, mầm mống của các bệnh tật; chi phí để giải quyết hậu họa từ bia rượu chè chén đang tạo gánh nặng lên xã hội. 

Tại Việt Nam phí tổn kinh tế do rượu bia mỗi năm trong khoảng 65.000 tỉ đồng. Ước tính chưa đầy đủ cho thấy tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã gần 26.000 tỉ đồng...

Những con số biết nói nêu trên đã thúc đẩy tâm huyết của các đại biểu, Bộ Y tế khi đề xuất và xây dựng luật theo hướng tăng nặng hình phạt, áp chế sự lạm dụng. Nhưng sự khác nhau quá lớn về nhận thức, cách tiếp cận, quan điểm, góc nhìn đã khiến một bộ luật giằng co tới nay chưa có hồi kết.

Có thể luật sẽ không phải là giải pháp tốt nhất để chặn đứng lạm dụng bia rượu, nhưng một hành lang pháp lý đủ mạnh bao giờ cũng giúp ngăn chặn hành vi từ trong ý thức. 

Một người say sưa chè chén sẽ hiểu rằng khi luật đã cấm, họ không thể "uống thả ga" rồi lái xe chạy bạt mạng trên đường. 

Đi kèm với các điều cấm còn có các quy định dẫn chiếu liên quan để tuyên truyền, cảnh báo cho người sử dụng đủ thông tin về các nguy cơ xảy ra trước khi họ nâng chén. Bởi vậy, hi vọng dẫu có sự khác biệt nhau nhưng cuối cùng các đại biểu Quốc hội cũng sẽ đạt được sự đồng thuận cao để bấm nút thông qua một bộ luật tiến bộ để hạn chế sự lạm dụng bia rượu của người Việt.

Ý kiến khác nhau quanh dự thảo Luật rượu bia Ý kiến khác nhau quanh dự thảo Luật rượu bia

TTO - Có một điều rất nhiều đại biểu đã nhận thấy: Luật phòng chống tác hại rượu bia dù rất được kỳ vọng nhưng đã được cho là "giảm sức mạnh" khi càng cận kề tới ngày thông qua.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên