25/05/2019 19:50 GMT+7

Con cháu sẽ chê trách chúng ta không quyết liệt với rượu bia

ĐỖ NGÔ TRẦN
ĐỖ NGÔ TRẦN

TTO - Nước ta, mọi người gặp nhau thường nói: “Nhậu đi! Nhậu ở đâu?”… dù hầu hết mọi người đã biết như giảm sức khỏe, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng thần kinh và nòi giống. Và cũng hiếm nơi nào uống rượu bia thuận lợi như ở xứ ta.

Con cháu sẽ chê trách chúng ta không quyết liệt với rượu bia - Ảnh 1.

Độ tuổi người uống rượu bia tại VN ngày càng trẻ. Trong ảnh: một nhóm bạn trẻ uống bia tại phố đi bộ Bùi Viện, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Q.Đ.

Nhìn sang láng giềng, Thái Lan và Singapore kiểm soát rượu bia rất chặt, không phải cứ có tiền là mua ở đâu cũng được. Lần đi Thái Lan, lúc giữa trưa nắng nóng, chúng tôi tìm không ra một chỗ uống bia, hỏi thăm mới biết ở đó không cho phép bán nước uống có cồn, đi một đoạn khoảng 3,5km, nhân viên siêu thị từ chối bán vì trong giờ quy định không được bán. 

Singapore cũng chỉ cho phép kinh doanh rượu bia ở một số địa điểm, giá một lon bia tùy chỗ bán nhưng thấp nhất cũng 5 USD, có nơi 15-20 USD.

Thống kê mới đây cho thấy năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/4 Thái Lan và 1/23 Singapore. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết ở nước ta rượu bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu. Hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực, gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu bia, tỉ lệ trẻ em chịu tác hại từ việc sử dụng rượu bia của người khác thuộc nhóm các nước cao nhất. 

Trước khi đưa dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia ra bàn thảo ở Quốc hội, dư luận dậy sóng với liên tục các vụ tai nạn giao thông chết người mà lái xe có uống rượu bia.

Cần giải pháp kiểm soát, hạn chế tệ nạn lạm dụng bia rượu. Cách "gây khó" như Thái Lan, tăng thuế như Singapore, người uống sẽ cân nhắc hơn. Cần đưa vào luật quy định về quảng cáo đồ uống có cồn, không bán rượu bia cho trẻ em, những người có dấu hiệu say xỉn, từ chối bán xăng cho những lái xe đã uống rượu bia, cán bộ công chức không nhậu trong giờ hành chính. 

Ở nông thôn, cần quy định uống bia rượu có nơi có chỗ, có giờ giấc. Ở TP không thể để quán nhậu "mọc" tràn lan như lâu nay. Cần thẳng tay xử lý các quán nhậu lấn chiếm lòng lề đường...

Thiệt hại vô kể từ rượu bia và có thể thế hệ con cháu sẽ chê trách chúng ta đã không quyết liệt với việc lạm dụng rượu bia.

Điều xã hội cần nhiều hơn một dự luật

Dự thảo luật đã có ý tưởng từ 14 năm trước. Quyết định của Thủ tướng về việc xây dựng cũng có từ năm 2012. Giờ này, cả tên dự luật cũng còn đang tranh cãi. Dự luật đang… yếu đi hay xã hội chúng ta thiếu quyết liệt trước tác hại của rượu bia? Có thể thấy rõ những người làm luật cũng đang vướng đủ thứ xung quanh dự luật này.

Những quy định "xương sống" đã bị đẩy ra khỏi dự luật, vì sao? Sản xuất kinh doanh, mua bán rượu bia hiện nay món lợi cỡ nào, cho ai trong khi tác hại cộng đồng quá rõ? Cấm quảng cáo rượu, quảng cáo theo giờ, uống theo giờ… được không?

Tăng thuế sản phẩm rượu bia của các công ty, vậy còn các loại "nước mắt quê hương" như rượu ngô, rượu nếp…, kể cả các loại hóa chất pha nước bán giá bèo đang hủy hoại sức khỏe con người thì quản lý cách nào?

Điều xã hội cần nhiều hơn một dự luật. Cần những điều luật đủ mạnh để chấn chỉnh thực tế ở "cường quốc tiêu thụ rượu bia" của chúng ta. Cần hơn nữa là quyết tâm thực thi để có những biến chuyển thật sự từ mỗi người về văn hóa uống chừng mực, uống có trách nhiệm.

Sự mạnh mẽ không chỉ từ các vị đại biểu Quốc hội, mà từ chính cơ quan quản lý nhà nước, từ trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh rượu bia đến trách nhiệm mỗi người uống bia.

MINH ĐỨC

Nhìn từ ứng xử của mỗi người

Câu chuyện này cần nhìn từ cách ứng xử của mỗi người với việc uống rượu bia. Câu "Nam vô tửu như kỳ vô phong" chỉ đúng khi uống có chừng mực, đủ để vui, nhưng "Một chén thì người uống rượu, ba chén thì rượu uống người" (Fukuzawa Yukichi).

Nhiều công ty nước ngoài đã có tiêu chí không tuyển hoặc bổ nhiệm người lạm dụng rượu bia vào các vị trí chủ chốt. Khi lãnh đạo thích chè chén thì cấp dưới thường xuyên tổ chức nhậu nhẹt để làm vừa lòng lãnh đạo. Lãnh đạo muốn cấp dưới và cả đối tác cũng như mình tiệc nào cũng ép nhau nâng ly để tỏ lòng quý mến!

Nhưng có mấy nơi làm được vậy?

Các cửa hàng bia rượu thì trả lương cho tiếp viên theo doanh thu bán rượu bia, nên lại có thêm đội ngũ tiếp viên cổ vũ các màn ép uống. Cứ như thế mà người uống bia rượu tăng theo cấp số nhân. Ngay cả ở những môi trường thể thao cao cấp với những người có địa vị xã hội cao như sân golf cũng đã có những cái chết thương tâm do ép uống bia rượu.

Luật phòng chống tác hại rượu bia đưa ra các quy định cấm, nhưng quy định về xử phạt thì quá chung chung. Theo tôi, cần đưa tiêu chí không vi phạm điều cấm của Luật phòng chống tác hại rượu bia vào quy trình đánh giá cán bộ, đánh giá nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp khi bổ nhiệm. Cũng cần đưa quy định cấm nịnh nọt bằng cách mời bia rượu.

NGUYỄN BẢO QUỲNH

ĐBQH Dương Trung Quốc: ĐBQH Dương Trung Quốc: 'Tại sao lại không lobby cho ngành bia rượu?'

TTO - Là một trong số không nhiều đại biểu phản đối những quy định siết chặt quản lý bia rượu tại dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, ông Dương Trung Quốc lên tiếng về quan điểm "trái chiều" của mình.

ĐỖ NGÔ TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên