24/05/2019 08:55 GMT+7

Phòng chống tác hại rượu bia: Càng bàn càng... lùi

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Ngày 23-5, nghị trường lại "nóng" khi đại biểu sôi nổi thảo luận về việc bỏ hay không bỏ các quy định như cấm quảng cáo rượu bia; cấm bán rượu bia trên Internet hay quy định giờ cấm bán khỏi dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia.

Phòng chống tác hại rượu bia: Càng bàn càng... lùi - Ảnh 1.

Tại Việt Nam, giá rượu bia còn khá rẻ và có thể mua được ở mọi nơi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều đại biểu được phát biểu đã lên tiếng băn khoăn vì những quy định "xương sống" bị đẩy ra ngoài.

Giằng xé giữa kinh tế và sức khỏe cộng đồng?

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng những khuôn pháp lý từng được xem như xương sống, bánh lái tạo sự cứng rắn của luật gần như bị mất đi so với dự thảo ban đầu. Đại biểu Phú Yên bất ngờ vì dự thảo này không còn cấm bán rượu bia trên 15% độ cồn trên Internet. 

Trong khi nội dung này đã được quy định tại nghị định số 105 năm 2017 của Chính phủ về sản xuất kinh doanh rượu. "Cần tạo rào cản mạnh mẽ và phù hợp với xu hướng, không nên tạo cơ hội, tăng tính sẵn có của rượu bia cho người tiêu dùng và trẻ em vị thành niên, phụ nữ" - bà Hiền nói.

Bà Hiền cũng không đồng tình việc dự luật thu hẹp khung giờ cấm quảng cáo rượu bia thành từ 19h - 20h, bởi theo bà, khung giờ này thường là chương trình thời sự, ít quảng cáo và chỉ là "khung giờ vàng" đối với người lớn. Từ đó, bà đề xuất nâng khung giờ cấm thành 18h - 21h là "khung vàng" với cả trẻ em.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng đang có sự giằng xé giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng liên quan đến dự thảo luật. Từ dự luật khá chặt chẽ, được xây dựng trên các căn cứ khoa học nhưng qua nhiều lần trình các chế định "xương sống" của dự luật đã bị dần đẩy ra ngoài.

Mặt khác, theo ông Nhân, dự thảo luật quy định không quảng cáo bia từ 5,5 độ cồn trong các chương trình hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu điện ảnh. Như vậy, bia dưới 5,5 độ cồn sẽ được phép? Trong khi bia dưới 5,5 độ cồn hiện gần như bao phủ toàn bộ thị trường. Bởi vậy, ông Nhân đề xuất điều chỉnh độ cồn ở ngưỡng 4 - 5 độ trong tất cả các quy định thay vì từ 5,5 độ như trong dự thảo luật.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) bấm nút tranh luận và lên tiếng không đồng tình với một số ý kiến trên. Ông Xuyền nói nghe những phát biểu trên có cảm giác các đại biểu coi ngành sản xuất rượu bia như một "tội đồ". Theo ông Xuyền, việc gì cũng phải có lộ trình, không thể cấm đoán hoàn toàn và bỏ hoàn toàn công lao của một ngành sản xuất.

Phòng chống tác hại rượu bia: Càng bàn càng... lùi - Ảnh 2.

CSGT Q.Bình Thạnh, TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe - Ảnh: T.T.D.

Sao lại đưa rượu lên đoạn đầu đài?

Cũng bấm nút tranh luận, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng "rượu là văn hóa của cả nhân loại rồi, tại sao ta đưa nó lên đoạn đầu đài như thế này?". Ông Quốc cho rằng cách đặt vấn đề của dự luật hiện nay sai, né tránh mặt yếu nhất là năng lực quản lý, năng lực kiểm soát của Nhà nước và mỗi một con người tự kiểm soát mình.

"Nếu tiếp cận dự luật từ vấn đề quản lý, kiểm soát sản xuất, tiêu thụ, sử dụng... sẽ bền vững, đồng thời vẫn khai thác được mặt tích cực của bia rượu trên thị trường cũng như trong đời sống. Tôi rất mong rằng chúng ta hết sức tỉnh táo để có cách đặt vấn đề đúng đắn, có hiệu quả, có lộ trình, có thể lúc ban đầu hiệu ứng còn hạn chế, ta nâng dần lên" - đại biểu Đồng Nai nói.

Tăng thuế được không?

Nhiều đại biểu cho rằng cần tăng thuế để tạo "rào chắn" giảm mức tiêu thụ rượu bia. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng cần bổ sung đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia ở mức tỉ lệ phần trăm. Giá rượu đắt chắc chắn người dân sẽ giảm uống. 

Ông Phương còn đề xuất bổ sung hình thức xử phạt, kỷ luật từ xử phạt hành chính đến phê bình, khiển trách buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. "Luật pháp của chúng ta chưa nghiêm, vì mức độ xử phạt thường rất nhẹ. Các nước xử phạt cực kỳ nghiêm khắc, rất cao và chính vì thế mới răn đe, mới cảnh báo được" - ông Phương nói.

Đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên Huế) đề nghị bổ sung quy định tăng thuế đối với các sản phẩm rượu bia nhằm bù vào các khoản chi của ngân sách, phục vụ cho công tác phòng chống tác hại của rượu bia.

Còn đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng giá rượu bia ở nước ta rẻ hơn nhiều nước, giá rượu thủ công siêu rẻ. Cần có lộ trình tăng thuế rượu bia để hạn chế tiêu thụ. "Việc tăng thuế cần đồng bộ với kiểm soát nghiêm ngặt để ngăn chặn, kiểm soát tiêu thụ rượu thủ công, rượu giả, rượu lậu, nếu không vừa thất thu thuế, doanh nghiệp thiệt hại mà tiêu thụ rượu bia không giảm, nguy hiểm hơn sử dụng rượu bia kém chất lượng" - bà Lan nói. 

Bà Lan cho biết bà ủng hộ dự luật lần này vì dự luật đã căn cứ thực tiễn để có điều chỉnh cốt lõi là phải thay đổi văn hóa, không phải bóp nghẹt sản xuất chính thống.

Phòng chống tác hại rượu bia: Càng bàn càng... lùi - Ảnh 4.

Một trường hợp say rượu bị tai nạn giao thông ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

* Bác sĩ TRẦN TUẤN (GĐ Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng): Dự luật dàn trải, lệch trọng tâm

Đánh giá về phiên bản 5 (ngày 13-5-2019) của dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia, chúng tôi thấy dự thảo dàn trải, lệch trọng tâm cả về tổng thể và chi tiết. Cụ thể, dàn trải, lệch cả về quyền và trách nhiệm của từng chủ thể trong xã hội trước tác hại của rượu bia và đồ uống có cồn, cấu trúc luật không thể hiện trọng tâm bảo vệ của luật là trẻ em, trẻ vị thành niên..., không đánh giá, giám sát chất lượng thực thi luật.

Có 10 điểm tôi thấy cần chỉnh sửa, trong đó nên cấm quảng cáo đồ uống có cồn, nghiêm cấm bán rượu bia cho trẻ em, vị thành niên (dưới 20 tuổi) và cho người có dấu hiệu say, tăng thuế đồ uống (Thụy Điển bắt đầu từ đồ uống có 2,5 độ cồn)...

* Bà TRẦN THỊ TRANG (phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế): Nhiều tổn thất đắt hơn mất nguồn thuế

So với các dự thảo trước thì tôi nhận thấy dự thảo gần đây có yếu hơn trước, cụ thể là về các quy định hạn chế tính sẵn có của rượu bia.

Về quảng cáo, chỉ tập trung quy định quảng cáo rượu, xem nhẹ quảng cáo bia, như vậy là chưa đồng bộ. Mức thuế ở VN mới bằng khoảng 30%/giá bán lẻ, trong khi khu vực thu 48 - 85%, chưa kể số điểm bán nhiều, rượu bia sẵn có và rẻ, văn hóa tiêu dùng chưa chuyển đổi, uống 5-7 lon bia vẫn lái xe, dễ gây tai nạn.

Có những ý kiến nói lo ngại hạn chế rượu bia thì ảnh hưởng đến thuế, nhưng thật ra thu thuế rượu bia chưa bằng các tổn thất liên quan đến rượu bia về sức khỏe, về suy giảm khả năng lao động, gây tai nạn giao thông... mà tổn thất về con người không có gì đong đếm được. (LAN ANH ghi)

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia bị Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia bị 'yếu đi' như thế nào?

TTO - Một số giải pháp "mạnh" ở các dự thảo trước của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bị bỏ hoặc giảm nhẹ ở dự thảo mới trình ra kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, trong khi các vấn nạn xã hội có nguồn gốc từ rượu bia ngày càng phức tạp.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên