Tài xế điều khiển ôtô không làm chủ được tốc độ sau khi đã uống bia nên gây ra vụ tai nạn liên hoàn trên đường Láng, Hà Nội ngày 22-4 - Ảnh: CHÍ TUỆ
Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý 1, triển khai kế hoạch quý 2-2019 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì mới đây, nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo hướng tước vĩnh viễn bằng lái xe thay vì tước có thời hạn đối với tài xế sử dụng rượu bia, ma túy gây tai nạn.
Ngoài ra còn có kiến nghị buộc lao động công ích với các hành vi lạng lách, đánh võng, đua xe; xử lý lực lượng thực thi công vụ bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm.
Các kiến nghị trên đã nhận được ý kiến góp ý của rất nhiều chuyên gia.
Luật sư Vũ Phi Long (nguyên phó chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM):
Cần nghiêm trị người lái xe sử dụng rượu bia, ma túy
Thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chết nhiều người có nguyên nhân từ việc lái xe sử dụng rượu bia, ma túy.
Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng ý quan điểm cần phải nghiêm trị, tăng mức phạt, chế tài để đủ sức răn đe đối với lái xe, cần tước bằng lái vĩnh viễn.
Theo tôi, cách phòng ngừa tai nạn hiệu quả là nghiêm trị hành vi vi phạm khi chưa xảy ra tai nạn.
Trường hợp chưa gây tai nạn, qua kiểm tra phát hiện lái xe sử dụng rượu bia vượt mức cho phép cần tước bằng lái 3-5 năm.
Với lái xe sử dụng ma túy thì cần tước vĩnh viễn vì những người nghiện ma túy rất khó bỏ, cần phải nghiêm khắc hơn với trường hợp này để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông khác.
Giảng viên Lưu Đức Quang (Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Phòng ngừa bằng cách tăng chế tài
Cần tăng chế tài đủ sức răn đe, phòng ngừa từ đầu chứ không để giải quyết hậu quả.
Theo tôi, cần xem xét tổng thể quy định pháp luật xử lý trách nhiệm liên quan lái xe sử dụng rượu bia, ma túy.
Trước hết ở góc độ trách nhiệm hình sự, cần sửa đổi theo hướng xử lý lái xe sử dụng bia rượu, ma túy gây tai nạn theo các tội danh tương ứng với hậu quả gây ra.
Ví dụ, gây thương tích từ 11% trở lên thì xem xét ở tội danh "cố ý gây thương tích" hoặc gây ra chết người thì xử theo tội danh "giết người".
Người lái xe cần phải nhận thức rõ là khi có sử dụng rượu bia, ma túy mà điều khiển phương tiện thì nguy cơ rất cao sẽ gây hại cho sức khỏe, tính mạng người khác.
Ở nhiều nước chỉ cần cảnh sát phát hiện người lái xe trong tình trạng say xỉn là đã có thể phạt tù chứ không cần phải gây ra tai nạn.
Còn gây tai nạn mà chỉ thiệt hại tài sản thì nếu mức độ thiệt hại lớn sẽ xử lý hình sự.
Việc nâng hình phạt tương ứng tội danh "cố ý gây thương tích", "giết người" là một hình phạt đủ mạnh. Như vậy, điều này sẽ dần dần khiến người lái xe sợ mà tự điều chỉnh hành vi.
Ngoài ra, ở góc độ hành chính cần tăng chế tài theo hướng khi kiểm tra phát hiện sử dụng rượu bia, ma túy mà điều khiển phương tiện thì có thể lập biên bản để cơ quan chức năng hủy bằng lái, buộc người vi phạm phải học để thi lại.
Bên cạnh đó, tùy mức độ vi phạm mà xem xét tước bằng lái thời hạn dài hoặc tước vĩnh viễn.
Luật sư Hoàng Hữu Nhân (Đoàn luật sư TP.HCM):
Không để xảy ra hậu quả mới xử lý
Tôi ủng hộ đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế khi phát hiện họ sử dụng ma túy khi lái xe mà chưa cần hậu quả xảy ra.
Bởi người đã nghiện ma túy phải bị hạn chế một số quyền.
Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Vì vậy, việc hạn chế đối với những người nghiện chất ma túy, chất kích thích khi tham gia giao thông là phù hợp, để đảm bảo trật tự trị an xã hội, đảm bảo tính mạng cho chính người đó và những người tham gia giao thông khác.
Việc tước bằng lái xe vĩnh viễn đối với người nghiện ma túy được hiểu là người này không được phép tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép. Nếu sau đó người này cai nghiện, tiếp tục học và thi lại thì vẫn có thể được cấp lại bằng lái xe.
Luật sư Trương Nguyễn Công Nhân (Đoàn luật sư TP.HCM):
Cần siết quy hoạch, quản lý mặt hàng rượu bia
Tôi ủng hộ đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn khi phát hiện tài xế sử dụng rượu bia, ma túy. Tùy thuộc vào nồng độ khác nhau, có chế tài tước bằng lái theo thời hạn khác nhau hoặc tước vĩnh viễn.
Đối với trường hợp tái phạm, sử dụng ma túy (hoặc các chất cấm khác) nên tước vĩnh viễn mà không cần quan tâm đến mức độ và hành vi vi phạm.
Hiện nay, quán nhậu, quán bar mọc lên như nấm sau mưa, trong khi các đơn vị quản lý, thực thi pháp luật lại thực thi chưa nghiêm minh.
Ngoài việc sửa đổi luật nhằm tăng chế tài xử lý hành chính và hình sự đối với các trường hợp vi phạm này, nên chăng cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng như: tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi các quy định pháp luật liên quan, tăng thuế đối với các mặt hàng này, giới hạn độ tuổi sử dụng rượu bia và được vào những nơi như quán bar, vũ trường.
Cơ quan nhà nước cũng cần quy hoạch số lượng quán nhậu, quán bar, xử lý mạnh tay các tổ chức, cá nhân thực thi pháp luật có dấu hiệu che giấu, bảo kê cho các đối tượng hoạt động phi pháp.
Chị Nguyễn Thị Thúy An (ngụ quận 10, TP.HCM):
Lợi ích doanh nghiệp không tách rời lợi ích cộng đồng
Tôi ủng hộ việc tước bằng lái vĩnh viễn đối với những tài xế sử dụng rượu bia, ma túy, vì để những người say rượu, "ngáo đá" lái xe rất nguy hiểm.
Nhiều tài xế không tỉnh táo, không điều khiển được hành vi của mình đã gây ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc.
Tuy nhiên theo tôi, việc xử phạt phải bảo đảm nghiêm minh, không vì nể nang mới có tác dụng ngăn ngừa.
Bên cạnh đó, nếu đã tước bằng lái xe vĩnh viễn thì cơ quan chức năng càng phải tăng cường công tác kiểm tra và có biện pháp xử lý cần thiết vì nhiều người đã bị tước bằng lái vẫn bất chấp, tiếp tục lái xe.
Còn đối với những tài xế đang làm công cho doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng khi tuyển chọn, yêu cầu cam kết không sử dụng rượu bia khi lái xe, đặc biệt là không sử dụng ma túy.
Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp không nên gây áp lực về tiến độ cho tài xế, buộc tài xế chạy suốt ngày đêm trong thời gian dài, khiến họ để đảm bảo tiến độ mà tìm đến ma túy.
Tuy rằng tài xế tự nguyện, song cũng cần xem xét trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong những trường hợp này. Lợi ích của chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp không thể tách rời lợi ích cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Chánh (phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):
Cần đánh giá thấu đáo trách nhiệm gián tiếp
Quan điểm chung là tôi ủng hộ việc tăng chế tài xử lý một số hành vi vi phạm giao thông, nhất là đối với lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích, đặc biệt là ma túy, kể cả phạt lao động công ích.
Hiệp hội đặc biệt quan tâm đến việc chở quá tải, gây tai nạn chết người mà trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng chất kích thích, rượu bia.
Tôi cũng ủng hộ các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, bảo đảm an toàn.
Còn người gián tiếp (chủ xe, chủ doanh nghiệp) cần phải có đánh giá, xem xét kỹ là người ta đã làm hết trách nhiệm chưa, ở mức độ nào...
Ví dụ, chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp đều thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, không sử dụng lái xe nghiện ma túy, rượu bia.
Tuy nhiên quá trình người điều khiển phương tiện trên đường mà ghé đâu đó ăn nhậu, hút chích thì làm sao chủ phương tiện kiểm soát được.
So với 3 tháng đầu năm 2018, số vụ, số người chết và người bị thương đều giảm, nhưng có đến 7 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 29 người, bị thương 29 người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận